loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây khoảng 25 năm, TP.HCM đã xác định bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là công việc phải làm ngay và đã ban hành danh mục 108 đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố được phân loại theo mảng, tuyến, cụm và điểm. Đồng thời ban hành Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.
Sáng 27/11 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo về không gian di sản với chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hoá tại TP.HCM. Điều đáng chú ý của hội thảo này là đã “xa rời” tính vĩ mô để đi vào các công trình, các vấn đề cụ thể, nên khá cận nhân tình.
Một trong những biệt thự kiến trúc cổ thuộc sở hữu tư nhân tại TP.HCM còn gìn giữ được và đang lên kế hoạch bảo tồn
Thế nhưng đến nay, các giá trị của di sản cảnh quan kiến trúc chẳng những không bảo vệ được mà không ít di sản cảnh quan kiến trúc đã bị xâm hại nghiêm trọng dẫn đến biến mất và đang đối mặt với nguy cơ mất dần.
Kiến trúc cổ thành nhà hàng
Theo thống kê của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM), với các công trình kiến trúc của Pháp trên địa bàn TP.HCM hiện nay thì số được xếp hạng di tích còn quá ít, ước tính chỉ khoảng 5-7%. Điển hình nhất là khu vực quận 3, nơi có khá nhiều di sản kiến trúc cổ của người Pháp nhưng chưa được xếp hạng. Điều đau xót hơn, là một loạt các di sản lịch sử và kiến trúc đô thị bị biến mất lại diễn ra ngay trong thời kỳ đô thị hóa chứ không phải trong những năm chiến tranh, bị tàn phá bởi bom đạn. Điển hình như sự mất hút của tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của thành phố trong khuôn viên Cảnh sát PCCC, cây cầu ba cẳng độc nhất vô nhị khu vực Đông Nam Á ở kênh Hàng Bàng (quận 6), tòa đại sứ quán Mỹ, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, Thương xá Tax, chợ Gạo đầu tiên của Sài Gòn (chợ Trần Chánh Chiếu)… và rất nhiều hạng mục khác dần biến mất không còn một dấu vết nào.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM), toàn thành phố hiện có khoảng 1.300 biệt thự kiến trúc cổ, rất nhiều trong số này thuộc sở hữu tư nhân. Gần đây, tình trạng chủ sở hữu tự ý tháo dỡ biệt thự cổ diễn ra ở quận Bình Thạnh, hay tự cải tạo làm nhà hàng, văn phòng công ty (khu vực quận 3) đã làm sụt giảm con số thống kê trên. Điều này đồng nghĩa với sự ra đi của không ít công trình kiến trúc cổ mang trong mình những giá trị di sản về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật…
Sự biến mất của di sản đô thị thành phố được GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhìn nhận, một trong những bức xúc nhất liên quan đến công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố hiện nay là hàng loạt chủ đầu tư xin phép, thậm chí tự ý tháo dỡ biệt thự cũ để xây dựng mới nhà cao tầng làm phá vỡ cảnh quan kiến trúc và mất dần di sản đô thị. Theo ông Hòa, nên rà soát lại quỹ kiến trúc của các thời kỳ để có cơ sở xây dựng chính sách bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, làm nguồn lực và động lực cho sự phát triển của một TP.HCM vừa năng động, hiện đại, vừa bản sắc đa văn hóa.
Chuyển quyền phát triển
Trước áp lực của phát triển đô thị, sự mất dần của di sản cảnh quan kiến trúc đô thị, nhất là trong khu vực nội thành hiện hữu chẳng những chưa dừng lại mà còn đang tiếp tục đối mặt với nguy cơ ngày càng cao. Để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, điều kiện then chốt và quan trọng nhất để bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc bền vững là phải đảm bảo được lợi ích chung của cộng đồng, xã hội và lợi ích riêng của các cá nhân, tổ chức chủ sở hữu di sản. Lợi ích cốt lõi của các cá nhân, tổ chức sở hữu, đó là quyền phát triển khu đất có di sản cảnh quan kiến trúc.
Theo đó, cần áp dụng cơ chế chuyển quyền phát triển để bảo tồn di sản, nghĩa là chuyển quyền được xây dựng các công trình trên khu đất có di sản đến một khu đất khác, nếu tổ chức hoặc cá nhân không thể phát triển bất động sản trên một khu đất đảm bảo tuân thủ các quy định bảo tồn di sản. Cơ chế chuyển quyền phát triển cho phép đảm bảo được lợi ích của các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu di sản được chuyển đổi hoặc chuyển nhượng sang khu đất khác có khả năng tiếp nhận. Cơ chế này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Australia, Trung Quốc…
Ông Trình dẫn chứng câu chuyện cụ thể về vụ kiện giữa Tập đoàn Đường sắt Penn Central và chính quyền thành phố New York (Mỹ) tại Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Vào năm 1968, chính quyền thành phố New York không cho phép Penn Central xây dựng tòa tháp văn phòng 55 tầng bên trên Nhà ga trung tâm (Grand Central Station) để không làm ảnh hưởng đến không gian lịch sử của di sản kiến trúc này. Khi đó, Tòa án phán quyết Penn Central không được phép xây dựng tòa tháp văn phòng tại địa điểm như dự kiến. Thay vào đó, tập đoàn này được phép chuyển quyền phát triển về khu đất kế cận thuộc sở hữu của Penn Central.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, các biệt thự cổ thường có diện tích đất khá lớn và nằm ở vị trí trung tâm nên có giá trị kinh tế rất cao. Phần lớn chủ sở hữu muốn được xây dựng cao tầng hoặc sang nhượng… nên việc bảo tồn đã khó lại càng thêm khó khăn hơn. Vì thế, bảo tồn biệt thự nói riêng và di sản nói chung phụ thuộc nhiều chính sách quản lý và giá trị đất đai, nhất là khi nhận thức về di sản đô thị còn hạn chế. Theo bà Hậu, việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị không chỉ nhằm vào một vài công trình biệt thự mà cần có cái nhìn rộng hơn, tức bảo tồn một cảnh quan, không gian của đô thị.
Theo Hoàng Hải/Báo Văn hóa
loading...