Thư EURO: Đi tìm thời gian đã mất
(Thethaovanhoa.vn) - Provins là một thị trấn cổ hàng nghìn năm thuộc vùng hành chính Île-de-France, thuộc tỉnh Seine-et-Marne, quận Provins, tổng Provins. Hôm qua, chúng tôi đã đến đây, và chứng kiến những khung cảnh tuyệt tác về con người lẫn cảnh sắc nơi đây.
1. Anh Việt Sơn, phóng viên Thường trú TTXVN tại Paris thúc ép: “Mấy ngày bận quá nhưng hôm nay, chú phải đi Provins bằng mọi giá. Bởi lễ hội trung cổ festival médiéval ở đây chỉ còn ngày cuối cùng. Mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào tháng 6. Không đi thì uổng phí cả một chuyến đến Pháp. Có khi, cả đời chỉ một lần có diễm phúc này”.
Thế là chúng tôi cùng lên đường, cùng nhóm sinh viên Việt. Provins cách thủ đô Paris khoảng 100 km. Từ năm 2001, thị trấn nhỏ này đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa của thế giới.
Rời Paris, xe bon nhanh trên những cung đường đầy hoa cỏ. Những cánh đồng cải vàng ruộm chờ thu hoạch để làm dầu ăn. Những đồng lúa mì xanh mướt thẳng cánh cò bay. Hoa oải hương tím nao lòng. Rồi cơ man nào là hoa dại, Tiếng chim hót vang rừng khi xe xuyên qua. Đến gần địa phận Provins thì rực lên sắc đỏ, trắng trong của hoa hồng. Provins còn là thiên đường hoa hồng, khi người dân thị trấn này còn có nghề trồng hoa để làm mứt và mỹ phẩm. Vẻ lãng mạn như trong tranh Vincent Van Gogh khiến đoàn, trong đó có người từng chứng kiến, vẫn cứ hồi hộp, ngất ngây.
Sau hơn hai giờ đi xe hơi, đoàn đã đến một làng cổ Provins, cũng là nơi diễn ra lễ chính. Bao quanh làng là bức tường thành cổ. Dù đã được chính quyền tu bổ sau bao biến cố, nhưng tuyệt nhiên không lộ ra sự lạc điệu, mà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nét cổ xưa. Cả những ngôi nhà của dân làng cũng vậy. Có những nét hoa văn, chạm trổ từ cổ xưa vẫn còn đó.
Xuyên qua một con ngõ đầy hoa hồng, chúng tôi tạt vào nhà anh D.Filippes, xin nước uống. Anh đang chuẩn bị cùng vợ con đi dự lễ nhưng rất vui vẻ tiếp khách. Trong trang phục của chiến binh, nào rìu, cung tên, giáo, mặt nạ, nhìn 4 thành viên của gia đình này rất mạnh mẽ. “Tôi lớn lên đã có ngôi nhà này. Nó được dựng lên từ bao đời. Chúng tôi tự tu bổ, giữ gìn là chính, không cần đến sự hỗ trợ của chính quyền. Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã được dạy rằng, buôn bán sản phẩm du lịch cũng không phải cốt yếu vì mục đích kinh tế, mà là bổn phận truyền giáo văn hóa thị trấn. Lễ hội trung cổ rất thiêng liêng, là niềm tự hào của chúng tôi”.
2. “Bổn phận như truyền giáo văn hóa thị trấn”, lời anh D.Filippes như một triết lý. Quả thực, chúng tôi vô cùng thoải mái khi bước vào lễ hội. Người dân không hề chèo kéo. Giá cả rất rẻ, Tôi mua một chiếc thắt ưng da, giá chỉ bằng ở Việt Nam, nhưng lòng thì tin tưởng tuyệt đối chất lượng. Những bộ trang phục trung cổ dân làng cho du khách thuê, đẹp và sang trọng đến mê hồn. Mấy anh em đều cho rằng trang phục ở trường phim chắc cũng thế mà thôi.
Bên mình vẫn có nhiều ngôi làng cổ, thị trấn, thành phố cổ. Tuy nhiên, cách làm du lịch xem ra vẫn còn manh mún, thời vụ. Việc bảo tồn phụ thuộc vào chính quyền quá nhiều. Các thao tác hành chính để trung tu một ngôi nhà lại rất nhiêu khê.
Thế mới có chuyện ở làng cổ Đường Lâm, cùng Hội An, hàng loạt các hộ dân từng đứng đơn đòi trả danh hiệu di sản, vì không được mở rộng diện tích nhà ở trong khi nhân khẩu ngày càng tăng; vì chính quyền cứ mãi “xem xét”. Cách đây vài tháng, có dịp đến Buôn Đôn, thú thực không khỏi ngán ngẩm. Voi thì già, lông trơ trọi vì bị vặt lông làm nhẫn. Ngồi trên bành voi, tay phải gồng hết sức trước những cái ghế bằng những thanh gỗ lung lay có thể rơi bất cứ lúc nào. Còn cảnh quan, sản vật địa phương thì thực sự còn nhếch nhác…
3. Những con đường lát đá cổ rung rinh hoa hồng và diên vĩ. Một cơn phùn rắc đến. Làng cổ Provins chợt trở nên mờ ảo như sương như khói. Mà quả thế thật, lúc này, chúng tôi sững người mà nhìn ngắm vẻ đẹp của hàng nghìn đôi nam nữ, các gia đình từ già đến trẻ, trong các trang phục trung cổ. Có khác gì cảnh nói về những bộ phim như Chúa tể những chiếc nhẫn hay Vua Arthur đâu. Phải có mặt trong lễ hội này, mới cảm nhận hết vẻ đẹp của trai, gái Pháp.
Những con đường cổ, tôi có giẫm lên vết chân của Marcel Proust? Tác giả “Đi tìm thời gian” đã mất (đứng thứ 8 trong những cuốn sách vĩ đại nhất của nhân loại, do tạp chí Time bình chọn), từng sống nơi này. Không phải ngẫu nhiên mà Marcel Proust cùng những Victor Hugo, Honoré de Balzac, Umberto Eco phải đến đây dựng “trại văn” để sáng tác.
Chúng tôi đã tìm được những gì “đã mất” ở làng cổ Provins. Một trải nghiệm đáng nhớ. Càng thấy rằng, làm du lịch ở những làng cổ là không đơn giản, nếu không xuất phát từ ý thức người dân trong làng; chính quyền không chia sẻ nỗi niềm thầm kín của dân, và tệ hơn là cả hai cứ “đổ lỗi” cho nhau.
Không đề Provins Anh đã đánh lạc mất anh tận miền xa lắc Anh yêu em Làng cổ Và hoa. Gửi đóa hồng vào hòm thư ngôi nhà lạ Và anh chờ năm tháng ... trôi qua. |
Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa