Bao giờ tiếng Việt được 'chuẩn hóa'?
(Thethaovanhoa.vn) - Những tranh cãi liên miên về tiếng Việt. Những phản ứng gay gắt về ý tưởng cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiền hay cách đánh vần “vuông tròn”của theo công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Những lời than về ngôn ngữ và cách viết “quái dị” của giới trẻ. Tất cả những câu chuyện ấy dẫn tới một câu hỏi đang nổi lên trong vài năm qua: bao giờ, tiếng Việt được “chuẩn hóa”.
Bên lề cuộc tọa đàm Giáo sư Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt (vừa tổ chức tại Hà Nội), PGS TS Phạm Văn Tình (Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học VN) trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về vấn đề này.
PGS Tình nói:
- Hồn vía của một dân tộc là quốc sử, quốc văn và quốc ngữ. Nhưng gần đây có nhiều lo lắng về tiếng Việt. Chẳng hạn, có người nói tiếng Việt vẩn đục, xuống cấp, người nói tiếng Việt bị hỏng... Thật ra, làm sao lại có chuyện tiếng nói của dân tộc đã có hàng ngàn năm lại có thể nhanh hỏng đến thế.
* Vậy, ông thấy thế nào về thực trạng tiếng Việt những năm gần đây?
- Quả thật, tiếng Việt đang có hiện tượng sử dụng lộn xộn trong báo chí, trong văn bản, lộn xộn trong cách nói đời thường, lộn xộn trong cách nói của giới trẻ, đặc biệt là là ngôn từ “lạ” (cả nói và viết). Đó là điều gây nhiều bức xúc và lo lắng. Nhưng, về bản chất, thái độ của cộng đồng là thước đo và đồng thời là nhân tố bảo vệ ngôn ngữ. Bản thân ngôn ngữ có cơ chế tự điều chỉnh, không phải anh cứ nói lạ là người ta chấp nhận ngay. Nó sẽ bị đào thải nếu người ta nghe không lọt tai, không phù hợp, thấy sai và vô văn hóa. Từ mới muốn được đưa vào từ điển phải được sử dụng trong một phạm vi đủ rộng và một thời gian đủ lớn.
Ví dụ gần đây ta hay nghe từ “lộ hàng”, “đụng hàng” hay “ném đá” hoặc “chém gió”… Những từ đó dân gian sử dụng nhiều có thể trở thành từ tương đối phổ biến. Nhưng thực tế, nếu đã sử dụng trọng cộng đồng một thời gian dài, nhiều người sử dụng, nhiều nơi sử dụng và đã hình thành ngữ nghĩa ổn định thì từ điển phải đưa từ đó vào giải thích. Chẳng hạn, những từ “con chíp”, “bến cóc”, “xe dù”, “xe ôm”, “ô sin”..., đầu tiên nghe cũng rất lạ, nhưng bây giờ đã trở thành những từ phổ biến.
Như thế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là “bế quan tỏa cảng”, không có nghĩa là chỉ sử dụng những gì mình có, không tham khảo, không thu nhận những nhân tố mới. Nếu thế thì vô hình trung ta đã làm nghèo ngôn ngữ của mình.
*Vậy, tính từ giai đoạn đổi mới và hội nhập với thế giới bên ngoài, chúng ta đã du nhập khoảng bao nhiêu từ mới?
- Lấy mốc 1986 đến nay thì tiếng Việt bổ sung khoảng 3.000 từ mới, bao gồm cả từ mới nảy sinh và từ của tiếng nước ngoài du nhập vào, chủ yếu là tiếng Anh. Như thế là nhiều, khi ngày xưa có lẽ cả thế kỉ mới có thêm mấy ngàn từ.
Cũng cần nói thêm, những từ mới xuất hiện như vậy là điều đáng mừng. Với rất nhiều khái niệm, rất nhiều thuật ngữ, chúng ta chưa có từ chỉ đúng sự vật đó. Và, nếu bắt buộc phải dịch những từ ấy, thì khó tìm được từ hoàn toàn tương đương.
Ví dụ marketing dịch là tiếp thị sẽ không đủ, bởi nó chỉ mang một nghĩa. Marketing là môn khoa học nghiên cứu các dữ liệu thị trường để đưa ra giải pháp tiếp cận thị trường một cách tốt nhất, trong đó có tiếp thị. Festival không dịch là liên hoan được, bởi liên hoan chỉ là một nghĩa, festival còn là cuộc thi, còn là triển lãm trưng bày, còn là cuộc hội ngộ.
Tất nhiên, cũng có những từ mới được ta dùng song song nhưng có xu hướng thiên về gốc nước ngoài. Chẳng hạn như MC - người dẫn chương trình. Người ta thích dùng từ MC hơn không hẳn là vì sính ngoại mà từ này ngắn gọn và đa số mọi người không khó để hiểu nghĩa. Hoặc, giữa vô tuyến truyền hình- ti vi thì rõ ràng, vô tuyến truyền hình không thể ngắn gọn hơn chữ ti vi.
* Vậy những từ mới bao lâu thì được cập nhật vào từ điển một lần, thưa ông?
- Thông thường, khoảng 3 – 4 năm có một đợt cập nhật vì phải có thời gian kiểm chứng. Đó là thời gian hợp lý, vì có thể có một số từ tồn tại trong một thời gian nhưng nó lại chết yểu nên phải có thời gian “đủ lớn” để “thử thách”.
* Cập nhật từ mới vào từ điển có theo tiêu chí hay một quy định nào không?
- Đưa từ mới vào từ điển phải căn cứ vào ngữ liệu thực tế. Các nhà từ điển không bịa ra được và không thể đưa một từ nào đó theo ý chí chủ quan được. Họ sẽ căn cứ vào việc từ vựng đó được sử dụng trong cộng đồng. Họ dùng như thế nào thì căn cứ vào ngữ cảnh đó để định nghĩa, không được áp đặt. Cho nên, không có quy định về quyền lực theo kiểu hành chính. Nguyên tắc đó là nguyên tắc số một, cần phải tuân thủ.
* Một câu hỏi cũ: Nhiều người nghĩ rằng là có Luật ngôn ngữ thì sử dụng tiếng Việt chuẩn hơn? Ông có nghĩ như thế không?
- Luật Ngôn ngữ góp phần quan trọng vào việc định hướng và yêu cầu mọi người thực hiện một cách chuẩn mực, tránh được chuyện trăm hoa đua nở (mỗi nơi, mỗi vùng, mỗi tờ báo dùng một kiểu).
Chuẩn ngôn ngữ thực chất là một sự lựa chọn. Thực ra, hiện trạng ngôn ngữ có sự phức tạp, có nhiều biến thể. Và những biến thể nhiều khi cũng chưa thể đánh giá đâu là chuẩn, mà phải có sự khảo sát đánh giá, đưa ra biến thể hợp lí cho hiện tại.
Và khi đã có những nghiên cứu đánh giá, chúng ta có thể đặt ra những chuẩn ngôn ngữ liên quan đến chữ viết, ngữ âm, tiếng nói, hoặc đến các phạm vi sử dụng trong giao tiếp công sở, giao tiếp văn bản hành chính, trong báo chí truyền thông, trong quảng cáo…
Nhìn chung, nếu có Luật Ngôn ngữ thì chúng ta có thể đưa tất cả các hoạt động liên quan đến ngôn từ vào quy củ. Nhưng có lẽ, điều này phải nhiều năm mới thực sự phát huy hết được tác dụng, bởi việc khảo sát, xây dựng, ban hành và thực thi Luật Ngôn ngữ đòi hòi một quá trình khá lâu dài. Đồng thời, công chúng cũng cần thời gian để hiểu và thấm nhuần để thực hiện.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phạm Huy (thực hiện)