Vụ kiện chất độc màu da cam: Tòa phúc thẩm Paris sẽ ra phán quyết vào ngày 22/8
Ngày 7/5, Tòa án phúc thẩm Paris đã mở phiên tranh tụng liên quan đến vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, kiện 14 tập đoàn hóa chất đa quốc gia đã cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc da cam/dioxin để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Sau ba giờ đồng hồ tranh tụng căng thẳng của các luật sự, thẩm phán Tòa phúc thẩm Paris đã tuyên bố sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 22/8.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, từ 8h sáng, những người ủng hộ bà Trần Tố Nga đã có mặt trước cửa Tòa án Paris. Họ đến để tham dự phiên tòa của người phụ nữ Pháp gốc Việt nhỏ bé, 82 tuổi, dám một mình đối đầu với các tập đoàn hóa chất khổng lồ trong suốt hơn 10 năm qua. Không chỉ muốn bày tỏ sự ủng hộ với người phụ nữ có nghị lực phi thường này, những người tham dự còn muốn được thấy lẽ phải sẽ thuộc về chính nghĩa và tiếng nói của đại diện cho những nạn nhân da cam Việt Nam sẽ được Tòa án Paris lắng nghe và thấu hiểu.
Phòng xử án chật kín người tham dự. Do không đủ ghế nên nhiều người phải đứng suốt hơn ba giờ diễn ra phiên tòa. Cuối phòng là ba vị thẩm phán ngồi lắng nghe ý kiến tranh tụng của mỗi bên.
Hai luật sư tình nguyện giúp bà Trần Tố Nga trong vụ kiện là Bertrand Repolt và William Bourdon cho rằng các công ty hóa chất đã cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Việt Nam phải có trách nhiệm với hành động của mình và không được hưởng "quyền miễn trừ" vì phục vụ Nhà nước Mỹ.
Các luật sư khẳng định đủ bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp này tham gia dự thầu tự nguyện, có quyền tự quyết định về việc sản xuất, cũng như hàm lượng của chất độc dioxin trong chất diệt cỏ cung cấp cho quân đội Mỹ trong giai đoạn 1961-1971 ở Việt Nam. Các hành động này đã gây ra hậu quả thảm khốc cho con người và môi trường Việt Nam, kéo dài đến tận ngày nay.
Bản thân bà Trần Tố Nga, thân chủ của họ là nạn nhân của chất độc này và phải chịu hậu quả rất nghiêm trọng như mất đứa con đầu lòng, các con khác đều bị ảnh hưởng về sức khỏe, bản thân bị ung thư... Các luật sư cũng nêu ra quyền được xét xử là quyền cơ bản của bà Trần Tố Nga và mong có thể có thể giành lại công lý cho nạn nhân.
Về phía mình, các luật sư đại diện cho 14 doanh nghiệp hoá chất phủ nhận trách nhiệm của thân chủ, khẳng định các doanh nghiệp này đã hành động theo yêu cầu của quân đội Mỹ, do đó họ viện dẫn "quyền miễn trừ" cho phép một Nhà nước tránh bị truy tố tại tòa án của một quốc gia khác để từ đó phủi bỏ trách nhiệm đối với những hậu quả mà sản phẩm của các doanh nghiệp gây ra tại chiến trường Việt Nam.
Sau 3 giờ tranh tụng, các thẩm phán đã ghi nhận ý kiến của mỗi bên và cho biết sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 22/8 tới.
Phát biểu với các phóng viên sau phiên tòa, các luật sư đại diện của bà Trần Tố Nga cho biết mỗi bên đều có lý lẽ để bảo vệ luận điểm của mình. Phía bị đơn cho rằng họ được hưởng quyền miễn trừ vì làm theo ủy quyền của Nhà nước Mỹ, mà theo luật quốc tế thì không cho phép tòa án nước này phán quyết hoặc truy tố một nước khác.
Còn các luật sư của bà Trần Tố Nga khẳng định không có ý định kiện Nhà nước Mỹ mà chỉ muốn đưa ra bằng chứng để yêu cầu các công ty hóa chất chịu trách nhiệm về việc sản xuất chất độc da cam, một cách chủ động, độc lập và nhằm mục đích thương mại, kiếm lợi trên sản phẩm độc hại đó.
Luật sư Bertrand Repolt cho biết bản thân Tòa án Mỹ cũng đã kết luận rằng chất diệt cỏ không phải là vũ khí chiến tranh, do đó các công ty này không được hưởng quyền miễn trừ. Trong khi đó, luật sư William Bourdon khẳng định có niềm tin vào cuộc chiến pháp lý này.
Chia sẻ với báo giới, bà Trần Tố Nga cho rằng phía luật sư đại diện các công ty đã bộc lộ nhiều điểm yếu như chỉ bám vào "quyền miễn trừ" để trốn tránh trách nhiệm; thiếu sự phối hợp đoàn kết trong việc bảo vệ thân chủ; dùng lời lẽ công kích thiếu căn cứ để hạ bệ đối phương, vốn chỉ là một người phụ nữ ốm đau bệnh tật, tuổi cao sức yếu, nhưng lại có thể có thể tập hợp được sự ủng hộ của hàng trăm ngàn người.
"Nhìn thấy điểm yếu của họ, tôi cũng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Ngay cả sau khi kết thúc phiên toà, họ ra về lặng lẽ, nhưng các luật sư của tôi vẫn ở lại, mọi người cũng ở lại với tôi. Điều này cho thấy cuộc đấu tranh của tôi được ủng hộ vì nó mang tính chính nghĩa và cao quý. Và nếu chúng ta đi cùng nhau, tôi, các bạn và báo chí, chúng ta sẽ đến được đích", bà Trần Tố Nga khẳng định và bày tỏ quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Đông đảo bà con kiều bào, bạn bè Pháp và đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam, có mặt tại phiên tòa, cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với bà Trần Tố Nga, bởi đây là cuộc chiến mang tính biểu tượng, không chỉ cho cá nhân bà Trần Tố Nga mà còn vì lợi ích của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và cả trên thế giới.