(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những đề tài nóng bỏng nhất khi nói về triều đại Arsene Wenger tại Arsenal chắc chắn là cách ông tiêu tiền, cách ông mang về những bản hợp đồng mang đậm cá tính của riêng mình.
Khôn ngoan hay “hà tiện”?
Một vài quan điểm sẽ cho rằng Wenger là bậc thầy trong việc điều tiết tình hình tài chính của “Pháo thủ”, phát hiện ra những bản hợp đồng ngon-bổ-rẻ và tỏ ra khôn ngoan khi cần bán ai đó với giá cao. Một vài quan điểm khác thì chỉ trích ông là “kẻ hà tiện”, luôn miễn cưỡng trong việc bỏ ra số tiền lớn rồi sẵn sàng đặt lợi ích kinh doanh lên trên vấn đề danh hiệu.
Hai thập kỷ với Wenger, Arsenal luôn biết cách “kiềm chế” hầu bao của mình dù cho 4 mùa đây họ đã tỏ ra cởi mở và táo bạo hơn trên TTCN.
Theo trang TransferMarkt, kể từ mùa Hè năm 1996, Arsenal đã chi tổng cộng 687,4 triệu bảng để mua sắm cầu thủ, tính cả bản hợp đồng 3,5 triệu bảng mang tên Patrick Vieira được hoàn tất trước khi Wenger xuất hiện. Cùng thời điểm, họ thu về 444,35 triệu bảng cho việc bán cầu thủ để đạt mức chi tiêu ròng 243,05 triệu.
Tất nhiên, số chi tiêu ròng này không thể so sánh nổi với những đại gia như Chelsea, Man United hay Man City. Điển hình là kể từ khi nắm quyền tại Man City năm 2008, ông chủ Sheikh Mansour đã khiến đội chủ sân Etihad đạt mức chi tiêu ròng đồ sộ hơn 800 triệu bảng.
Sau từng ấy năm, Arsenal đang dần thu hẹp khoảng cách về chỉ số này với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Premier League. Thực tế là kể từ năm 2013, Arsene Wenger mới bắt đầu cho thấy chút ít thay đổi. Họ thiết lập kỷ lục chuyển nhượng của CLB với bản hợp đồng trị giá 42,5 triệu bảng Mesut Oezil rồi những Alexis Sanchez, Shkodran Mustafi hay Granit Xhaka cũng lần lượt tiêu tốn ngót nghét trăm triệu bảng.
Sự chuyển biến đó đồng nghĩa với mức chi tiêu ròng của Arsenal thay đổi chóng mặt. Trong 3 năm qua, họ chi tới 263,7 triệu bảng trong khi chỉ thu về được 47,3 triệu từ việc bán cầu thủ. Mức chi tiêu ròng tăng lên 216,4 triệu kể từ mùa giải 2013-14 trong khi con số ở mùa 1996-97 chỉ đạt 26,6 triệu.
HLV Arsene Wenger đã hé lộ khả năng dẫn dắt đội tuyển Anh sau khi Arsenal đánh bại Basel 2-0 ở Champions League.
Giờ chi mạnh hơn, nhưng vẫn cẩn trọng
Lý do cốt yếu đằng sau vấn đề này là “Pháo thủ” đã dần đẩy lùi bóng ma nợ nần từ việc chuyển đến sân Emirates năm 2006. Bóng ma nặng nề đó đã khiến ông Arsene Wenger phải bán đi những ngôi sao hàng đầu của mình như Robin van Persie, Cesc Fabregas và Samir Nasri năm này qua năm khác đồng thời chỉ dám đầu tư vào những bản hợp đồng giá rẻ để cân bằng tình hình tài chính.
Một nguyên nhân không nhỏ khác là họ trở nên giàu có hơn nhờ hợp đồng bản quyền truyền hình kỷ lục tại Premier League, nơi mà các CLB khác cũng được hưởng lợi.
Khoảng thời gian từ mùa giải 2006-07 đến mùa 2012-13, Arsenal thậm chí còn tạo ra lợi nhuận 40 triệu bảng vì việc mua bán cầu thủ, một con số ấn tượng hơn bất cứ CLB nào tại Anh. Cùng thời điểm thì Man United lỗ 88 triệu bảng, Liverpool lỗ 124 triệu, Chelsea thâm hụt 233 triệu còn Man City thì vượt ngưỡng cân bằng tài chính tới 427 triệu.
Sự thay đổi về thái độ tiêu tiền cũng đi kèm với chất lượng của đội bóng. Tuy nhiên, không hẳn là Wenger đã chi đậm như những đối thủ, thậm chí vẫn còn kém xa. Mặc dù, từ năm 2013, Arsenal đã vượt qua Chelsea về khoản chi tiêu ròng nhưng lý do chính là The Blues thu về tới 300 triệu bảng từ việc bán cầu thủ. Ông chủ Roman Abramovich của Chelsea vẫn làm mưa làm gió trên TTCN với 442,75 triệu bảng khi bỏ tiền ra mang về những Eden Hazard, Diego Costa và David Luiz - hơn Arsenal tới 160 triệu.
Khi so sánh với thành Manchester thì đội bóng của Wenger còn tỏ ra yếu thế hơn. Sau khi Sir Alex Ferguson giải nghệ, “Quỷ đỏ” chi 513,84 triệu bảng với chi tiêu ròng 377,1 triệu còn Man City mua sắm tới 532,6 triệu với chi tiêu ròng đạt 408,8 triệu.
Những con số trên có thể cho thấy Wenger đã thay đổi nhưng ông vẫn là một HLV cực kỳ thận trọng. Ông chỉ dám chi đậm khi cảm thấy chắc chắn với cơ hội của mình. Vì vậy, dễ hiểu khi còn lâu nữa, Arsenal mới đuổi kịp những đối thủ tại Premier League.
Hữu Nam (Theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa