Băng trên dãy Himalaya tan nhanh hơn nhiều so với thập niên trước
Các sông băng ở dãy Himalaya - nguồn cung nước quan trọng cho gần 2 tỷ người trên thế giới - đang tan chảy nhanh hơn bao giờ hết do biến đổi khí hậu, đe dọa đời sống các cộng đồng với những thảm họa khó lường và nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo do Trung tâm Phát triển Vùng núi Quốc tế (ICIMOD) thực hiện và công bố ngày 20/6. ICIMOD là một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Nepal, bao gồm các quốc gia thành viên Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và Pakistan.
Theo báo cáo, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2020, các sông băng đang tan nhanh hơn đến 65% so với thập kỷ trước. Tác giả của báo cáo, nhà nghiên cứu Philippus Wester cho biết băng tan là hiện tượng tất yếu trong bối cảnh Trái Đất ấm lên, song điều đáng lo ngại chính là tốc độ băng tan đang nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Ông lý giải rằng dù hiện tượng băng tan dường như mang lại nguồn nước dồi dào hơn, nhưng trên thực tế, với tốc độ như dự báo thì khả năng cao băng tan sẽ dẫn đến lũ lụt thay vì mang lại nguồn cung nước ổn định.
Báo cáo nêu bật tầm quan trọng của các sông băng ở khu vực Hindu Kush Himalaya (HKH), khi đây là nguồn nước quan trọng cho khoảng 240 triệu người ở vùng núi, cũng như cho 1,65 tỷ người khác ở các thung lũng bên dưới. HKH trải dài trên 3.500 km qua các nước Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Nepal và Pakistan. Các sông băng của HKH là nguồn cung cấp nước cho 12 hệ thống sông quan trọng nhất trên thế giới, trong đó có sông Hằng, sông Ấn, sông Hoàng Hà, sông Mekong và sông Ayeyarwaddy, đồng thời trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp lương thực, năng lượng, không khí sạch và thu nhập cho hàng tỷ người.
Với ước tính hiện nay về lượng khí phát thải, ICIMOD cho rằng các sông băng có thể mất tới 80% thể tích hiện tại vào cuối thế kỷ này. Phó Giám đốc ICIMOD Izabella Koziell cảnh báo với 2 tỷ dân ở châu Á phụ thuộc vào lượng nước mà các sông băng và tuyết ở đây cung cấp, hệ lụy của việc mất đi khu vực đóng băng này có thể sẽ quá lớn. Đáng chú ý, ngay cả khi mức tăng nhiệt độ toàn cầu được giới hạn trong khoảng 1,5 đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các sông băng vẫn sẽ mất đi khoảng 33-50% thể tích vào năm 2100.
Nhà nghiên cứu Wester cho rằng những số liệu ước tính trên cho thấy vấn đề đã trở nên vô cùng cấp bách, theo đó kêu gọi những hành động thiết thực nhằm giảm thiểu các tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh mỗi hành động dù là nhỏ nhất cũng sẽ góp phần thúc đẩy nỗ lực bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, ông Wester khẳng định việc áp dụng các công nghệ cải tiến và hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao đã được chắt lọc đồng nghĩa với việc các ước tính trong báo cáo có độ chính xác rất cao.
Nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng gần 1,2 độ C kể từ giữa những năm 1800, gây ra một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng thiêu đốt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và các cơn bão dữ dội hơn do nước biển dâng. Đồng tác giả báo cáo, chuyên gia về sinh kế và di cư tại ICIMOD Amina Maharjan, cho biết trong hoàn cảnh đó, những người dễ bị tổn thương nhất và các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các cộng đồng này không có đủ hỗ trợ cần thiết. Bà đánh giá khả năng ứng phó hiện nay của các cộng đồng và cá nhân này chưa đủ để đáp ứng những thách thức khí hậu ở tầm vĩ mô này.