10 kỹ năng trẻ cần phải biết
(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý, khi cho con vào lớp 1, bố mẹ cũng cần phải trang bị cho bé nhiều kỹ năng khác nữa.
Giai đoạn chuyển lớp từ mẫu giáo lên tiểu học có khá nhiều khó khăn. Không ít trẻ đã gặp phải stress, dẫn đến tâm lý sợ đi học, sợ đến trường. Để hạn chế những lo lắng và giúp con làm quen với “giáo dục tiểu học”, bố mẹ cần trang bị cho con một số kỹ năng sau:
Tự thức dậy đúng giờ
Ở bậc học mầm non, trẻ đi học vẫn chưa bị ép thời gian. Tuy nhiên, khi lên tiểu học, đi học đúng giờ là một việc làm hiển nhiên. Nếu trẻ đi học muộn có thể bị phạt, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Thời gian đầu, bố mẹ nên chủ động gọi con dậy đúng giờ, sau đó, hãy hướng dẫn trẻ sử dụng đồng hồ báo thức để tự mình dậy. Bạn cũng cần cảnh báo con về việc: con sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc dậy muộn, đi học muộn của mình. Song song với đó, hãy tập cho con thói quen đi ngủ sớm để có thể dậy sớm mà không mệt mỏi.
Tự chăm sóc bản thân
Để làm được việc này, hãy tâm sự với con rằng: lên lớp 1, tức là con đã lớn rồi, con sẽ phải tự chăm sóc bản thân những lúc không có người lớn ở bên. Khi đó, bố mẹ cần dạy cho con kỹ năng tự đi vệ sinh, bao gồm: cách sử dụng nhà vệ sinh công cộng, vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần “đi nặng”… Ngoài ra, hãy để con tự lập trong việc mặc quần áo, đi tất, đi giày, tự lấy đồ ăn, tự xúc ăn…
Bố mẹ cần thường xuyên kiểm tra lại những kỹ năng này để xem con đã thực hiện nhuần nhuyễn chưa. Tất nhiên, nếu con có thể hoàn thành xuất sắc, đừng quên những lời khen tặng. Còn nếu trẻ vẫn lúng túng, cũng đừng quát nạt vì điều đó sẽ khiến con hoảng sợ.
Giao tiếp tốt
Khi tiếp xúc với một môi trường mới, nếu bé không chủ động làm quen, kết bạn thì có thể sẽ bị “cô lập”. Do đó, bố mẹ cần dạy cho con những kỹ năng giao tiếp cơ bản, như: biết nói xin chào, cảm ơn, xin lỗi, biết nhờ sự giúp đỡ từ người khác, biết cách giới thiệu bản thân và làm quen với những người bạn mới.
Để rèn luyện kỹ năng này, bố mẹ nên cho con tham gia nhiều hoạt động vui chơi. Việc đó giúp con dễ hoà nhập hơn.
Kỹ năng quan sát
Một đứa trẻ có khả năng bao quát tốt thường dễ hòa nhập với môi trường mới. Hơn nữa, việc rèn luyện kỹ năng này còn giúp con dễ dàng bắt nhịp với việc học ở lớp 1. Do đó, hãy tường xuyên đưa con ra ngoài chơi, cho con quan sát và tìm hiểu về các loại hoa cỏ, cây cối hoặc những hoạt động diễn ra xung quanh…
Việc quan sát sẽ giúp con có cái nhìn tổng quát, biết so sánh nên rất có lợi trong việc phát triển tư duy.
Kỹ năng tập trung
Lịch học nghiêm túc chính là nỗi sợ hãi của nhiều trẻ khi bắt đầu bước vào lớp 1. Do đó, bố mẹ cần rèn luyện cho con kỹ năng tập trung.
Để làm được điều này, khi ở nhà, bố mẹ có thể cùng con tham gia vào các hoạt động như: chơi xếp hình, tìm đường, kể chuyện hoặc đọc sách cho con nghe trong khoảng thời gian từ ngắn đến dài dần,… Tuy nhiên, để rèn luyện khả năng tập trung, bố mẹ nên cho con ở không không gian yên tĩnh, hạn chế những thứ gây phân tán sự tập trung.
Biết cách làm việc nhóm
Nếu con luôn ích kỉ, đồ chơi không chia sẻ bao giờ, tính nết hay cáu gắt, nhăn nhó…, khi vào lớp còn có thể bị bạn bè “cô lập”. Vì thế, hãy chuẩn bị sẵn cho con kĩ năng làm việc nhóm để biết nhường nhịn bạn bè. Điều này không chỉ giúp cho trẻ hòa đồng, tự tin hơn mà còn giúp trẻ có thể phát huy cá tính, sự sáng tạo, biết hợp tác với những đứa trẻ khác để hoàn thành những công việc chung.
Những cách đơn giản nhất để rèn luyện kỹ năng này là khuyến khích con chơi các môn thể thao đồng đội, các trò chơi nhóm hay cùng tham gia làm việc nhà với những thành viên khác trong gia đình… Bạn đừng quên chú ý quan sát cách con chơi/làm để góp ý nhé!
Kỹ năng đặt câu hỏi
Trẻ em vốn có tính tò mò, thích tìm hiểu về nhiều thứ xung quanh mình nên chúng rất hay hỏi: “vì sao lại thế này, vì sao lại thế kia…”. Tuy nhiên, cách diễn đạt của trẻ nhiều lúc chưa chuẩn xác. Đặc biệt, khi lên lớp 1, trẻ sẽ được tiếp xúc dần với nhiều kiến thức, nếu trẻ không biết đặt câu hỏi thì rất khó để trẻ hiểu và tiếp thu.
Bố mẹ nên dạy bé cách đặt câu hỏi chính xác và dễ hiểu hơn. Đồng thời, bạn cũng nên khuyến khích để bé tự tin khi bày tỏ những vấn đề còn thắc mắc, để bé hiểu rằng, mình có thể hỏi cha mẹ, bạn bè hay thầy cô giáo những điều muốn tìm hiểu.
Kỹ năng bảo quản đồ dùng
“Tội” lớn nhất của học sinh lớp 1 là phá hỏng hoặc làm mất đồ dùng học tập. Điều này dễ hiểu vì những đồ dùng đó quá mới lạ với trẻ nên chúng rất thích thú khám phá nên dễ làm hỏng. Đồng thời, do chưa quen với việc quản lý tài sản riêng, trẻ rất dễ làm mất đồ dùng.
Để hạn chế điều này, bố mẹ có thể dạy con kĩ năng bảo quản đồ bằng việc yêu cầu con tự đeo ba lô, tự sắp đồ trong balo, tự kiểm đồ và nếu mất đồ, hỏng đồ sẽ bị phạt. Sau vài lần, con sẽ rút ra kinh nghiệm và biết cách bảo quản đồ đạc tốt hơn.
Ngồi đúng tư thế
Ngồi học đúng tư thế không chỉ giúp cho các bé học hiệu quả hơn mà còn giữ gìn đôi mắt, cột sống của trẻ.
Tư thế ngồi đúng là khoảng cách từ mắt đến vở khoảng 25-30cm; cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với ghế ngồi; giữ bằng vai và đặt hai chân thoải mái, song song, không gác chân hoặc chân co chân duỗi; hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định, tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái; ánh sáng phải đủ độ và thuận chiều, chiếu từ bên trái sang.
Cầm bút đúng cách
Khi cầm bút, trẻ phải cầm bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa). Theo đó, ngón cái và ngón trỏ đặt ở phần trên của thân bút và ngón giữa đỡ lấy phần dưới. Khoảng cách tính từ đầu ngòi bút đến đầu ngón trỏ là 2,5cm. Lúc này, mép bàn tay sẽ làm điểm tựa cho cánh tay để thực hiện động tác viết.
Các cách cầm bút dựng đứng 90 độ, quá nghiêng so với chuẩn hoặc quá ngửa, quá sấp bàn tay đều sẽ khiến bé khó viết, viết chậm và viết xấu. Góc bút nghiêng khoảng 45 độ so với mặt giấy là vừa đẹp.
Khi viết, đưa bút từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấy.
Ngọc Quỳnh
Tổng hợp