'À ố show' kể chuyện Tây Nguyên giữa đô thị
(Thethaovanhoa.vn) - Có thể tạm gọi vở kịch xiếc sắp công diễn - vở tiếp theo sau Làng tôi, À ố show - là À ố show hậu truyện vì ê-kíp muốn kể câu chuyện tiếp theo, lại muốn giữ bí mật tên gọi đến phút chót, ngay cả việc chụp hình buổi phúc khảo cũng bị nghiêm cấm. Thế nhưng, nhìn từ khía cạnh lan tỏa của vở, những ai muốn giới thiệu, bảo tồn văn hóa bản địa, vùng miền sẽ có vài gợi ý hấp dẫn.
Gần như tiếp nối các thủ pháp dàn dựng và trình diễn đã khá thành công ở Làng tôi, À ố show, với đạo cụ chủ yếu là tre và thuyền thúng, À ố show hậu truyện đưa câu chuyện từ đồng bằng Bắc bộ lên cao nguyên Trung phần…Vùng Tây Nguyên có gần 20 dân tộc bản địa và ít người sinh sống, vở kịch xiếc này lấy cảm hứng âm nhạc, vũ đạo, trang phục, phong tục… của 4 dân tộc phổ biến là Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Cơ Ho.
Đôi khi khán giả nghẹt thở khi xem "À ố show"
Người xem như lạc vào một lễ hội tưởng tượng, nơi 4 dân tộc cùng góp sức để kể lại câu chuyện về sự hình thành, thịnh suy và lưu truyền của dân tộc mình. Tuy gọi là kịch xiếc, nhưng cũng như hai vở trước, ngôn ngữ chủ đạo là hình thể, là xiếc, thoại kịch gần như tiết chế tối đa. Trong À ố show hậu truyện có một số câu thoại, nhưng lại do 3 diễn viên người bản địa nói, nên với đa số người xem cũng là xa lạ, nên nó giống như một yếu tố âm nhạc.
Bắt đầu bằng một cao trào, quãng giữa là những thăng giáng, cuối cùng là một cao trào, À ố show hậu truyện giống như một ẩn dụ về đời người, về lịch sử của dân tộc. Lấy cảm hứng từ văn hóa Tây Nguyên nhưng không bê nguyên xi, không phục dựng, mà là chủ động kể lại một câu chuyện theo lối pha trộn, lắp ghép, vì thế có tinh thần đương đại.
Nhiều nhà dân tộc học và xã hội học đang gióng hồi chuông về sự chuyển hóa, sự mai một chóng vánh của văn hóa Tây Nguyên, nhưng giải pháp để gìn giữ, bảo tồn không hề đơn giản. Hoàn toàn đứng ngoài sứ mệnh lớn lao này, thế nhưng À ố show hậu truyện lại gợi cảm hứng để người xem nghĩ về một vùng văn hóa riêng biệt, đa dạng. Vì vậy, dù gián tiếp và pha trộn nhiều bản sắc, nhưng kịch xiếc này lại truyền tải được nhiều thông điệp cần thiết, tùy cách tiếp cận.
Một thực tế khác. Cũng như văn hóa nhiều vùng miền và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, việc bảo tồn, đặc biệt là giới thiệu đến với khán giả đô thị, khán giả quốc tế không hề đơn giản.
Nhiều năm qua, dù không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, nhưng việc bảo tồn cũng đầy thách thức. Riêng cách giới thiệu thì lại lối mòn, một không gian sống động bị biến thành cứng nhắc, đơn điệu.
Trong bối cảnh như vậy, sự xuất hiện “không giống ai” của À ố show hậu truyện một cách chuyên nghiệp nơi đô thị lại thành phương thức bù đắp hữu hiệu, sinh động cho việc bảo tồn, giới thiệu văn hóa. Cho nên, với văn hóa nghệ thuật (nhất là một nền văn hóa sống, vốn thay đổi từng ngày như Tây Nguyên), nhiều khi muốn bảo tồn thì phải chuyển đổi, phải phái sinh.
Điều cuối cùng có thể rút ra từ vở kịch xiếc À ố show hậu truyện là Việt Nam đang cần nhiều hơn những mô hình tương tự.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa