Biến tấu cùng EURO: Tấu điệu “Canto Ostinato” ru ngủ “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”
Tại trận cầu ở Leipzig, tôi đã đề cập đến Hiệp ước Karlowitz, với hy vọng Áo sẽ vượt qua được Thổ Nhĩ Kỳ (TNK), theo cái cách mà tổ tiên họ đã ứng phó và chiến thắng Đế quốc Ottoman. Nhưng tuyển Áo đã chọn lối đá nhanh, tấn công ào ạt và để TNK theo đúng cách họ làm với Czech loại Áo khỏi đấu trường EURO. Giờ, tôi lại kể tiếp câu chuyện liên quan đến Hiệp ước Karlowitz đó, cho trận đấu kế tiếp giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
1. Khởi nguồn vào năm 1699 khi hai đế chế Áo và Ottoman đàm phán Hiệp ước Karlowitz, để ăn mừng việc ký kết thành công hiệp ước, đoàn ngoại giao Thổ đã mang theo một ban nhạc vệ binh Vua Thổ (Turkish Janissary band) cùng nhiều nghệ sĩ biểu diễn tới Vienna để trình diễn.
Âm nhạc phương Tây cổ điển đã "phải lòng" phong cách quân nhạc của đế chế Ottoman, với âm thanh đặc trưng là sự kết hợp giữa các trống trầm, chuông, kẻng ba góc, cymbal, piccolo, chũm chọe và nhiều loại nhạc cụ khác.
Những mô phỏng đầu tiên của phong cách âm nhạc Thổ Nhĩ Kỳ được các ban quân nhạc châu Âu sử dụng vào đầu thế kỷ 18. Dần dà sự hấp dẫn của phong cách âm nhạc sử dụng nhiều nhạc cụ bộ đồng và bộ gõ này đã lan tỏa đến các nhà soạn nhạc. Phong cách hành khúc TNK được phổ biến nhất vào thế kỷ 19, khi đó, những người thợ làm dương cầm đã chế tạo ra những chiếc đàn đặc biệt có "cần bấm Thổ" (cần bấm Janissary). Với cần bấm này, khi nghệ sĩ nhấn, một tiếng chuông sẽ rung lên hoặc một búa có đệm lót sẽ đập vào bảng cộng hưởng để mô phỏng tiếng trống trầm.
Một bản nhạc kinh điển của phong cách này là "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" do Mozart sáng tác năm 1778. Theo đó, chỉ riêng mùa Hạ năm này, Mozart đã viết tới 5 sonata cho đàn piano (số 8, 10, 11, 12 và 13). Trong đó, chương ba-chương ngắn nhất của bản sonata có tên Alla Turca thể luân khúc (rondo) hoàn toàn theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ. Alla Turca, còn được gọi là Turkish Rondo hay Turkish March, thường được tách khỏi bản sonata biểu diễn độc lập, trở thành một trong số những khúc nhạc nổi tiếng nhất của Mozart mà chúng ta rất đỗi quen thuộc: Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ - không ít người lầm tưởng nó là một tác phẩm gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
2. Trong giai đoạn thế kỷ 14-16 (1384 -1581), giống như Áo, Hà Lan nằm trong Đế quốc La Mã Thần thánh dưới thời của Gia tộc Valois-Bourgogne và Gia tộc Habsburg. Tuy nhiên, với phòng tuyến Vienna chốt ở vòng ngoài, Hà Lan nằm ngoài tầm tay với của Đế chế Ottoman.
Không rõ có phải vì lý do này mà âm nhạc cổ điển của Hà Lan không bị cái gọi là phong cách Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng. Hầu hết các sáng tác âm nhạc cổ điển Hà Lan giữ theo truyền thống của âm nhạc dân gian, gọi là "Levenslied" - nghĩa là tiếng hát của đời sống. Phong cách âm nhạc này có đặc trưng là giai điệu, nhịp điệu, cấu trúc đơn giản, nhiều các cặp câu và đoạn điệp khúc sử dụng các nhạc cụ truyền thống như phong cầm và đàn thùng. Có thể thấy rõ phong cách này ở tác phẩm nổi tiếng nhất là "Canto Ostinato" của Simeon ten Holt. "Canto Ostinato" là tác phẩm sáng tác giản lược cho các nhạc cụ đa chức năng, theo ngôn ngữ âm nhạc tối giản, sử dụng nhiều hợp âm trầm giống nhau trong suốt tác phẩm. Để có thể cảm nhận được các cung bậc cảm xúc, "Canto Ostinato" đòi hỏi người nghe cần có tính thiền định. Tính thiền định - chính là yếu tố mà các cầu thủ Hà Lan cần sử dụng nếu như họ muốn đến Berlin để gặp Tuyển Đức của tôi.
Cần hiểu rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều cá nhân xuất sắc, nhưng điểm tựa từ những chiến thắng trước đó là một sức mạnh rất lớn trợ lực cho họ khiến họ tự tin trong cuộc đấu này. Nhìn lại các trận đấu đã qua của Thổ Nhĩ Kỳ, nổi rõ là sự kỷ luật trong việc tuân thủ chiến thuật, ngay cả trong những pha ngẫu hứng. Bất luận đối phương thi đấu thế nào, họ vẫn điềm tĩnh giữ nguyên lối đá của mình. Thêm nữa, với số lượng gần 5 triệu người Thổ sinh sống ở Đức, giải EURO này cũng xem như thi đấu trên sân nhà của họ vậy.
Đoàn quân áo da cam thì khác. Dù từ khi ông Koeman cầm quân, họ đã trở nên trầm hơn, thực dụng hơn nhiều so với phong cách đã làm nên biệt danh: Cơn lốc màu da cam! Cơn lốc không còn chỉ ào ào phần nổi, sự thực dụng của họ tạo ra những cơn lốc xoáy ngầm bất chợt cuộn lên và cuốn đi tất cả. Với sự hoán đổi liên tục vị trí của Memphis Depay, Cody Gakpo và Xavi Simons, cộng với siêu dự bị Donyell Malen, Hà Lan đang cho thấy mình vô cùng lợi hại và sắc bén trong phần công. Nếu như họ bớt thất thường trong phòng thủ thì hạ gục Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Vì vậy, tôi có lý do để tin rằng, Hà Lan sẽ không đi vào vết xe đổ của Czech và Áo! Hãy nhớ, Berlin và Tuyển Đức đang đợi./.
Nhà thơ, nhà báo: Đoàn Ngọc Thu