Dịch Covid-19 ngày 3/3: TP.HCM phấn đấu vượt qua đỉnh dịch trong 2 tuần tới
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
TP.HCM phấn đấu vượt qua đỉnh dịch trong 2 tuần tới
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chiều nay (3/3), TP.HCM đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong 2 tuần tới, TP.HCM sẽ vượt qua đỉnh dịch.
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế Thành phố cùng các Sở, ngành vẫn đang theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
Để làm được việc này, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, các địa phương cần phải thực hiện nghiêm việc đánh giá cấp độ dịch và khắc phục các điểm yếu của mình; đồng thời tuân thủ hướng dẫn tại Quyết định 218 về việc đóng/mở các hoạt động tại địa phương để các "vùng cam", "vùng vàng" sớm trở lại "vùng xanh".
Về các biện pháp lâu dài, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay, Thành phố sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm mới về bảo vệ người có nguy cơ, thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 31/3/2022 với tinh thần "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để phát hiện kịp thời người thuộc nhóm nguy cơ cao và đưa vào danh sách bảo vệ. Đồng thời, triển khai các biện pháp hạn chế lây lan từ trẻ em mắc COVID-19 sang người thuộc nhóm nguy cơ…
Liên quan đến việc quản lý hoạt động bán thuốc điều trị COVID-19, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay, Bộ Y tế vừa có công văn về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Tại Công văn này, Bộ Y tế có hướng dẫn cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 đúng quy định.
Cùng với đó, tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn; tăng cường hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc; cơ quan quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ,…; thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý.
Sáng mai (4/3), Sở Y tế Thành phố sẽ triển khai buổi tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn theo tinh thần của Công văn này.
Thông tin về các thủ tục để hưởng chế độ bảo hiểm đối với F0, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 được xếp vào danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A – người bệnh được chăm sóc và điều trị miễn phí. Vì vậy, các F0 điều trị tại bệnh viện hay tại nhà đều được điều trị, cấp phát thuốc miễn phí.
Sau khi hết thời gian cách ly (do Y tế địa phương đánh giá), UBND phường sẽ cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly. Đây là cơ sở để các F0 thực hiện các thủ tục liên quan để hưởng chính sách theo quy định.
Hà Nội: Lo ngại tình trạng tái nhiễm ở bệnh nhân mắc COVID-19
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 2/3 đến 18 giờ ngày 3/3, Hà Nội ghi nhận 18.661 ca F0, trong đó có 6.418 ca tại cộng đồng; 12.243 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 525 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên có 987 ca; Sóc Sơn có 958 ca; Hoài Đức có 936 ca; Hoàng Mai có 922 ca; Đông Anh có 918 ca; Nam Từ Liêm có 904 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 322.222 ca.
Số ca F0 đang tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội, trong đó có không ít ca tái nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo những người từng mắc COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm với biến chủng Omicron và nguy cơ này đang gia tăng trên toàn cầu và thực tế này cũng đang diễn ra tại Hà Nội.
Chị Bùi Nhạn (quận Hai Bà Trưng) từng điều trị COVID-19 tại khu Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) sau khi khỏi bệnh khoảng hơn 1 tháng lại tái nhiễm. “Mấy hôm trước tôi test nhanh toàn âm tính, nhưng nay test lại thì kết quả 2 vạch. Đợt này cơ quan tôi có mấy người cũng tái nhiễm”, chị Bùi Nhạn thông báo.
Trường hợp cháu bé N.Đ.C. (2 tuổi), ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cũng tái dương tính với SARS-CoV-2 chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi khỏi COVID-19. Bố cháu bé cho biết, sau khi khỏi bệnh chưa được 1 tháng, bé C. có triệu chứng nôn, họng khó chịu, test PCR dương tính với SARS-CoV-2. Lần này các triệu chứng của bé nhẹ hơn lần trước, bé chỉ bị sốt 1 ngày và khoảng 5 ngày đã có kết quả âm tính.
Hiện nay, số bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà của thành phố Hà Nội chiếm trên 90%, giảm tải đáng kể cho các khu điều trị COVID-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình khi các F0 điều trị tại nhà rất cao.
Anh P.L. ở Khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) bị lây nhiễm COVID-19 trong một lần đi công tác và anh điều trị tại nhà. Mặc dù nhà anh bố trí các phòng ngủ riêng biệt nhưng chỉ sau vài ngày cả vợ, con anh xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Còn chị H.T. ở Bằng B, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, mặc dù nhà chị có mấy tầng nhưng để phòng ngừa lây nhiễm cũng rất khó. Từ đầu gia đình chị chỉ có cháu ngoại hơn 1 tuổi mắc COVID-19 (lây từ mẹ) được bà đưa về chăm bây giờ cả nhà chị 4 người đều mắc COVID-19.
“Ở khu Bằng B, rác thải của F0 không được khử cồn thu gom riêng mà để tập kết để lẫn lộn với rác thải sinh hoạt là nguy cơ dịch bệnh phát tán, lây nhiễm ra cộng đồng”, chị H.T. bày tỏ lo ngại.
Trong khi tại các khu điều trị, nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm làm hao hụt nhân lực y tế, việc cách ly, điều trị cho F0 tại nhà không đảm bảo quy định dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình cũng trở thành mối lo trong cộng đồng dân cư.
Đối với các trường hợp tái nhiễm, bác sỹ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bệnh nhân tái nhiễm bệnh sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.
Theo bác sỹ Phạm Văn Phúc, sau khi khỏi COVID-19, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền...
Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm, lần đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, nhưng lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để hạn chế tái nhiễm, người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh.
Đà Nẵng có thể lên đỉnh dịch COVID-19 trong tháng 3
Ngày 3/3, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phát biểu kết luận, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhận định, có thể trong tháng 3, Đà Nẵng có thể lên đỉnh dịch COVID-19. Do đó, Sở Y tế chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phân tích, đánh giá và dự kiến đỉnh dịch trên địa bàn thành phố để tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố triển khai các biện pháp phù hợp.
Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường kiểm tra việc cung ứng, lưu thông và kinh doanh hàng hóa, vật tư sinh phẩm, thuốc men phục vụ công tác điều trị tại các cửa hàng thuốc trên địa bàn; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá hàng hóa.
Bà Ngô Thị Kim Yến đề nghị Sở Du lịch rà soát lại hết văn bản hướng dẫn liên quan triển khai du lịch nội địa; chuẩn bị các kịch bản để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra. Như việc, yêu cầu các khách sạn đón khách phải có dự trù phòng để cách ly ca mắc COVID-19, có phương án chuẩn bị chu đáo, không được để cho khách du lịch phải phàn nàn, gây mất hình ảnh Đà Nẵng.
Về công tác điều trị bằng thuốc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế phải rà soát các gói thuốc kháng virus; tổ chức thực hiện rõ ràng, cung cấp thuốc cho người dân theo đúng phác đồ, đúng luật, tránh để xảy ra vụ việc không minh bạch. Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho hay, hiện số ca mắc COVID-19 điều trị tại nhà tăng cao, vì vậy đề nghị Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố chỉ đạo các quận, huyện tăng cường nhân lực cho trạm y tế, nhất là trạm y tế lưu động.
Về tình hình đi học lại, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết, từ 1/3 đến nay, tỷ lệ phụ huynh đưa con đến trường mầm non tăng so với những ngày đầu. Riêng các khối còn lại có giảm do nhiều học sinh và giáo viên mắc COVID-19. Trước thực tế này, nhiều trường cũng đã linh hoạt trong việc tổ chức dạy song song giữa trực tiếp và gián tiếp.
Theo bà Thuận, công tác phòng chống dịch tại các trường cũng đang được triển khai tổ chức đầy đủ, nghiêm túc. Sở cũng đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo theo sát diễn biến tại các trường để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo các quận, huyện kịp thời áp dụng phương án dạy học phù hợp.
Theo báo cáo, tính từ 13 giờ ngày 2/3 đến 13 giờ ngày 3/3, Đà Nẵng ghi nhận 1.465 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.254 ca chưa cách ly. Toàn thành phố có 19 cơ sở y tế điều trị F0, hiện đang điều trị 2.040 bệnh nhân (có 277 ca nặng) và 54.279 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Số ca F0 ở Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tăng cao
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính từ 18g ngày 2/3 đến 18g ngày 3/3, toàn tỉnh ghi nhận 1.321 ca mắc mới, cao nhất từ khi tỉnh bùng phát dịch (ngày 28/6/2021) đến nay.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, số ca nhiễm SARS-CoV-2 những ngày gần đây tiếp tục có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, tập trung chủ yếu là nhóm học sinh, khi các em quay lại trường học, từ ngày 8/2 đến nay. Ghi nhận trong ngày 3/3, toàn tỉnh có 300 học sinh, 20 giáo viên dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số học sinh mắc COVID-19 lên hơn 2.300 trường hợp.
Như vậy, từ khi bùng phát dịch đến nay toàn tỉnh ghi nhận 86.100 ca.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhận định dịch vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất cao, nên các địa phương và người dân không được lơ là, chủ quan.
Tính đến chiều 3/3, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện còn 29 vùng xanh; 53 vùng vàng; 1 vùng cam và hiện không còn vùng đỏ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo: Dù trên địa bàn đã tiêm phủ vaccine nhưng nếu người dân không bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, cụ thể là không chấp hành quy định 5K, vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm. Những người đã tiêm nhưng bị mắc COVID-19 vẫn có thể để lại những biến chứng cho cơ thể về lâu dài.
Đặc biệt, những người không tiêm vaccine COVID-19 thời gian qua bị nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong chiếm đến 61%. Vì vậy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kêu gọi, người dân nâng cao tinh thần với thông điệp "Tiêm vaccine - Vững niềm tin".
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh cũng đề nghị, mỗi người, hãy cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm, đồng lòng, chung sức, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, hạn chế đi lại, tiếp xúc không an toàn; luôn ý thức chấp hành quy định 5K, trong đó chú ý việc đeo khẩu trang đúng cách và khử khuẩn thường xuyên.
Hà Nội lập kỷ lục mới 18.661 ca mắc trong 24 giờ
Sở Y tế Hà Nội tối 3/3 thông tin 24 giờ qua phát hiện thêm 18.661 ca bệnh, cao hơn kỷ lục hôm qua hơn 3.500 ca, trong đó có 6.418 ca cộng đồng.
Bệnh nhân phân bố tại 525 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (987), Sóc Sơn (958), Hoài Đức (936), Hoàng Mai (922), Đông Anh (918), Nam Từ Liêm (904).
Cũng theo Sở Y tế tới hết ngày 2/3, số ca dương tính SARS-CoV-2 đang điều trị, theo dõi ở Hà Nội là 641.242 ca, trong đó có 634.109 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm gần 99%); 1.163 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và của quận, huyện, thị xã.
Có gần 6.000 người điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 của thành phố và 360 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi tại Hà Nội là 517.398 người.
Ngày 2/3, Hà Nội ghi nhận 20 người mắc COVID-19 tử vong. Như vậy, tổng số người tử vong tính từ 27/4/2021 cho đến nay là 1.122 người.
Cả nước thêm 118.790 ca mới, tỉnh Hải Dương và Thái Bình bổ sung 57.360 F0
Bản tin dịch COVID-19 ngày 3/3 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới COVID-19 tăng lên 118.790 ca, cao hơn ngày qua 8.500 ca; Hà Nội vọt lên hơn 18.600 F0; Sở Y tế Hải Dương đăng ký bổ sung 29.360 ca và Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 28.000 ca.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 02/3 đến 16h ngày 03/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 118.790 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 118.780 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.500 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 77.226 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (18.661), Nghệ An (6.152), Bắc Ninh (5.648), Quảng Ninh (3.956), Nam Định (3.801), Sơn La (3.751), Hưng Yên (3.497), Lạng Sơn (3.250), Phú Thọ (3.168), TP. Hồ Chí Minh (3.126), Vĩnh Phúc (2.835), Thái Nguyên (2.793), Bắc Giang (2.673), Hòa Bình (2.610), Hải Phòng (2.581), Đắk Lắk (2.480), Lào Cai (2.414), Ninh Bình (2.364), Hải Dương (2.360), Yên Bái (2.358), Quảng Bình (2.335), Bình Dương (2.282), Tuyên Quang (2.269), Hà Giang (2.178), Thái Bình (2.131), Khánh Hòa (1.977), Bình Phước (1.948), Điện Biên (1.843), Cao Bằng (1.838), Cà Mau (1.708), Hà Nam (1.645), Đà Nẵng (1.465), Bình Định (1.450), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.321), Thanh Hóa (1.056), Gia Lai (1.002), Quảng Trị (995), Lâm Đồng (983), Đắk Nông (836), Phú Yên (835), Hà Tĩnh (828), Bến Tre (817), Tây Ninh (691), Bắc Kạn (537), Bình Thuận (486), Quảng Ngãi (453), Thừa Thiên Huế (351), Quảng Nam (346), Vĩnh Long (293), Bạc Liêu (260), Đồng Nai (237), Kon Tum (193), Long An (165), Cần Thơ (147), Kiên Giang (101), Trà Vinh (83), An Giang (55), Đồng Tháp (47), Ninh Thuận (36), Sóc Trăng (35), Tiền Giang (29), Hậu Giang (15).
- Ngày 03/3/2022, Sở Y tế Hải Dương đăng ký bổ sung 29.360 ca và Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 28.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lai Châu (-1.151), Bắc Kạn (-687), Đắk Nông (-555).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+3.547), Nghệ An (+1.823), Bình Dương (+1.249).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 95.127 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.885.631 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 39.335 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.878.220 ca, trong đó có 2.547.708 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (541.987), Hà Nội (319.048), Bình Dương (301.609), Đồng Nai (101.825), Tây Ninh (96.555).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 33.740 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.550.525 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.840 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.039 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 371 ca
- Thở máy không xâm lấn: 89 ca
- Thở máy xâm lấn: 332 ca
- ECMO: 9 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 02/3 đến 17h30 ngày 03/3 ghi nhận 95 ca tử vong tại: Hà Nội (20), Hải Dương (7 ca trong 02 ngày), Thanh Hóa (6 ca trong 02 ngày), Đắk Lắk (5), Đồng Nai (5), Hà Giang (5 ca trong 02 ngày), Đà Nẵng (4), Lâm Đồng (4), Bình Định (3), Kiên Giang (3), Quảng Ninh (3), Bình Thuận (2), Cần Thơ (2), Cao Bằng (2), Hà Nam (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Ninh Bình (2), Phú Thọ (2), TP. Hồ Chí Minh (2), Bình Phước (1), Đắk Nông (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Hải Phòng (1), Hòa Bình (1), Lào Cai (1), Phú Yên (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), Thái Nguyên (1), Trà Vinh (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 95 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.547 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.994.645 mẫu tương đương 79.665.130 lượt người, tăng 114.197 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 02/3 có 376.284 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 195.672.969 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.871.881 liều: Mũi 1 là 70.780.325 liều; Mũi 2 là 67.485.548 liều; Mũi 3 là 1.444.843 liều; Mũi bổ sung là 14.055.038 liều; Mũi nhắc lại là 25.106.127 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.801.088 liều: Mũi 1 là 8.635.842 liều; Mũi 2 là 8.165.246 liều.
Bộ Y tế tăng hạn dùng của vaccine phòng COVID-19 Moderna từ 7 lên 9 tháng
Theo Sức khỏe & Đời sống, chiều 3/3, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế thông tin, căn cứ vào kết luận của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý Dược đồng ý cập nhật hạn dùng của vaccine phòng COVID-19 Spikevax (tên khác của vaccine phòng COVID-19 Moderna) từ 7 tháng lên 9 tháng (kể từ ngày sản xuất) ở điều kiện bảo quản -25 độ C đến -15 độ C đối với các cơ sở sản xuất vaccine này đã được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Việc cập nhật hạn dùng này được áp dụng đối với các lô vaccine Spikevax được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 2/3/2022.
Trước đó, việc cập nhật hạn dùng vaccine phòng COVID-19 Spikevax cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vào ngày 09/02/2022, Cơ quan Quản lý Dược của Châu Âu (EMA) phê duyệt ngày 08/12/2021, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (US FDA) phê duyệt ngày 31/01/2022 và các cơ quan quản lý dược của Anh, Úc, Canada, Thụy Sỹ...
Vaccine phòng COVID-19 Spikevax do hãng dược Moderna nghiên cứu và sản xuất, được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngày 28/6/2021.
Bộ Y tế khẳng định việc cập nhật hạn dùng đối với vaccine phòng COVID-19 Spikevax không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine.
Vaccine phòng COVID-19 Moderna hay còn có tên khác là Spikevax là vaccine phòng COVID-19 thứ 5 được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở nước ta. Đến nay đã có hơn 14 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Moderna về đến Việt Nam qua nguồn viện trợ của COVAX và chính phủ các nước.
Trong công văn về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại ban hành hồi cuối tháng 1/2022, Bộ Y tế hướng dẫn đối với liều dùng vaccine do Moderna sản xuất, người tiêm liều bổ sung thì sử dụng liều là 0.5ml; Còn với người tiêm liều nhắc lại (người đã tiêm 2 mũi trước đó bằng bất cứ loại vaccine gì), liều dùng là 0,25ml (tức là 1/2 liều cơ bản).
Thanh Hóa: Tổ chức tầm soát ngẫu nhiên biến thể Omicron trong cộng đồng
Ngày 3/3, ông Lương Ngọc Trương, Giám dốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến thời điểm này tại Thanh Hóa đã ghi nhận 7 ca mắc COVID-19 được xác định là nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 người ở thị xã Nghi Sơn và 5 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Ngành Y tế Thanh Hóa đang tiến hành lấy ngẫu nhiên các mẫu bệnh phẩm của người mắc COVID-19 để gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm giải trình tự gen. Việc làm này sẽ giúp ngành Y tế Thanh Hóa đánh giá được khả năng, mức độ lây nhiễm của biến thể, từ đó triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể lây lan, phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron trên địa bàn.
Sẽ có 4 địa phương trong tỉnh được lựa chọn lấy mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên các trường hợp đang mắc COVID-19 và khoảng hơn 100 mẫu được gửi đi xét nghiệm giải trình tự gen.
Liên quan đến diễn biến dịch COVID-19, kể từ đợt dịch thứ 4 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 44.686 ca bệnh. Trong đó, 38.990 người đã điều trị khỏi và xuất viện, 65 người tử vong, 86 bệnh nhân đang diễn biến nặng, nguy kịch. Thanh Hóa có 5.631 người mắc COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế hoặc điều trị tại nhà/nơi lưu trú.
Tỉnh đã tiếp nhận 6,1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và đã triển khai 22 đợt tiêm chủng; đồng thời đang tiếp tục tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, nhắc lại cho người dân.
Hà Nội yêu cầu chỉ bán thuốc Molnupiravir cho F0 có đơn thuốc đúng quy định
Sáng 3/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết đơn vị này vừa có văn bản chỉ đạo về việc kê đơn, bán thuốc Molnupiravir. Theo Sở Y tế, việc này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh thuốc phải tuân thủ quy định về "Thực hành tốt bảo quản thuốc" GSP, "Thực hành tốt phân phối thuốc" GDP, "Thực hành tốt bán lẻ thuốc" GPP, thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn.
Cơ quan này cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và đẩy giá thuốc tăng cao.
Sở Y tế giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc. Đồng thời, cơ quan này đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế và các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường… kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá thuốc và kinh doanh thuốc có chứa hoạt chất Molnupiravir tại các nhà thuốc trên địa bàn quản lý.
Trước đó, ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Công văn được ban hành trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng cao. Mới đây, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho 3 thuốc kháng virus có dược chất Molnupiravir điều trị COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc.
"Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý" - Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
"Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định" - công văn nêu rõ.
Nghệ An ghi nhận 1.676 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 414 ca cộng đồng
Sáng ngày 03/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An thông tin: Trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 02/03/2022 đến 06h00 ngày 03/03/2022), Nghệ An ghi nhận 1.676 ca dương tính mới với COVID-19. Trong đó có 414 ca cộng đồng; 1.262 ca đã được cách ly từ trước (1.257 ca là F1, 05 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Số địa phương có số bệnh nhân (BN) cao nhất trong 12 giờ qua: Diễn Châu, TP Vinh, Nghĩa Đàn, Hoàng Mai, Nghi Lộc... Số ca tử vong trong 12 giờ qua là 1 BN.
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 87.948 ca mắc COVID-19. Lũy kế số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 58.328 BN. Lũy kế số BN tử vong: 114 BN. Số BN hiện đang điều trị: 29.506 BN.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An khuyến cáo: Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh, nhiều ca bệnh không có triệu chứng. Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, mọi người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo "5K" và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ.
Trẻ mắc COVID-19 nhập viện đang gia tăng
Theo Sổ tay Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà do Bệnh viện Nhi trung ương và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp phát hành, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần).
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, có 4% có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng hậu COVID-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em.
Trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền như sau có nguy cơ diễn tiến nặng cao: Trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.
BS. Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những ngày gần đây, số lượng trẻ mắc COVID-19 nhập viện, tăng đột biến. Nếu như trước đây chỉ lẻ tẻ vài ca là trẻ em phải nhập viện, thì đợt này, số lượng bệnh nhi tăng nhanh từng ngày; có những ngày cao điểm có tới hơn 20 bệnh nhi được chuyển vào Khoa để điều trị. Các bệnh nhi đến đây hầu như thuộc phân tầng 2, đã cần sự can thiệp của y tế. Đa phần trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện có triệu chứng như: Sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp…
Cũng theo BS Nguyễn Thành Lê, tỷ lệ diễn biến nặng ở trẻ mắc COVID-19 thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên, khi số lượng ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, số trẻ em diễn biến nặng cũng sẽ tăng lên. Trẻ nhỏ khi mắc COVID-19 thường có diễn biến nhẹ; tuy nhiên, một số trẻ có bệnh nền như: Bệnh về thận, huyết học, cơ địa béo phì… có thể diễn biến nặng hơn, nhưng thường các trường hợp điều trị cũng khỏi nhanh hơn so với người lớn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, đa số các trường hợp trẻ mắc COVID-19 trong những ngày đầu thường có biểu hiện sốt; cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi, không nhất thiết phải đưa con đến cơ sở y tế ngay mà cần làm theo các cách hướng dẫn của Bộ Y tế.
Số ca mắc tăng cao, các địa phương chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19
Bản tin dịch COVID-19 tối 2/3 của Bộ Y tế cho biết, lần đầu tiên nước ta ghi nhận số ca mắc mới lên tới 110.301 ca, trong đó 21 ca nhập cảnh và 110.280 ca ghi nhận trong nước (tăng 11.537 ca so với ngày trước đó ca) tại 63 tỉnh, thành phố (có 74.166 ca trong cộng đồng.
Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc với 15.114 ca, Bắc Ninh 4.698 ca, Nghệ An 4.329 ca, Quảng Ninh 3.992 ca, Sơn La 3.672 ca...
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có số ca mắc lên tới 2.746 ca trong ngày 2/3.
Ngày 2/3/2022, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 20.866 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 12.691 ca và Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 7.994 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 88.033 ca/ngày.
Trong ngày, 36.902 ca được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên 2.516.785 ca.
114 bệnh nhân tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.452 ca, chiếm 1,1% so với tổng số ca mắc.
Cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có ý kiến về phản ánh của báo chí liên quan đến thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19; căn cứ tình hình thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước để khẩn trương quyết định việc cấp phép nhập khẩu và sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị COVID-19.
Trước đó, báo chí phản ánh thực tế từ thời điểm thuốc Molnupiravir chính thức lên kệ ở các cửa hàng dược phẩm, người mua được không nhiều. Lý do là người dân không đáp ứng đủ quy định như phải có giấy xác nhận F0, có đơn thuốc do bác sĩ ký tên. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ cho rằng, bán thuốc kháng virus theo đơn bác sĩ kê là đúng. Nhưng với COVID-19, quy định này trở nên quá khó khăn, nhiêu khê. Bác sĩ nào được quyền kê đơn này, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, còn nếu chờ giấy xác nhận F0 của địa phương thì đã muộn vì thuốc chỉ dùng trong những ngày đầu mắc COVID-19. Do vậy, nên cắt giảm thủ tục nếu không người bệnh vẫn rất khó khăn khi tiếp cận thuốc.
Chấn chỉnh việc buôn bán vật tư, thiết bị y tế chống dịch
Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng mạnh tại Thủ đô, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại xét nghiệm nhanh, thuốc điều trị; trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán tràn lan trên mạng. Thực hiện chiến dịch kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vận chuyển kinh doanh các loại vật tư y tế, thuốc chữa COVID-19 trên thị trường với nhiều loại khác nhau.
Trước đó, ngày 7/1, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn số 122/SYT-QLHNYDTN gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân.
Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo phòng y tế trên địa bàn đôn đốc các cơ sở bán lẻ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dược. Cụ thể là giữ ổn định giá, bảo đảm số lượng thuốc, trang thiết bị, hóa chất sát khuẩn, khẩu trang, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện bán thuốc kê đơn theo đúng quy định; đồng thời, cập nhật đầy đủ số lượng, chủng loại thuốc vào phần mềm cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Không kinh doanh thuốc, trang thiết bị, hóa chất sát khuẩn, khẩu trang, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả, thuốc đình chỉ lưu hành, thuốc không bảo đảm chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng.
Sở Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó, tập trung kiểm tra việc bán thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir...); xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.
Ngày 2/3, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Kiêm Hảo cho biết, những ngày qua, đơn vị đã phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tình hình kinh doanh các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế trên địa bàn nhằm bình ổn giá, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn. Qua đó, đã phát hiện và xử phạt chủ một số quầy thuốc có bán sản phẩm thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định: Trên địa bàn, các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế như bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2, khẩu trang... không bị khan hiếm như nhiều người lo ngại đồng thời giá cả bình ổn. Các cơ sở kinh doanh, nhà thuốc, quầy thuốc không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán.
Tính đến giữa tháng 1/2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 200 cơ sở kinh doanh đăng ký bán thuốc điều trị COVID-19 tại nhà. Ghi nhận tại các quầy thuốc, nhà thuốc trên đường Ngô Quyền (thành phố Huế), lượt người đến mua tăng cao từ sau những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần và khi học sinh địa phương đi học trở lại. Các mặt hàng được mua nhiều nhất là sinh phẩm xét nghiệm, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2, dung dịch nước muối sinh lý, thuốc hạ sốt, thuốc ho, vitamin C…
Bảo đảm các ca mắc COVID-19 đều được tiếp cận dịch vụ y tế
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng cao, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh nhằm giảm lây lan.
Tại Quảng Trị, ngành Y tế tập trung tư vấn hướng dẫn những trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại nhà; phân tầng điều trị để tránh xảy ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế; bảo đảm thuốc và vật tư y tế phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi; bảo đảm các ca mắc COVID-19 đều được tiếp cận với dịch vụ y tế khi cần; tăng cường nhân viên và vật tư y tế đáp ứng công tác phòng, chống dịch trong trường học.
Số ca mắc COVID-19 ở Quảng Trị đã tăng đột biến. Cụ thể ngày 2/3, tỉnh ghi nhận thêm 1.086 trường hợp mắc COVID-19, cao nhất từ trước đến nay và là lần đầu tiên vượt 1.000 ca/ngày; trong đó có 456 ca phát hiện qua giám sát cộng đồng, số ca còn lại chủ yếu cách ly tại nhà.
Hiện lực lượng chức năng ở các địa phương vẫn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" rà soát, thống kê các đối tượng chưa tiêm chủng, nhất là những người ở nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền để vận động tham gia tiêm chủng đầy đủ; trừ những trường hợp chống chỉ định tiêm. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm chủng lưu động đối với những trường hợp không có khả năng di chuyển tới địa điểm tiêm.
Tại tỉnh Bắc Ninh, ngành Y tế và các đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tập trung các giải pháp, nỗ lực cao trong việc phòng, chống dịch. Trong đó, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị, địa phương bổ sung, sắp xếp nhân sự hỗ trợ trạm y tế, tránh quá tải cho lực lượng y tế cơ sở khi số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng cao; tiếp tục rà soát các đối tượng chưa tiêm để tổ chức tiêm, tiêm vét, lưu ý thường xuyên rà soát nhóm đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai, đối tượng nguy cơ cao. Đồng thời, chỉ đạo các tuyến y tế cơ sơ quản lý, giám sát chặt chẽ trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại nhà.
- Hà Nội sẵn sàng phương án đáp ứng y tế cho đỉnh dịch Covid-19
- Bảo đảm cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19
- Những nghiên cứu mới nhất về nguồn gốc của đại dịch Covid-19
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 37.945 ca mắc COVID-19 đang quản lý, điều trị tại nhà. Với số lượng người mắc COVID-19 tăng nhanh trong cộng đồng và phần lớn đều có triệu chứng nhẹ, ngành Y tế đã có hướng dẫn về quản lý, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà. Theo đó, các trường hợp được điều trị tại nhà phải có khả năng tự chăm sóc mình; nhà ở phải đảm bảo các điều kiện dự phòng không lây nhiễm như có phòng cách ly riêng biệt, dùng riêng vật dụng và thực hiện khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng và đi vệ sinh.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng đồ dùng cá nhân, đồ dùng vệ sinh của người mắc, có thùng đựng chất thải riêng. Trước khi mang rác sinh hoạt của người cách ly ra ngoài, phải khử khuẩn bên ngoài túi, để nơi quy định; không được mang đồ dùng, vật dụng của người mắc COVID-19 ra khỏi nhà...
Trần Đào - Phương Thảo - Nguyễn Phương