Chuyện những 'bảo vật âm thanh' từ đá
(Thethaovanhoa.vn) - Trong nền văn hóa đá của Phú Yên, có hai báu vật do bàn tay con người tạo ra, gồm bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất Việt Nam và bộ kèn đá đực - cái độc nhất vô nhị trên thế giới.
Hai bộ nhạc cụ đàn đá - kèn đá Phú Yên đều có niên đại khoảng 2.500 năm đang được lập hồ sơ xin công nhận bảo vật quốc gia và được UNESCO gợi ý làm hồ sơ xin công nhận di sản văn hóa thế giới. Hiện, các hiện vật này đều được lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên.
Nhưng, hành trình lưu lạc, ly tán và đoàn tụ của hai bộ nhạc cụ quý giá này từ khi còn nằm trong đất đến lúc vào bảo tàng là chuyện ít ai hay biết.
Kèn đá “độc nhất vô nhị”
Bộ đàn đá gồm 8 thanh đá, bộ kèn đá gồm hai kèn chia làm “đực” và “cái”, đều không được tìm thấy nguyên bộ mà phân tán nhiều nơi trên địa bàn huyện Tuy An, Phú Yên. Đàn đá được phát hiện từ năm 1990 đến năm 1992 tại xã An Nghiệp. Công lao thuộc về nông dân Huỳnh Ngọc Hồng thuộc hợp tác xã nông nghiệp xã. Còn kèn đá được phát hiện năm 1993 và 1994 “Kèn cái” do nông dân Đỗ Phán tìm thấy tại xã An Thọ, còn “kèn đực” được lưu giữ ở chùa Thiền Sơn, xã An Hiệp.
Với đàn đá, trong vòng hai năm trời, ông Huỳnh Ngọc Hồng đã đi tìm và gõ lên hàng nghìn viên đá ở đất canh tác lẫn khi đi đào đãi vàng ở sông Hinh. Ý định này xuất phát từ khi ông tình cờ tìm thấy thanh đá phát ra âm thanh nghe giống tiếng nhạc trong một buổi làm rẫy năm 1990. Trước đó, ông Hồng đã chủ động tìm kiếm nhiều vật cổ từ đá nên việc này không xa lạ với ông.
Còn với kèn đá, ban đầu được mô tả là “hai hiện vật bằng đá khi thổi phát ra âm thanh”, hình dáng giống hai con cóc, một lớn (cái) một bé (đực). Kèn đá cho đến nay vẫn là độc nhất vô nhị, bởi trên thế giới chưa phát hiện ra bộ nhạc cụ thứ hai nào bằng đá mà phát ra tiếng nhạc bằng cách thổi hơi.
Kèn đực và kèn cái từng được lưu giữ tại một ngôi chùa, về sau bị chia lìa sau một vụ cháy, do kèn cái quá lớn nên không thể vận chuyển. 30 năm sau, tức vào năm 1994, hai chiếc kèn mới đoàn tụ tại bảo tàng do nỗ lực tìm kiếm của người dân và chỉnh quyền Phú Yên. Sự gắn kết giữa 2 chiếc kèn cùng bộ được nhìn nhận từ góc độ linh thiêng một phần bởi âm thanh phát ra từ kèn đá đầy thanh thoát, có chất tâm linh.
Di sản tinh thần không thể phủ nhận
Đây là 2 nhạc cụ cổ và thô sơ, đã không còn bóng dáng trong đời sống âm nhạc. Từng có nhiều báo viết đàn đá, kèn đá có thể sống với âm nhạc đương đại vì khả năng kết hợp, hòa âm với các nhạc cụ hiện đại nhưng thông qua nghiên cứu về âm thanh học, GS Trần Quang Hải (con trai GS Trần Văn Khê), chuyên gia uy tín về âm nhạc dân tộc, bác bỏ nhận định này.
Nhưng, dù không thể hòa chung với âm nhạc đương đại, hai bộ nhạc cụ vẫn còn giá trị di sản tinh thần không thể phủ nhận. Tám thanh đàn đá cho người xưa lựa chọn, chế tác từ hàng vạn thanh đá biết “kêu” hình thành nên một bộ nhạc cụ phục vụ đời sống. Bên trong lõi kèn đá được ghè đẽo theo lối tinh xảo đến nỗi hiện nay vẫn còn là một bí ẩn đối với giới nghiên cứu, thể hiện kỹ thuật chế tác đá trình độ cao.
“Đàn đá Tuy An và kèn đá là hai nhạc cụ cổ được xem là báu vật của kho tàng văn hóa Phú Yên. Đàn đá và kèn đá Phú Yên xứng đáng được tôn vinh và được xem là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” – ý kiến của GS Trần Quang Hải.
Đường đến 'di sản văn hóa thế giới' |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa