Wenger và 5 điều thay đổi bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) – Arsene Wenger đến với bóng đá Anh năm 1996 khi hiện trạng lúc ấy khác bây giờ rất nhiều. Từ lối chơi thiên về thể lực, sức mạnh, bóng đá xứ sương mù đã thay đổi rất nhiều, nhờ Wenger.
- Đội hình mạnh nhất của Arsenal dưới thời HLV Arsene Wenger
- 10 điều đáng quên nhất của Wenger trong 20 năm dẫn dắt Arsenal
- 20 năm qua, Wenger tiêu tiền như thế nào?
- Arsene Wenger nhiều khả năng dẫn dắt tuyển Anh vào cuối mùa này
- Arsene Wenger: 5 bản hợp đồng TỐT nhất và TỆ nhất sau 20 năm làm việc tại Arsenal
Phương pháp huấn luyện
Các cầu thủ Arsenal không biết nhiều về ông thầy đeo kính người Pháp từ Nagoya Grampus Eight. Và họ cũng không mấy quen thuộc với giáo án huấn luyện mà ông đề ra.
Trong tập luyện, Wenger dựa vào khoa học nhiều hơn là truyền thống nhằm giúp các cầu thủ đạt thể lực tốt nhất có thể. Ông áp dụng những phương pháp căng cơ mới, những bài tập mới nhằm rèn giũa kỹ năng chuyền bóng, và luôn mang đồng hồ bấm giờ vào sân tập. “Đó là những bài tập sắc bén, đầy năng lượng, và khác biệt”, cựu hậu vệ Arsenal Nigel Winterburn nhận xét, “Cả những bài tập phục hồi cũng vậy”. Wenger cũng đã đưa phương pháp nắn xương và châm cứu, đồng thời thiết kế lại trung tâm tập luyện với những trang thiết bị hiện đại nhất.
Những bài tập của Wenger rất khoa học
Ban đầu, cách tiếp cận của Wenger bị chính các học trò nghi hoặc, nhưng rồi họ nhanh chóng thừa nhận bởi nó đã mang lại kết quả tích cực. “Tony Adams và tôi đã đến gặp HLV trước khi mùa giải bắt đầu”, Lee Dixon viết năm 2003, “Chúng tôi có cảm giác rằng mình đã chay không đủ nhiều và lo lắng rằng cả đội sẽ không đủ thể lực. Nhưng HLV đã bình tĩnh giải thích cho chúng tôi rằng tất cả đã được tính toán khoa học và cả đội sẽ ổn. 10 ngày sau, chúng tôi đã đầy năng lượng và sẵn sàng chiến đấu. Rõ ràng là ông ấy (Wenger) biết quá rõ mình đang nói gì”.
Mùa giải ấy, Arsenal giành cú đúp Premier League và cúp FA. Đó là những danh hiệu đầu tiên của Wenger với Pháp và phương pháp huấn luyện của ông mau chóng được nhân rộng tại Premier League.
Ăn uống và dinh dưỡng
Trên chuyến xe bus về nhà sau thắng lợi 2-0 trên sân Blackburn, một số cầu thủ Arsenal lên cơn thèm chocolate và Wenger thấy rằng thói quen ấy cần phải thay đổi.
“Thay đổi thói quen của các cầu thủ ở một đội bóng có độ tuổi trung bình 30 là không dễ chút nào, đặc biệt là ở trận đầu tiên”, Wenger hồi tưởng “Sau hiệp một, tôi hỏi HLV thể lực Gary Lewin: ‘Sao không ai nói gì thế, có chuyện gì vậy’, ông ấy trả lời: ‘Họ đói ấy mà’. Hóa ra là vì tôi không cho họ ăn chocolate trước trận. Thật là hài hước”.
Wenger cấm tiệt các cầu thủ ăn chocolate
Wenger không chỉ loại chocolate và rượu khỏi thực đơn của các cầu thủ. Từng sống ở Nhật 2 năm và có chế độ ăn uống rất khoa học, ông buộc canteen của đội ngừng phục vụ burgers, khoai tây chiên, và thay vào đó là cá hoặc gà, khoai tây nghiền và rau luộc. Còn ở món tráng miệng, dứa được thay cho bánh trứng sữa.
“Tôi nghĩ ở Anh, người ta ăn quá nhiều đường, thịt, và không đủ rau”, Wenger tiết lộ trong một bài phỏng vấn.
Một số cầu thủ nói rằng phương pháp ăn kiêng của Wenger giúp họ kéo dài sự nghiệp, nhưng không phải ai cũng đồng ý thế. Năm 2001, cựu đội trưởng Tony Adams tiết lộ “Ăn kiêng không thay đổi gì cả nếu không có những cầu thủ lớn. Tôi vẫn ăn cá và khoai tây chiên hàng Tuần, trong 6 năm dưới thời Wenger. Thứ Sáu nào tôi cũng lên cầu Putney ăn bánh sandwich, uống nước ngọt đá và ngắm dòng sông”.
Lối chơi
“Những tiếng hô “1-0 cho Arsenal”, và “Một Arsenal buồn tẻ” là cách mà các CĐV phản ứng lại lối tiếp cận phòng ngự tiêu cực dưới thời George Graham, người tiền nhiệm của Wenger, ở thập niên 90,
Arsenal của Wenger tấn công cống hiến, nhưng cũng khá ngây thơ
Wenger thì khác. Ông ủng hộ lối đá tấn công tốc độ nhanh, dù rằng nó để lộ nhiều khoảng trống ở phía sau. Nhờ thế, Arsenal là đội bóng cống hiến và đáng xem nhất, kể cả trong giai đoạn 9 năm trắng tay. Nhưng đi kèm đó là sự ngây thơ về chiến thuật khi mọi thứ không như ý muốn, đặc biệt là kể từ sau mùa giải Invincible 2003-04. Nhiều người cho rằng Wenger đã phá vỡ sự ổn định ở phía sau.
Nhưng phong cách chơi dựa trên kiểm soát bóng ấy đã được rất nhiều đội bóng học theo, và Eddie Howe là người gần nhất áp dụng nó.
HLV ngoại
Khi Wenger dẫn dắt Arsenal, ông và HLV kiêm cầu thủ Ruud Gullit là hai nhà cầm quân ngoại hiếm hoi ở Premier League. Vì thế thật dễ hiểu khi ông bị hoài nghi.
“Ngày ông ấy mới đến, chúng tôi không biết nhiều về ông ấy và một hai người đã hỏi: ‘Vị HLV người Pháp này là ai thế nhỉ’”, cựu danh thủ Ian Wright nhớ lại. Giờ thì phần lớn các đội bóng (13/20) đang sử dụng HLV ngoại. Điều bị coi là mạo hiểm lớn hồi năm 1996 thì bây giờ là bình thường, và thành công của Wenger là lý do chính giải thích điều đó.
Wenger được xem như tiên phong cho kỷ nguyên HLV ngoại tại Premier League
Năm 1998, HLV người Pháp đã trở thành nhà cầm quân ngoại đầu tiên vô địch Premier League (không tính Sir Alex – người Scotland, thuộc Vương quốc Anh). Sau đó, lần lượt tới một loạt HLV ngoại khác là Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, Roberto Mancini, Manuel Pellegrini và Claudio Ranieri lần lượt đăng quang.
Bây giờ, xu thế ngược lại đang diễn ra. Thật là mạo hiểm khi trao cho một HLV bản địa cơ hội, thay vì mang về một HLV ngoại giàu kinh nghiệm. Ngay cả Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cũng không tránh khỏi ý nghĩ này khi đã thuê Sven-Goran Eriksson và Fabio Capello để dẫn dắt tuyển Anh. Sau khi Sam Allardyce bị sa thải, Wenger lại là một ứng viên lớn cho chiếc ghế nóng.
Mua và phát triển tài năng trẻ
Patrick Vieira gia nhập Arsenal trước khi Wenger chính thức nhận việc. Nhưng sau đó, tiền vệ này vẫn được cho là chữ ký lớn đầu tiên của chiến lược gia người Pháp, vì chính ông đã tác động với CLB mua anh về. Hồi ấy Vieira mới 20 tuổi, trải qua quãng thời gian không thành công ở Milan, và được giải phóng với mức giá 3,5 triệu bảng. Anh đã trở thành xương sống trong những đội hình vô địch Premier League của Wenger, và được đánh giá là một trong những tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất ở thế hệ của mình.
Wenger rất giỏi trong phát hiện và đào tạo tài năng trẻ
Sự thành công của Vieira biến anh thành bản hợp đồng kiểu mẫu của Wenger. Kể từ đó, thay vì mùa các ngôi sao đã thành danh, Wenger tìm kiếm các tài năng trẻ mà ông có thể mua với giá rẻ để rồi biến họ thành những ngôi sao đẳng cấp thế giới. Chân sút 17 tuổi Nicolas Anelka là một minh chứng. Và sau anh là Thierry Henry, người đã trở thành huyền thoại của CLB. Danh sách những tài năng trẻ trở thành ngôi sao còn có thể kể đến Cesc Fabregas, Theo Walcott, Hector Bellerin và Alex Oxlade-Chamberlain.
Chiến lược của Arsenal có thay đổi một chút ở thời gian gần đây với những bản hợp đồng mới đã chứng tỏ đẳng cấp như Mesut Ozil, Alexis Sanchez, Granit Xhaka và Shkodran Mustafi. Nhưng việc mua trung vệ 20 tuổi Rob Holding chứng tỏ Wenger chưa thể từ bỏ thói quen tìm kiếm tài năng trẻ.
Có lẽ bây giờ, Wenger ước gì các CLB khác đừng cố bắt chước các cách thức của ông. Khi Leicester đánh bại Arsenal để vô địch Premier League mùa trước, công lớn của họ đến từ những bản hợp đồng mua với giá rẻ là Riyad Mahrez và N’Golo Kante.
Tuấn Cương
Theo ESPN