'Di sản đô thị' và 'đô thị di sản'
(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm mà dư luận đang hướng về nạn lũ lụt ở miền Trung, chuyện “di sản” xem ra là một cái gì đó không thực tế và xa vời. Nhưng thật ra, đó vẫn là một vấn đề có mẫu số chung với điều ta luôn nói đến những ngày qua: thái độ của con người trong việc gìn giữ những gì quan trọng và có tính bền vững với cuộc sống hôm nay.
Giống như, nếu rừng, môi trường tự nhiên, hệ sinh thái... là những tấm “lá chắn” cần được bảo vệ để giúp con người điều hòa mối quan hệ với thiên nhiên thì di sản cũng chính là thứ cần được gìn giữ, để có sự cân bằng giữa tương lai và ký ức.
Nếu để ý, câu chuyện về nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và xâm hại di sản tại thành phố Đà Lạt vẫn âm ỉ trong dư luận từ hơn một năm qua. Người ta có thể kiểm chứng điều ấy khi những trận mưa lớn làm thành phố này rơi vào cảnh ngập nặng trong biển nước.
Đó là điều tưởng như vô lý ở một thành phố cao nguyên, nhưng lại hoàn toàn hợp với thực tế đang diễn ra - khi nhiều chuyên gia chỉ rõ: Bên cạnh sự phát triển của đô thị, còn phải kể đến sự xuất hiện của một vành đai các nhà kính trồng hoa màu quanh thành phố, thay cho phần cây xanh như trước. Những nhà kính ấy chính là những chiếc “áo mưa” tự nhiên, khiến nước không thể thấm xuống đất và tạo lũ ở các suối khi dồn về.
Rồi trong bối cảnh ấy, cũng hơn một năm qua, câu chuyện về việc quy hoạch và bảo tồn Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt cũng liên tục gây tranh cãi - khi công trình kiến trúc 111 này liên tục được “đặt vấn đề” di dời sang một vị trí khác, hoặc... đưa lên cao, hoặc được bảo tồn theo cách “bao” xung quanh là những cao ốc khổng lồ. Như những phân tích chung, tất cả ý tưởng ấy đều gắn với tách rời công trình khỏi không gian vốn gắn liền với lịch sử ra đời và tồn tại của mình, để nhường chỗ cho những khối kiến trúc hiện đại và đồ sộ.
Chuyện của Đà Lạt không còn là của riêng... Đà Lạt, khi mà những gì đang diễn ra khiến người ta nhớ tới những tranh cãi tương tự trong việc bảo tồn các không gian xưa cũ ở Huế, Hội An, hay thậm chí là một phần của Hà Nội cũ.
- Nhận diện giá trị di sản Đông trấn Kinh thành Thăng Long
- Phức tạp như bảo tồn di sản đô thị ở TP.HCM
- Thành phố Hồ Chí Minh đang mất dần di sản đô thị
- Từ cầu Long Biên tới chuyện di sản đô thị
Mỗi đô thị của Việt Nam đều có những di sản đặc biệt mà quá khứ để lại. Phần nhiều trong số chúng vẫn còn được sử dụng theo những công năng khác nhau và chưa được xếp vào danh sách di tích cấp quốc gia hoặc thành phố. Đó là một điều cũng ít nhiều hợp lý, khi những di sản đô thị ấy cần được ứng xử với một thái độ đặc biệt để khai thác hết lớp trầm tích văn hóa tích tụ theo thời gian của mình.
Thực tế, trong vài năm gần đây, khái niệm “thành phố di sản" hay "đô thị di sản" tại Việt Nam, dù chưa chính thức được quy định trong các hệ thống Luật. Cụ thể, Đà Lạt và Huế chính là 2 thành phố đang được đề xuất ưu tiên phát triển theo mô hình này. Theo đó, mỗi đô thị di sản cần có bốn bộ phận cấu thành chính: Cảnh quan thiên nhiên; ý tưởng quy hoạch ban đầu; quỹ kiến trúc đô thị mà tiêu biểu là các di tích lịch sử - văn hóa; lối sống - phong tục tập quán làm nên sắc thái đô thị.
Nếu được tiếp cận và đầu tư đúng mức, những đô thị ấy sẽ thật sự phát triển quanh hệ giá trị di sản của mình, để có thể vừa bảo tồn di sản một cách hợp lý, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế từ du lịch và văn hóa nhưng vẫn tiếp tục làm dày lên bản sắc của thành phố theo thời gian.
Chúng ta cùng chờ đợi những đô thị di sản đầu tiên của Việt Nam được công nhận, kèm theo hệ tiêu chí và hành lang pháp lý được xây dựng phù hợp, để rồi từ đó, có thêm những đô thị di sản khác.
Anh Bảo