Câu chuyện di sản - du lịch (Bài 3): Hội An và bài toán bảo tồn di tích
Thể thao & Văn hoá thực hiện chuyên đề này với hy vọng vẽ nên cái nhìn toàn cảnh hơn về bức tranh văn hóa, di sản, du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Năm 2014, đô thị cổ Hội An kỷ niệm 15 năm được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhưng cũng bằng ấy năm và hơn thế nữa, cứ đến mùa lụt, Hội An lại ngập trong nước. Các di tích nhà cổ hàng trăm tuổi vẫn hàng ngày hàng giờ đứng trước thách thức bền vững của thời gian. Và bài toán trùng tu, tôn tạo các di tích Hội An vẫn chưa tìm được lời giải thích đáng?
Dân không có kinh phí để sửa nhà
Hiện ở phố cổ, có 1.107 di tích nhà ở, trong đó đã có 12 di tích xuống cấp trầm trọng. Nằm ngay trên trục đường Trần Phú có tới 5 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Như căn nhà số 67 Trần Phú của bà Dương Thị Hùy, gỗ bị mối ăn, chính bị gãy, cột siêu vẹo khiến toàn bộ dãy chính xà xuống. Năm 2012, cán bộ Trung tâm quản lý bảo tồn di sản đã giúp nhà bà chống tạm bằng cột gỗ để chống chọi với mùa lũ. Bà cho biết: “Từ đó đến nay, vẫn phải dùng cột chống tạm như thế. Năm nay, tôi định tu sửa lại nhưng cũng đang lo vì chắc chắn tốn cả trăm triệu. Nghe nói được nhà nước hỗ trợ 15-20% gì đấy nên cũng đỡ hơn”.
Cũng trên đường Trần Phú, nhà ông Nguyễn Ngại số 150 bị vỡ ngói nhiều chỗ, gỗ và cột kèo nhà sau bị cũ, tường nứt và thấm nước. Ông nói: “Gần chục năm trước, tôi đã bỏ toàn bộ tiền để sửa nhà trước, giờ là nơi buôn bán vải vóc, quần áo. Hồi ấy ngốn cả mấy chục triệu rồi nên giờ không có tiền sửa lại nhà sau nữa. Mùa mưa nước chảy vào nhà rất nhiều nhưng đành chịu. Nhà mình thì tất nhiên mình muốn sửa nhưng thật tình không có kinh phí. Nếu nhà nước giúp 100% thì mới sửa”
Đồng ý kiến với ông Ngại, anh Hồ Phước Thiện chủ phòng tranh tại ngôi nhà số 168 Trần Phú chia sẻ: “Buôn bán ở Hội An được có 6 tháng/năm, khi khách nước ngoài sang, còn bình thường vài tuần mới bán được một bức tranh. Cán bộ Trung tâm bảo tồn di sản đến thuyết phục mình nhiều rồi nhưng mình không có khả năng sửa, dù nhà nước có hỗ trợ 45% đi nữa. Nhà phía trước bị mối ăn hoàn toàn cột và đòn tay rồi nhưng cố được ngày nào hay ngày ấy”
Ông Nguyễn Chí Trung- Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An giải thích: “Việc tôn tạo các di tích được nhà nước đặc biệt chú trọng nhưng vì thuộc sở hữu của tư nhân tập thể nên cần sự tham gia của chủ nhà. Cái khó của việc trùng tu các di tích nhà ở tại phố cổ chưa hẳn là vấn đề tiền mà là quyền sở hữu. Rất nhiều nhà ở trong phố cổ là đồng sở hữu, do cha mẹ để lại cho các con. Vì thế, người đang ở nhà đó không hẳn là chủ sở hữu, không phải nhà của mình nên họ không muốn bỏ tiền ra tu sửa. Còn huy động các anh em khác thì người ta lại bảo, có ở đâu mà phải gửi tiền về tu sửa hay ai ở thì người đó phải tự sửa chữa.”
Còn di tích, còn tiếp tục tu bổ
Bên cạnh những di tích nhà ở chưa có điều kiện trùng tu thì ở Hội An hàng năm có tới 200 lượt giấy phép của người dân xin sửa chữa nhà ở. Tuy nhiên, việc sửa chữa nhà ở do người dân tự làm, đôi khi cũng là chuyện dở khóc dở cười đối với cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An. Việc tranh cãi giữa khái niệm “nguyên trạng” và “hiện trạng” hầu như diễn ra liên tục.
Hội An giờ không hoàn toàn là người Hội An gốc. Chính vấn đề biến động dân cư này gây khó khăn trong công tác bảo tồn di sản. Vì không phải chủ ngôi nhà, không phải người đã sinh ra và lớn lên tại Hội An thì không thể hiểu thành phố này xưa kia như thế nào, không thể biết ngôi nhà mà họ mua có nguyên trạng ra sao.
Người dân lúc nào cũng cho mình là đúng: “Hồi xưa nhà dùng vôi vàng, giờ cũng dùng vôi vàng. Hồi xưa dùng gạch để xây, giờ cũng dùng gạch. Vậy có gì mà sai”. Thế là cán bộ di tích phải giải thích là ông cần dùng loại vôi truyền thống, gạch hồi xưa không phải là gạch 6 lỗ như bây giờ,…Có những khi, cán bộ phải đi đo đạc từng xentimet cái cửa hay tấm gỗ.
Điều đó yêu cầu các cán bộ di tích phải thật mềm dẻo khi giải thích cho người dân. Tất nhiên, mềm dẻo phải dựa trên nguyên tắc. Hiện, trung tâm đã triển khai hệ thống cộng tác viên bảo vệ di sản, là những tổ trưởng hay khối trưởng trong phố. Những cộng tác viên này là người gần gũi với người dân nhất. Khi người dân có thắc mắc gì thì họ giải thích dân ngay. Các cộng tác viên này nói, hiệu quả sẽ cao hơn cán bộ chuyên môn. Họ là cánh tay nối dài của trung tâm. Họ là người đầu tiên nắm được các thông tin di tích, tâm tư, nguyện vọng của người dân, công tác điều tra, khảo sát nhà ở xuống cấp. Vì thế, người dân hiểu và thông cảm cho công việc của các cán bộ di tích hơn, chấp hành quy tắc trong phố cổ tốt hơn rất nhiều.
Ông Trung cho biết: “Di tích xuống cấp đã tu bổ nhiều. Việc tu bổ được tiến hành thường xuyên, lâu dài. Còn di tích, còn tiếp tục tu bổ. Việc bảo vệ di sản sống Hội An không phải là chuyện một sớm, một chiều. Người dân góp phần rất lớn trong việc cứu nguy và bảo tồn di sản. Chúng tôi rất mong người dân cùng chung tay bảo vệ di sản. Vì việc bảo vệ di sản cũng chính là duy trì nguồn sống cho họ.”
Chuẩn bị cho mùa mưa lũ sắp tới, ngay trong tuần này, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An sẽ tiến hành khảo sát và có phương án phòng chống lụt lội đối với từng di tích nhà ở. Hi vọng, cùng với nhà nước, tình yêu Hội An của người dân và du khách, bài toán bảo tồn di tích sẽ sớm tìm ra lời giải.
Hồng Thúy