Trẻ vào lớp 1: Giúp con thêm tự tin
(Thethaovanhoa.vn) - Bởi nếu không tự tin, trẻ sẽ không thể hòa nhập với môi trường mới và đặc biệt là không thích đi học.
- Trẻ vào lớp 1: Chuẩn bị tâm lý - chìa khoá thành công
- 10 kỹ năng trẻ cần phải biết
- Nhật ký cho con đi học lớp 1
- Con vào lớp 1: 3 điều bố mẹ cần ghi nhớ
Nếu tự tin, khi đi học, con sẽ dễ hoà nhập với tập thể, hăng hái khi phát biểu trên lớp, sẵn sàng hỏi cô giáo khi có điều gì vướng mắc… Ngược lại, một đứa trẻ nhút nhát sẽ ngại tiếp xúc với môi trường xung quanh, lo lắng với tất cả mọi thứ và không thích đến trường. Chính vì thế, bên cạnh chuẩn bị tâm lý, bố mẹ cũng cần giúp con thật tự tin khi bước vào lớp 1.
Những bí kíp sau đây sẽ giúp bạn làm điều này dễ dàng hơn.
Bắt “bệnh” trước khi tìm “thuốc” chữa
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ thiếu tự tin bao gồm cả khách quan và chủ quan. Chủ quan là do bản thân đứa trẻ vốn nhút nhát còn khách quan là chính bố mẹ vô tình tạo ra cho trẻ. Việc quá bao bọc con, không cho con tiếp xúc với bên ngoài, không cho con làm việc nhà hay thường xuyên mắng mỏ, chê bai trẻ… cũng phần khiến trẻ trở nên nhút nhát.
Trang bị những kỹ năng cần thiết
Thiếu những kỹ năng cần thiết cũng khiến trẻ thiếu tự tin. Do đó, trước khi con vào lớp 1, bố mẹ nên dành thời gian hướng dẫn và dạy cho con biết những kỹ năng cần thiết như: kỹ năng tự chăm sóc bản thân khi không có bố mẹ, người lớn bên cạnh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng quan sát… Những kỹ năng này sẽ giúp con dễ dàng giao lưu, kết bạn với mọi người cũng như phục vụ cho việc học tập.
Cùng con học bài
Không nhớ hết kiến thức ở trường cũng là một nguyên nhân khiến trẻ kém tự tin. Thế nên, khi về nhà, hãy cùng con học để ôn lại bài vở. Tất nhiên, việc học này chỉ nên dừng ở mức khuyến khích con nhớ lại và giảng giải cho con hiểu những gì vẫn còn chưa rõ.
Trong quá trình học cùng con, cha mẹ cũng cần phải tránh trách mắng bé. Ngay cả khi bạn nói mãi bé vẫn chưa hiểu, cũng không nên tức giận, bởi nếu làm như vậy sẽ chỉ khiến con kém tự tin.
Dành 30 phút mỗi ngày để chơi cùng trẻ
Ở đầu bậc tiểu học, không nên ép trẻ học nhiều. Hãy để cho trẻ cân bằng giữa việc chơi và học. Bố mẹ nên dành 30 phút mỗi ngày hoặc nhiều hơn để chơi cùng trẻ. Việc này không chỉ giúp con có thêm hưng phấn trong học tập mà còn là cơ hội hiểu hơn những suy nghĩ hay vấn đề trẻ đang gặp phải. Cách thức này do đó sẽ giúp trẻ phát triển cả IQ và EQ.
Ngoài chơi cùng con, bạn cũng nên khyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, chương trình giáo dục cộng đồng của trường. Nó sẽ giúp trẻ tự tin, nhanh nhạy và xây dựng lòng trắc ẩn.
Giúp trẻ nhận thức điểm mạnh, yếu
Trẻ vào lớp 1 chắc chắn chưa biết được mình có điểm mạnh, điểm yếu gì. Do đó, cha mẹ cần phải định hướng giúp con. Ưu điểm đương nhiên sẽ cần phát huy còn khuyết điểm thì cần tìm cách khắc phục. Một số việc lúc đầu trẻ chưa làm được thì hãy động viên, khuyến khích, giúp trẻ luôn có một suy nghĩ tích cực là: “Mình có thể làm được; Mình sẽ làm rất tốt…”.
Khi trẻ nhận thức được những điểm mạnh/yếu này, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn.
Cùng con nuôi dưỡng ước mơ
Ai cũng có ước mơ. Xác định được ước mơ và mục tiêu, chúng ta sẽ biết mình phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Bố mẹ hãy khuyến khích con nói ra những ước mơ của bản thân, sau đó hãy định hướng cho trẻ những ước mơ nào có thể thực hiện được và những ước mơ nào thì chưa. Khi trẻ nói ra ước mơ của mình, hãy giúp trẻ xác định những việc phải làm để đạt được mục tiêu ấy.
Chẳng hạn, nếu con muốn làm ca sĩ con phải tự tin trước chỗ đông người, biết hát và biết nhảy; nếu con muốn làm bác sĩ thì con phải học thật giỏi, biết quan tâm và chăm sóc người khác… Khi trẻ biết phải làm gì để đạt được mục tiêu đó thì trẻ sẽ tự tin và cố gắng hơn.
WIN
Tổng hợp