(Dulich - Thethaovanhoa.vn) - Khu vực biển bao quanh villa tôi ở chỉ sâu tối đa là 1,3m nhưng khi lắp mặt nạ và ngắm mọi thứ trong làn nước, bạn sẽ thấy đó là một thế giới hoàn toàn khác.
Giữa Ấn Độ DươngSau 6 tiếng chờ quá cảnh ở sân bay Changi (Singapore), lúc 6 giờ 30 tối tôi lên máy bay đi Male. Mất khoảng 1,5 giờ bay, lúc 8 giờ 30 tối giờ địa phương, máy bay hạ cánh. Sân bay nằm riêng trên một hòn đảo và đường băng nằm dọc theo chiều dài của đảo. Chợt nghĩ, nếu máy bay “thắng” không an toàn, trong thời tiết mưa thế này...có khi nào chúng tôi chạy luôn xuống biển!
Cho đến nay không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đi Maldives. Chuyến bay của hãng Tiger Airwayscủa tôi đáp xuống Maldives lúc đêm nên buộc phải ngủ lại ở đảo gần sân bay.
Lặn biển khi nước lên cao gần nửa cái thang đi xuống biển từ villa
Ra khỏi khuôn viên sân bay, đi thẳng là khu bến tàu cao tốc để di chuyển sang các đảo resort khác. Cũng ở vị trí này có xe buýt đi sang Hulhumale mỗi 30 phút. Quẹo phải thì có bến phà công cộng mỗi 15 phút một chuyến để qua Male. Ở đây không có taxi nên không thể kêu xe rồi chễm chệ nói họ lái đến nơi mình muốn. Vì thế, bạn nào du lịch ở Maldives phải nghiên cứu luôn từ trước phương tiện vận chuyển từ sân bay đến nơi lưu trú, nhất là đi các chuyến bay đáp đêm để tránh mất thời gian loanh quanh ở sân bay.
Mùa này đang vào mùa mưa nhưng các cơn mưa ở đây thuộc dạng mưa rào và khá ngắn, nhanh tạnh do gió thổi liên tục đẩy mây đi.
Maldives là một quốc đảo gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương, nằm ở phía nam quần đảo Lakshadweep thuộc Ấn Độ, và cách khoảng 700km phía tây nam Sri Lanka. 26 đảo san hô của Maldives bao vòng quanh một lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ, khoảng 200 đảo trong số này có các cộng đồng địa phương sinh sống. (Theo Wikipedia) |
Trên thực tế, chúng ta không cần lưu ý đến yếu tố tắm biển ở đây vì các nơi quanh đảo đều cấm tắm hoặc không tắm được do đá ngầm và san hô nằm rải theo bờ biển. Nên nếu muốn tắm biển, phải đi buýt hoặc phà đến bãi biển công cộng, Mafuushi hay các resort nằm ở các đảo. Nói vậy không có nghĩa là ở Hulhumale hay Male không có bãi tắm. Huhulmale có “hồ bơi công cộng” được quây bằng dây phao nổi xung quanh, có cầu thang inox dẫn xuống. Male thì có bãi tắm nhân tạo ở bên mạn trái đảo.
Một dãy bờ đê che chắn bao vòng bên ngoài bờ /khu dân cư nhằm chống hiện tượng biển xâm thực. Điều này cũng thấy tương tự ở các đảo resort khác. Các khối đá to được xếp chồng lên nhau trông chắc chắn hơn hẳn so với những lớp bao cát thường thấy ở Việt Nam. Những nơi bạn thấy hai màu nước biển khác hẳn: một bên xanh ngọc, một bên xanh xẫm đại dương thì nơi đó có bờ đê đá che chắn vòng quanh. Khoảng cách từ bờ đê đến bờ không xa với màu nước ngọc bích chứng tỏ phần dải cát nằm chìm trong nước hẳn rất dốc.
Lặn biển
Thói quen dậy 7g sáng khiến mình chưng hửng khi nhìn bóng tối còn bao trùm Maldives đang ngủ lúc 5 giờ sáng. Trời khá tối, khó thấy được bên ngoài. Khoảng 1 tiếng sau, mặt trời dần ló dạng phô rõ toàn cảnh biển Ấn Độ Dương, bờ đê chắn sóng bao ngoài giúp giữ mặt nước biển bên trong xanh trong như hồ bơi nước mặn lăn tăn sóng, các villa mặt nước nằm san sát nhau.
Hãy mượn hoặc thuê bộ lặn snorkeling của resort, bạn sẽ thấy thời gian trôi qua cực nhanh khi có thể thỏa thích bơi đuổi theo ngắm các chú cá tung tăng dưới đáy. Các luồng sóng dưới đáy tạo những vệt cát trắng kéo dài vô tận. Trời chưa sáng rõ nên tầm nhìn dưới nước còn nhiều hạn chế, chỉ thấy được 3-4m trước mặt, khó nhận ra những con cá thân trong veo trừ khi bạn bơi đến gần. Thoắt ẩn thoắt hiện. Mặt trời càng lên cao, đáy biển càng rõ nét và nhìn xa hơn.
Đáy biển Maldives qua kính lặn
Khu vực biển bao quanh villa tôi ở chỉ sâu tối đa là 1,3m nhưng khi lắp mặt nạ và ngắm mọi thứ trong làn nước, bạn sẽ thấy đó là một thế giới hoàn toàn khác. Cái tự tin khi bơi trên mặt nước và ngụp lặn trong làn nước biển thực sự khác hẳn nhau. Ở dưới nước, các rạn san hô có vẻ to hơn, nhô cao hơn, trở thành thành lũy khiến người bơi không mang chân nhái như mình phải e dè.
Có thể bạn không tin khi tôi nói điều này, nhưng sự thật (đối với mình) là, cảm giác không biết chuyện gì xảy ra phía trước khi tầm nhìn hạn chế trong làn nước sẽ khiến não bạn bị kích thích cực độ. Những con cá nhỏ xíu bất ngờ loe ngoe cái đuôi trước mặt cũng khiến bạn giật mình. Những rạn san hô bám rêu nằm cao thấp khác nhau khoác lên sự huyền bí, gợi nhớ câu chuyện tìm kho báu của Jules Verne.
May mắn của ngày hôm đó là tôi đã chứng kiến tận mắt con cá mập nhỏ, dài tầm 1-1,2m bơi ngang trước mặt. Một con cá mập thật sự. Khi quan sát cá mập, trong đầu tôi hỗn độn nhiều suy nghĩ. Chạy hay không chạy, rồi như nín thở khi nó bơi qua, tự trấn an rằng con này nhỏ, rất an toàn, rồi nhớ là cá mập không tấn công nếu không bị chọc phá.
Bờ đê chắn sóng bao quanh các villa Đứng hình và thở phào khi nó bơi mất vàchợt mừng mình vì mình không xây xước chảy máu nơi nào, điều dễ bị khi bơi gầnđá ngầm hay rạn san hô mà không mang chân nhái. Nếu không, chắc hẳn giờ bạnđang đọc một phiên bản Hành trình Maldives khác rồi.
Bạn có thấy cá đuối bơi trực tiếp chưa? Dù ăn khô cá đuối nhiều và thấy khá ngon khi chấm mắm me, nhưng mình không nghĩ con cá đuối đang bơi nhẹ nhàng lướt qua trước mặt kia lại trở thành món khô khô queo trên bàn nhậu. Lại có con cá mặt to hung dữ với hàm răng thô kệch và lệch lạc cứ lao xuống san hô mà bẻ lấy bẻ để các nhánh san hô. Hết nhánh này đến nhánh khác.
Sau cảm giác sợ và tự trấn tĩnh để bơi vượt qua luồng nước lạnh luồn chân, đến gần bờ đê chắn sóng, chạm đến con sóng Ấn Độ Dương đang vỗ ầm ầm ngoài kia là cảm giác rất khó diễn tả.
Buổi trưa con nước lên cao gần nửa cái thang đi xuống biển. Sóng đánh mạnh kinh khủng dù bên ngoài đã có lớp đê chắn sóng. Thế mà mình vẫn thấy không gian biển ấy thật quyến rũ, phải kìm lòng lắm mới không xuống bơi lần nữa.
Kỳ 2: Maldives có đắt đỏ?
Bài và ảnh: Diễm Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần