(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Người ta bảo nếu đến Trung Quốc mà không thưởng thức sủi cảo, bạn sẽ được tính là chưa từng đến nước này.
Sủi cảo có hình đồng tiền cổ của Trung Quốc nên nó được coi là món ăn mang lại sự may mắn, tượng trưng cho sự giàu có. Cũng chính vì vậy, đây là món ăn mà các gia đình nhất định phải thưởng thức cùng nhau vào mỗi dịp xuân đến, tết về, đặc biệt là sau khoảnh khắc giao thừa.
Sủi cảo được làm từ thịt và rau băm nghiền, sau đó viên lại, rồi gói cẩn thận trong một lớp bột mì cán mỏng. Tuy nhiên, cũng có loại sủi cảo nhân chỉ có thịt hoặc rau. Công thức đơn giản là thế nhưng nếu muốn nhân ngon, dậy mùi thì phải băm thật đều tay và thời gian đủ dài vì nếu băm nhanh quá, nhân sẽ thô, ăn không ngậy vị.
Có rất nhiều cách để chế biến sủi cảo, như luộc, hấp hay chiên vàng. Dù chế biến theo cách nào thì khi ăn vẫn thấy vị đậm đà của thịt, vị thanh mát của rau, vị mềm dẻo hoặc giòn rụm của lớp bột bên ngoài.
Thông thường sủi cảo thường được ăn kèm với mỳ vằn thắn. Và nếu ăn riêng thì thường kèm theo nước chấm. Những ngày lạnh trời, nhìn bát sủi cảo tỏa khói nghi ngút mà “đứng ngồi không yên”. Đưa viên sủi cảo lên miệng, mùi thơm từ bột mỳ, từ các loại nhân lan tỏa khiến lòng như có kiến cắn. Rồi ăn xong miếng thứ nhất, đôi tay bạn sẽ tự động gắp thêm miếng thứ 2, thứ 3… cho đến khi bụng đã no tròn mà miệng vẫn cứ muốn ăn tiếp.
Là món ăn truyền thống, thế nên, thưởng thức sủi cảo, chúng ta không đơn thuần là thưởng thức món ăn mà còn là thưởng thức nét văn hóa độc đáo của người Trung Quốc. Nếu một ngày nào đó, bạn có cơ hội đón tết ở mảnh đất này và thưởng thức sủi cảo vào thời khắc giao thừa, đừng quên chừa lại một vài miếng (nhớ là phải số chẵn) nhé! Bởi vì, người dân ở đây quan niệm, như thế là để cầu mong 1 năm mới có của ăn, của để, của dư thừa.
Xuân Phùng
Tổng hợp