loading...
(Thethaovanhoa.vn) - “Dịch ở Hà Nội có thể đạt đỉnh trong hai tuần tới, tạo áp lực cho y tế cơ sở” là đánh giá của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố ngày 27/2.
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 27/2 đến 18 giờ ngày 28/2, Hà Nội ghi nhận thêm 12.850 ca F0, trong đó có 4.265 ca tại cộng đồng; 8.585 ca đã cách ly.
Dẫn nhận định trên của chuyên gia, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh hai tuần tới là thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp đưa ra giải pháp phù hợp.
Có thể dễ dàng nhận thấy tốc độ gia tăng F0 trên địa bàn Hà Nội đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trong những ngày gần đây. Các cơ quan, trụ sở vắng vẻ; các khuôn viên nhiều khu chung cư sau 9 giờ tối đã vắng người; nhiều quầy thuốc luôn thông báo “cháy hàng” đối với các vật tư y tế thiết yếu như nước sát khuẩn tay, máy đo nồng độ ô-xy trong máu, bộ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc hạ sốt… Đặc biệt, nhiều trường hợp F0 phản ánh liên hệ, thông báo với y tế phường, xã khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 rất khó khăn khi điện thoại không có người nghe máy.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thời gian qua đã xảy ra tình trạng quá tải tại một số Trạm y tế do người dân đến xét nghiệm và xin xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly. Để giảm tải cho các Trạm Y tế cũng như xác nhận kịp thời cho các trường hợp F0, theo bà Trần Thị Nhị Hà, người dân có thể tự test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp (thực hiện online). Các xã, phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có thể in được các quyết định hết cách ly, hưởng Bảo hiểm xã hội); huy động thêm Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ để đủ nhân lực phục vụ.
Hoàng Liệt là phường đông dân nhất, nhì thành phố với dân số 90.000 người. Những ngày này, nhu cầu xét nghiệm của người dân rất lớn trong khi Trạm Y tế phường chỉ có 11 cán bộ, nhân viên. Trạm đã được tăng cường thêm một số sinh viên ngành y hỗ trợ, vẫn không tránh khỏi quá tải.
Ngoài việc xét nghiệm cho người dân tại Trạm Y tế, đối với các trường hợp khai báo tự test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, phường yêu cầu người dân mang theo que test mới và chứng minh nhân dân ra Trạm Y tế phường để cán bộ y tế làm lại xét nghiệm hoặc có thể mời đơn vị xét nghiệm PCR dịch vụ về làm tại nhà rồi in kết quả mang ra Trạm Y tế. Phường cũng mở thêm 1 điểm xét nghiệm tại Nhà văn hóa khu dân cư Linh Đàm và thông báo để người dân xét nghiệm theo khung giờ để tránh tập trung đông người. Phường cũng huy động các cán bộ tổ dân phố tăng cường hỗ trợ người dân đã có kết quả PCR trong việc chuyển toàn bộ thông tin để lực lượng y tế liên hệ gia đình và làm quyết định cách ly, tránh người dân phải tự ra phường khai báo.
Tuy nhiên, đối với kết quả test nhanh SARS-CoV-2 tại nhà, hiện nay Trạm Y tế phường không yêu cầu người dân mang theo que test mới và chứng minh nhân dân ra Trạm Y tế phường để cán bộ y tế làm lại xét nghiệm như trước nữa mà công nhận kết quả tự test nhanh tại nhà của người dân.
Là quận có số ca F0 ghi nhận trong những ngày gần đây cái nhất, nhì thành phố, quận Hoàng Mai đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân cũng như giảm tải cho y tế cơ sở.
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, cùng với việc sử dụng sinh viên ngành y mà Sở Y tế hỗ trợ, quận sẽ điều phối lực lượng y tế ở các phường trên địa bàn quận tham gia hỗ trợ các phường trọng điểm. Quận cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống dịch; chỉ đạo tăng cường hoạt động các nhóm Zalo của tổ dân phố, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, huy động sự tham gia của cán bộ dân phố, hội, đoàn thể nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các F0 điều trị tại nhà.
Trước nhu cầu xét nghiệm của người dân tăng cao trong khi lực lượng y tế cơ sở mỏng, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề nghị Bộ Y tế xem xét giao cho Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng xác định kết quả dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2, mà không nhất thiết phải nhân viên y tế.
Số ca F0 tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội trong những ngày gần đây với trên 10.000 ca mỗi ngày gây áp lực cho công tác điều trị. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đến nay đã chuẩn bị được 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường. Hiện F0 điều trị tại nhà của Hà Nội chiếm 96%, chưa đến 4% người mắc điều trị ở tầng 2 và 3.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, để tránh việc quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây. Bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định, ngành y tế Hà Nội vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân, kể cả khi số ca mắc tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố đã có phương án đáp ứng được.
Để hạn chế tối đa ca bệnh nặng và nguy kịch, ngành y tế thành phố đã lập và quản lý chặt chẽ danh sách các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư... để tập trung ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm bổ sung.
Đây cũng là nhóm cần xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh chuyển biến nặng. Bên cạnh đó quản lý tốt bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế chuyển nặng, khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng thì cần chuyển tuyến kịp thời, điều phối hợp lý giữa tầng 2, 3 là cách hiệu quả nhất để giảm tải, ngăn chặn ca tử vong.
Tuyết Mai/TTXVN
loading...