EURO trên từng cây số: Trên những chuyến tàu dọc ngang nước Đức
Tôi đã đi bao nhiêu chuyến tàu trên đất Đức này, bao nhiêu cây số lúc lên phía Bắc, lúc xuống phía Nam, lúc chạy ngay sang phía Đông nước Đức, tôi không thể nhớ được nữa. Nhưng những chuyến tàu, lúc tàu nhanh, tàu chậm, lúc trễ chuyến, lúc chạy đi lúc sáng và chạy về lúc đêm rất muộn đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của tôi trên đất Đức này.
Đừng đi tàu, nguy hiểm lắm, rồi bạn sẽ yêu đấy. Ai đó đã nói với tôi như thế trên một chuyến tàu cách đây lâu lắm rồi, khi tôi còn đang ở Italy. Yêu gì được nhỉ, yêu chính những chuyến tàu dọc ngang châu Âu, hay yêu ai đó trong những hành trình ấy? Tôi bật cười khi tự hỏi mình câu đó trong một hành trình 500km từ Duisburg đi Leipzig cho một trận đấu ấy, và chứng kiến một đôi trẻ hôn nhau ở hàng ghế phía trên.
Yêu những chuyến tàu, yêu những chuyến đi
Sắp tròn 30 năm kể từ ngày Jesse (Ethan Hawke đóng) và Celine (Julie Delpy đóng) vô tình gặp nhau trong một chuyến tàu hoả trong phim "Before sunrise" (Trước bình minh), khi họ xuất phát từ Budapest để tới Vienna, nơi chàng sẽ bắt chuyến bay về Mỹ, còn nàng thì từ đó về Paris. Một cuộc chuyện trò diễn ra trên chuyến tàu tối ấy, và rồi một tình cảm mới mẻ bắt đầu. Có điều gì tương tự thế chờ tôi và bất cứ ai trên những chuyến tàu?
Đó luôn là những hành trình bắt đầu từ sáng sớm, khi tôi có mặt ở sân ga, tay cầm một tách cafe và chờ tàu đến. Những chuyến tàu cao tốc (ICE) ở Đức ít khi trễ chuyến như tàu vùng (RE) và thường là hiện đại, với ghế ngồi rộng và sạch sẽ, có bàn trước mặt, có ổ cắm điện cho người dùng máy tính, có cả khu vực dành riêng cho các gia đình cũng như những người mang xe đạp theo. Tôi đã đi những hành trình dài như thế bằng ICE từ Munich đến Duisburg, nơi tôi ở nhờ trong nhà một người em Việt kiều, đã từ Duisburg đi đến những nơi xa xôi của nước Đức như Hamburg, Leipzig, Frankfurt hay Stuttgart. Những chuyến tàu, thường từ 4 đến 5 tiếng, tuỳ theo độ dài của hành trình chính là dịp để một người đi tàu thường xuyên ở những nơi tôi đặt chân đến trong các chuyến đi trên thế giới sống một cuộc sống riêng trên những chuyến tàu ấy.
Tôi đã đi tàu ở khắp châu Âu, đã ngồi tàu ở châu Phi lẫn châu Á, châu Đại Dương, đã đi trong những mùa Hè nóng nực và mùa Đông buốt giá. Và dù đã trải qua những hành trình đầy mệt mỏi ở Đức trên những chuyến tàu ngắn chở đầy chật cổ động viên, những lần nhà tàu huỷ chuyến buộc phải sang chuyến khác làm hành trình tăng thêm thời gian, những lần chạy như điên giữa các sân ga để kịp một tàu nối chuyến, tôi vẫn yêu những sân ga và những chuyến tàu trên đất Đức. Tôi có mặt trên những chuyến tàu ấy gần như hàng ngày trong hơn một tháng trên đất Đức và sống trong mấy giờ ở đó cùng biết bao người, những người trí thức ngồi làm việc, những gia đình đi nghỉ, những cụ già ngồi giết thời gian bằng chơi ô chữ, những sinh viên đi học, những cô gái đi một mình...
Bạn không thể có cảm giác rập rình tàu chạy trong đêm lặng và vào một sân ga vắng lặng không có ai chờ bạn nếu bạn đi máy bay. Bạn cũng không thể ngắm những làng mạc, thị trấn, thành phố, những cánh đồng lúa mì đã gặt hết, những mảng vàng chạy tít tận chân trời của hoa hướng dương hay những cơn mưa lạnh giữa mùa Hạ nếu không bên cửa sổ toa tàu. Khi bay và khi ngồi cùng ô tô, bạn sẽ không phải nhìn thẳng vào mắt một người xa lạ nào đó và rồi yêu thầm nàng trong mấy tiếng của hành trình. Những chuyến tàu đã trở thành một công cụ kết nối như thế giữa những con người xa lạ trong không gian và thời gian.
Ở một đất nước rộng lớn như nước Đức, tàu chính là phương tiện công cộng phổ biến nhất và kinh tế nhất để di chuyển giữa các thành phố trong vùng, giữa các bang trong nước và từ các thành phố đó sang các nước châu Âu khác. Một hệ thống khổng lồ các sân ga kết nối với nhau, mỗi ngày đưa hàng triệu lượt người đi khắp bốn phương trời. Xu hướng đi tàu hoả càng tăng lên trong những năm qua, đặc biệt là sau đại dịch, khi Đức có chính sách khuyến khích đi tàu hoả với giá 49 euro một tháng trên tàu vùng (RE). Lượng người đi lại bằng tàu hoả để bảo vệ môi trường thay vì máy bay giữa các nước châu Âu tăng lên. Và đặc biệt nhất, sự trở lại của các chuyến tàu đêm càng làm tăng thêm sự kết nối của những con người, và gợi lại một suy nghĩ rất lãng mạn về những câu chuyện tình trước bình minh như trong phim.
Chuyến tàu trước bình minh
Vào cái thời mà những câu chuyện lãng mạn kiểu như thế thường chỉ có trong phim, người ta lại khát khao những cảm xúc mới để xua đi những rắc rối và mối lo của cuộc sống thường nhật.
Những chuyến tàu của tôi trên hành trình dọc ngang nước Đức luôn tất bật, hối hả. Đấy là lúc đến ga mua một tách cafe và ra sân ga chờ tàu, là lúc ngồi trên sân ga và tranh thủ viết bài hoặc đọc một thông tin nào đó về nước Đức, là bộn bề công việc của một người làm báo luôn trong những chuyến đi, có khi tới gần 1 nghìn km trong hai ngày liên tiếp ở 2 sân bóng ngược hướng nhau trên đất Đức. Nhưng trong sự gấp rút về thời gian ấy, đôi khi những phút giây bình yên và lãng mạn vẫn xuất hiện. Một người bạn Đức mới quen nói chuyện với ta trong suốt mấy trăm km đường, khiến ta có cảm giác hình như có một sự sắp đặt nào đó để ta có người chuyện trò trong hành trình ấy. Một cơn mưa vừa ngừng rơi làm các vệt chảy dài trên cửa kính toa tàu và rồi nắng lên thật đẹp, xua đi cái u ám trong lòng người đi bị thời tiết làm cho trở nên khó chịu. Một khung cảnh tuyệt đẹp với cánh đồng hoa hướng dương trải dài một bên cửa sổ.
Trong "Before sunrise", sau khi xuống tàu ở Vienna, Jesse đã ngỏ ý mời Celine đi lang thang trong đêm Vienna với mình, và nàng đồng ý. Dần dần họ nói cho nhau biết đã chia tay người yêu cũ, rồi nói cảm xúc của mình về nhau và thú nhận có lẽ sẽ không còn gặp nhau nữa. Họ hôn nhau. Phim kết thúc vào buổi sáng hôm sau, khi tàu của Celine chuẩn bị rời ga. Quyết định không trao đổi cho nhau các thông tin liên lạc, họ chia tay nhau và hẹn ước sẽ gặp nhau sau nửa năm nữa ở chính chỗ này. Đó là phim đầu tiên của bộ ba phim về họ, khi họ còn gặp nhau những lần nữa trong các hành trình, với những cái kết mở đáng yêu và có hậu. Tôi đã từng đi tàu đêm ở châu Âu nhiều năm về trước và hiểu được cái cảm giác chống chếnh cô đơn thế nào khi chỉ có một mình trên tàu, trong một hành trình chắc chắn có điểm đến nhưng lại không hề rõ tâm trạng của chính mình khi tới nơi sẽ ra sao, người ta sẽ gặp trên sân ga sẽ thế nào.
Tôi viết bài này trong một chuyến tàu, và ở phía chếch đối diện là một cô gái Đức rất xinh đang nói chuyện điện thoại và khi thấy tôi nhìn cô, bất giác cô cũng nở một nụ cười đáp lại. Tôi không biết có một câu chuyện gì đó sẽ xảy ra với tôi sau hành trình này hay những chuyến tàu khác nữa ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng tôi tin, nếu số phận sắp xếp cho ai một cuộc gặp trên một chuyến tàu với một ai đó, nó sẽ diễn ra, chỉ là ta hãy mở lòng cho mọi sự sắp đặt ngẫu nhiên ấy. Cô gái xuống trước một ga, không quên gửi lại một nụ cười thân thiện. Tôi xuống ga sau mà lòng nhẹ nhõm, thanh thản và yêu đời. Sân ga đầy nắng và những niềm vui. Những hành trình khác đang chờ đợi…
Anh Ngọc (từ Stuttgart, Đức)