Để con không bị hoang mang khi bước vào lớp 1, cha mẹ cần ghi nhớ 3 điều sau.
(Thethaovanhoa.vn) - Để con không bị hoang mang khi bước vào lớp 1, cha mẹ cần ghi nhớ 3 điều sau:
Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu
Nhiều trẻ khi bắt đầu đi học, chưa quen với môi trường mới, bạn bè mới, phương pháp học mới… nên thường lo âu, buồn bã. Khi đó, bố mẹ cần quan sát và lắng nghe để hiểu con đang nghĩ gì, muốn gì và sau đó đưa ra những biện pháp khắc phục.
Ban đầu, bố mẹ có thể nói chuyện cho con nghe về trường học, về sách vở, về cô giáo… Sau đó, khi con đi học rồi thì nên quan tâm hỏi han, động viên sau mỗi buổi học. Bố mẹ có thể gợi chuyện bằng cách hỏi: “Ở trường có gì vui không?” hay “Con thích chơi với bạn nào nhất”…, đồng thời tích cực thể hiện thái độ chăm chú khi nghe con nói. Đơn giản mà hiệu quả nhất là vừa nghe chuyện vừa đệm thêm những câu như “Thế à!” hay “Thế cơ à!” và tỏ ý tán đồng.
Khi được người nghe gật gù đồng tình, người nói sẽ dễ dàng truyền đạt nội dung câu chuyện mình cần nói hơn. Do đó, nếu đứa trẻ nói ra được những điều “chất chứa” trong lòng, bố mẹ sẽ phần nào hiểu được con, qua đó biết con cần gì, muốn gì và đang gặp khó khăn gì để có thể đưa ra được phương án khắc phục. Tuy nhiên, khi tìm cách giải quyết, hãy để trẻ đưa ra ý kiến của mình trước, còn bạn hãy là người khuyên nhủ, đưa con đến cách tốt hơn.
Không gây áp lực học tập cho con
Đã làm cha, làm mẹ, ai ai cũng mong muốn con mình học giỏi, “làm ông này bà kia”. Họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào con mình khiến đứa trẻ cảm thấy áp lực.
Nhiều trẻ vào lớp 1 viết chậm hơn bạn hoặc tập đọc kém hơn bạn là phụ huynh bắt đầu cảm thấy lo lắng, ép con học cho bằng “con nhà người ta”. Tuy nhiên, bố mẹ cần nhớ, giáo dục là một quá trình lâu dài. Các con mới chuyển từ mẫu giáo lên lớp 1 thì càng cần phải kiên nhẫn hơn. Bắt ép học sẽ khiến con nảy sinh tâm lý sợ hãi.
Bởi vậy, bố mẹ nên phối hợp cùng với giáo viên giúp con làm quen với con số, chữ cái một cách tự nhiên như cho con chơi nặn chữ, nặn số, ghép tên mình, dạy con học thuộc những bài thơ, bài hát ngắn, chơi trò đánh vần, làm những phép tính đơn giản… Việc cùng con thực hành các bài tập bắt đầu với những môn học con yêu thích sẽ giúp con hình thành thái độ yêu thích học tập.
Tuyệt đối không cáu giận
Trẻ con cũng có những thay đổi tâm lý như người lớn, đặc biệt, với những trẻ chuyển lớp thì vấn đề thay đổi tâm lý càng được bộc lộ rõ hơn. Chúng có thể vui rồi buồn ngay lập tức, đôi khi bướng bỉnh không nghe lời… Những lúc này, bố mẹ không nên trách mắng con. Hãy động viên, giúp con nhận ra việc làm nào xấu, việc làm nào tốt để con có thể sửa đổi.
Khi bé chậm hiểu bài, đừng vội quy kết rồi làm ầm lên hay đánh mắng trẻ. Hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và giúp bé giải quyết. Ngược lại, khi bé được cô giáo khen, bố mẹ nên bày tỏ niềm tự hào và khen ngợi bé. Có thể tặng bé một món quà nhỏ để khuyến khích bé lần sau cố gắng hơn.