Xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội: Bài 2 - Điểm trũng cần được lấp đầy
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - người dày công nghiên cứu về văn hóa Hà Nội cho rằng, trước kia, con người bị ràng buộc về yếu tố đạo đức truyền thống nhưng ngày nay sự tử tế, lòng tự trọng đã “rơi rụng” nhiều nên văn hóa ứng xử có sự thay đổi. Còn trên góc độ các nhà quản lý, văn hóa, ứng xử của người Hà Nội chưa tạo nhiều chuyển biến từ lý do khách quan lẫn chủ quan.
- Xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội: Chưa 'bén rễ' sâu trong thực tiễn
- Cập nhật thông tin thuê bao di động: Cộng đồng mạng ‘sôi sục’ trước cách 'ứng xử' của nhà mạng
Mảnh vườn chưa được vun trồng tốt
Đời sống văn hóa luôn tồn tại hai mảng đối lập chân lý - phản chân lý, sự thật - giả dối, tốt - xấu nên nhiều nhà văn hóa quan niệm nếu xã hội, con người được chăm lo tốt, xã hội sẽ tốt đẹp hơn, con người văn minh hơn.
Ngược lại, nếu thờ ơ, không chăm lo, cái xấu sẽ lấn át cái tốt, sự giả dối sẽ lấn át sự thật. Ông Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long ví rằng, đời sống văn hóa giống như một mảnh vườn ươm, nếu buông thả thì cỏ dại mọc nhiều, vườn tược xấu xí.
Việc triển khai hai Bộ Quy tắc ứng xử thời gian qua chưa “bén rễ” sâu trong thực tiễn được các nhà quản lý văn hóa chỉ ra rằng, sự vào cuộc của các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội chưa đồng đều. Một số cơ quan triển khai chậm, đối phó, chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện Quy tắc ứng xử...
Thực trạng này xuất phát từ nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế; sự gương mẫu của cán bộ, công chức nhất là cán bộ quản lý trong triển khai, thực hiện Quy tắc ứng xử nhiều nơi chưa tốt. Thực tế đã từng xảy ra việc cán bộ lãnh đạo vi phạm những điều quy định của Quy tắc ứng xử, gây phản ứng trong dư luận.
Khi đề cập đến hiệu quả thực hiện hai Bộ Quy tắc ứng xử, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội băn khoăn: Chính quyền quận, huyện, phường, xã là nơi quan trọng nhất trong triển khai Quy tắc ứng xử nhưng hệ thống chính quyền đã vào cuộc chưa? Nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, việc triển khai bộ Quy tắc ứng xử như nào? Đây là vấn đề khó, không phải địa phương nào cũng quan tâm và cần có sự kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử.
Bên cạnh đó, áp lực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và thành tích hoàn thành chỉ tiêu đã lấy đi sự quan tâm của lãnh đạo địa phương hơn là sự đầu tư cho văn hóa. Trong khi đó, thành tích của lĩnh vực văn hóa không thể đo đếm trong một thời gian nhất định mà phải trải qua cả một quá trình lâu dài. Vì vậy, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai các bộ Quy tắc ứng xử chưa đạt được hiệu quả cao, vấn đề nhận thức của cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương được coi là mấu chốt. Nhận thức chưa tốt đã tạo ra những "vùng trũng" trong quá trình xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội.
Chưa có chế tài xử lý nghiêm
Một vấn đề được bàn thảo rất nhiều thời gian qua đó là việc triển khai hai Bộ Quy tắc ứng xử chưa đạt hiệu quả cao do chưa có chế tài xử lý nghiêm. Với bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội sẽ được chi phối bởi Luật Công chức, nội quy, quy định của cơ quan buộc cán bộ, công chức phải thực hiện. Nhiều cơ quan, đơn vị đưa việc thực hiện Quy tắc ứng xử vào bình xét thi đua hàng năm, nếu cán bộ, công chức vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng chỉ dừng ở mức khuyến cáo nhằm điều chỉnh hành vi, lời nói, thái độ của mọi người tại nơi công cộng. Do vậy, Bộ Quy tắc này đã sử dụng ngôn từ “nên làm” và “không nên làm” để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng khu vực, đối tượng khác nhau. Cũng vì mang tính khuyến cáo đối với các hành vi, thái độ, lời nói của người dân nơi công cộng nên thành phố chưa có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm trong ứng xử.
Ông Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội thẳng thắn bày tỏ, thời gian qua, việc triển khai hai Bộ Quy tắc ứng xử chủ yếu thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhưng nếu thực hiện theo phương thức này hiệu quả sẽ thấp. Điều cần thiết là phải có chế tài xử lý nghiêm để tạo tính răn đe. Lấy ví dụ ở Singapore, chỉ cần người dân vứt rác ra đường có thể bị cảnh sát phạt vài trăm đô-la, ông Tô Quang Phán khẳng định, nếu chế tài không tốt, không đi cùng cuộc vận động thì dù hàng năm thành phố có “lên giây cót” thì phong trào đi lên một thời gian rồi sẽ đi xuống.
Nhiều người cũng cho rằng, Hà Nội là nơi hội tụ của người dân nhiều tỉnh, thành, vùng miền trong cả nước nên văn hóa và trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân khác nhau. Hơn thế, dân cư lại thường xuyên biến động sẽ gây khó khăn cho việc tuyên truyền, phổ biến và xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội.
Dẫu biết rằng, việc thay đổi văn hóa ứng xử của người dân là lâu dài và bền bỉ song Hà Nội vẫn cần có những bước đi phù hợp, tích cực để đạt được như kỳ vọng ban đầu đặt ra, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.
Đinh Thuận/TTXVN