Vở kịch xiếc "À Ố Show"
Từ làng
Tháng 8/2012, khi vở xiếc Làng tôi trở về Hà Nội sau 3 năm chu du khắp thế giới với gần 300 suất diễn, để chuẩn bị cho mùa diễn đầu tiên tại quê nhà dự kiến trong năm 2013, có một thông tin được giữ bí mật tối đa là Làng tôi không “trở về” một mình, mà còn mang theo những vở xiếc mới, mang tinh thần “xiếc mới” (nouveau cirque) của Làng tôi, chuẩn bị được ra đời ở Việt Nam. Tại thời điểm đó, được biết, một “làng xiếc” khác, mang đậm nét văn hóa Nam Bộ với đờn ca tài tử, đang được thực hiện theo “đặt hàng” của một công ty ở TP.HCM (Đường về nhà của xiếcLàng tôi, TT&VH Cuối tuần), và tất cả chỉ dừng lại ở đấy.
Nghệ sĩ Nhất Lý (phải), một trong ba “ngự lâm pháo thủ” của kịch xiếc Làng tôi và À Ố Show |
Từ ước vọng đến kế hoạch thì dễ, nhưng để hiện thực hóa trong môi trường biểu diễn và kinh doanh nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, không đơn giản. Bản thân xiếc Làng tôi, một dự án hợp tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam tại Pháp và Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng phải mất tới 7 năm kể từ buổi diễn đầu tiên và 3 năm chu du xứ người để có một buổi “trở về huy hoàng” hôm 10/8/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Và mặc dầu trở về “huy hoàng” thế, song số phận của Làng tôi trên quê nhà tới giờ này vẫn khá long đong. Sau khi kết thúc hợp đồng độc quyền khai thác Làng tôi trên các sân khấu châu Âu của nhà đầu tư người Pháp, từ 2013, Làng tôi được trả lại toàn quyền khai thác cho phía Việt Nam.
Bất ngờ là, Làng tôi, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc và độc đáo Việt Nam (điều đã được minh chứng bằng các hợp đồng lưu diễn tại nhiều sân khấu quốc tế dành cho khách du lịch) lại được một tư nhân mua lại bản quyền khai thác nó tại Việt Nam, nơi cho đến nay, gần như ngoài múa rối nước ra, không có một sản phẩm văn hóa du lịch đáng kể nào khác. Tư nhân này là Đỗ Ngọc Minh, người sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp Luala, người đã đưa giao hưởng ra vỉa hè Hà Nội gần hai năm qua, con rể của “chúa đảo” Tuần Châu cai quản một trong những khu du lịch giải trí lớn hàng đầu xứ Bắc. “Oai” là thế, nhưng không dễ gì cho ông chủ mới “thắp sáng” Làng tôi trên chính quê hương của nó. Nhắm tới đối tượng chính là du khách quốc tế, Làng tôi cần một không gian ổn định và thuận lợi như Nhà hát Rối nước Thăng Long nhiều năm qua “sống khỏe” bên Bờ Hồ. Nhưng đấy lại chính là “nhiệm vụ khó khả thi”. Bởi vậy, nhiều khả năng, Làng tôi chưa thể công diễn định kỳ từ tháng 4 năm nay theo như kế hoạch ban đầu.
Ra phố
Trong buổi diễn “tái hồi” của vở xiếc Làng tôi năm ngoái, dưới hàng ghế khán giả Nhà hát Lớn Hà Nội, có một ông chủ trẻ khác đến từ TP.HCM. Ngay khi xem xong Làng tôi, anh lập tức ngỏ lời mời Làng tôi vào định cư ở… TP.HCM. Vì khi ấy Làng tôi đã có Đỗ Ngọc Minh “dạm hỏi”, nên ông chủ trẻ kia quyết định mời bằng được ê-kíp dàn dựng Làng tôi làm một vở xiếc khác, mang đậm nét văn hóa Nam Bộ như đã nói ở trên. Và đấy chính là À Ố Show.
Thiếu những màn xiếc điêu luyện, đôi khi khiến khán giả nghẹt thở của Làng tôi (ảnh), À Ố có những màn trình diễn “làng phố” độc đáo |
Khác với Làng tôi xuất phát từ ý tưởng của các nghệ sĩ (hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Lân - Nguyễn Nhất Lý (lúc bấy giờ Nguyễn Lân là Giám đốc nội dung đào tạo Trường Nghệ thuật xiếc TP.Chambéry, Pháp còn Nguyễn Nhất Lý là Chủ tịch Hội đoàn Art-Ensemble, Pháp) cùng nghệ sĩ Tuấn Lê (tốt nghiệp Trường Xiếc Quốc gia TP.HCM, hiện sống và làm việc ở Berlin, Đức) muốn làm một vở “xiếc mới” với chất liệu Việt Nam, À Ố Show xuất phát từ một ý tưởng kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp của những người chưa từng làm nghệ thuật, muốn có một “sản phẩm văn hóa du lịch” đặc sắc Việt Nam dành cho du khách nước ngoài (có thể thấy ngay điều này từ tên gọi của vở xiếc). Cùng với ê-kíp dàn dựng, luyện tập chương trình, thì một ê-kíp sản xuất và kinh doanh cũng làm việc với cường độ cao, để ngay khi À Ố Show đang còn trên sàn tập, nhiều đơn vị lữ hành du lịch trong nước và quốc tế đã trực tiếp tới quan sát và “book” luôn các suất diễn. Và Nhà hát Quân đội (đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất) đã được ký hợp đồng diễn trọn gói năm 2013, theo kế hoạch ban đầu là 4 suất/tuần.
Ngay khi À Ố Show đang còn trên sàn tập, nhiều đơn vị lữ hành du lịch trong nước và quốc tế đã trực tiếp tới quan sát và “book” luôn các suất diễn. |
Vẫn mang phong cách “xiếc mới” của Làng tôi, khó có thể gọi À Ố Show là một show xiếc thuần túy, mà phải gọi là xiếc-sắp đặt-trình diễn, với các chất liệu “thuần Việt”, nếu ở Làng tôi là cây tre (chủ yếu) thì ở À Ố là sản phẩm của tre - thúng mủng dần sàng. Nếu ở Làng tôi, tính chất xiếc - trình diễn đậm đặc hơn, thì ở À Ố, tính chất sắp đặt-trình diễn lại có nhiều đất hơn. Mùi vị “làng quê” đậm đặc ở Làng tôi, còn chất “làng phố” lại thấm đẫm trong À Ố. Ở những suất diễn “test khán giả” đầu tiên, các màn trình diễn “làng phố” độc đáo và rất hiện đại, mang đậm chất cine này (lại diễn ra trên những “ô cửa” được thiết kế hoàn toàn từ tre, mành tre), kết hợp các nhạc cụ dân tộc chơi bản Senenade ghép với một đoạn cải lương... khiến người xem khó kìm được tiếng cười, lại xen với những ngậm ngùi về cuộc đời, thế sự.
Đúng như tên gọi, mới chỉ xem “test”, khán giả đã phải “ồ”, “à” trước nhiều “xen” bất ngờ thú vị, trong cách “ứng xử” trên sân khấu của các diễn viên với những cái thúng tròn xoe nhưng có thể biến hóa muôn hình vạn trạng. Nếu có tiếc, với những ai đã được xem “ông anh” Làng tôi, thì phần “xiếc” của À Ố Show được “dìm” bớt khiến người xem chưa đã mắt, tiết tấu của vở diễn cũng đơn giản hơn, không nhiều cao trào cảm xúc như Làng tôi. Biết sao được, lại vẫn là chuyện “cái khó bó cái khôn”. Khác với Làng tôi là sản phẩm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, À Ố chỉ là sản phẩm của… tư nhân. Bởi vậy, chỉ riêng việc ký hợp đồng dài hạn với các diễn viên đã là một việc khó, càng khó hơn nếu muốn tuyển chọn những diễn viên xiếc hàng đầu mà tất cả đều đang là solist của Đoàn xiếc TP.HCM. Cần có thêm nhiều thời gian nữa cho các diễn viên “tứ xứ” của À Ố có được sự nhuần nhuyễn và sự kết hợp điêu luyện trên sân khấu. Làng tôi đã có tới 3 năm du diễn thường xuyên trên các sàn diễn chuyên nghiệp của châu Âu kia mà!
Và dù “sinh sau”, À Ố cũng đã nhận được lời mời du diễn tại châu Âu trong mùa diễn 2014. Hơn thế, nó còn có lịch diễn thường xuyên trước cả “ông anh”, từ mùng 6 Tết này, bất chấp bao nhiêu cái khó còn bộn bề phía trước, ví như một chuyện đơn giản: suất diễn thích hợp nhất dành cho khách du lịch là 6 giờ chiều (trước giờ ăn tối), nhưng đó lại là “giờ cao điểm” kẹt xe ở nút thắt Cộng hòa.
Bước ra khỏi Nhà hát Quân đội sau buổi diễn thử À Ố, mừng vì giấc mơ có một sân khấu nghệ thuật dành cho du khách quốc tế đến Việt Nam sắp thành hiện thực. Lại thoáng ngậm ngùi: một giấc mơ đẹp thế, sao cứ mãi vất vả thế?
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần