Việt Nam gửi yêu cầu tương trợ tư pháp đi nhiều nước về nội dung thu hồi tài sản
Ngày 2/12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Dự án JICA tổ chức Hội thảo thực tiễn thi hành công tác tương trợ tư pháp hình sự theo Luật Tương trợ tư pháp 2007 - kinh nghiệm của Nhật Bản.
Thông tin đáng chú ý từ hội thảo, tình hình diễn biến tội phạm ngày càng phức tạp những năm gần đây đã phát sinh thêm một số loại yêu cầu mới như: Thu thập dữ liệu điện tử; thu hồi tài sản phạm tội mà có; cho cán bộ, người làm chứng ra nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp,...
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Kiểm tra viên Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13 - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), những yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự trên là những yêu cầu mới, được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận được nhiều thời gian gần đây, xuất phát từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Còn lại, chủ yếu là yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ. Từ năm 2020 đến năm 2022, Việt Nam đã gửi hơn 1.200 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự và tiếp nhận gần 280 yêu cầu tương trợ tư pháp từ nước ngoài. Ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết, kết quả giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp tăng lên thời gian qua, tỷ lệ giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp từ Việt Nam năm 2022 tăng khoảng 33% so với tỷ lệ trung bình từ 2020-2022.
Lưu ý về yêu cầu thu hồi tài sản, Kiểm tra viên Vụ 13 Nguyễn Văn Vui cho rằng, tương trợ tư pháp hình sự là kênh hợp tác chính thức giữa các quốc gia. Thực tiễn cho thấy, sau khi Việt Nam gửi yêu cầu, quốc gia được yêu cầu thường đề nghị Việt Nam phải bổ sung thông tin như giải thích pháp luật tố tụng, cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu,... Để tránh việc phải bổ sung thông tin nhiều lần cho nước ngoài, các cơ quan có yêu cầu cần: Mô tả về tài sản và nơi có tài sản cần tìm, căn cứ để xác định tài sản do phạm tội mà có đang có tại nước ngoài và có thể thuộc quyền tài phán của nước ngoài, biện pháp cần áp dụng có thể dẫn đến việc phát hiện hoặc thu hồi tài sản do phạm tội mà có,...
Đồng thời, phải chỉ rõ mối liên hệ giữa tài sản bị yêu cầu tịch thu và hành vi phạm tội: đưa ra chứng cứ chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội hoặc chứng minh rằng tài sản là lợi ích mà đối tượng có được do phạm tội. Ví dụ: đối với hành vi rửa tiền, cần cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản, đường đi của tài sản hoặc phân tích các báo cáo ngân hàng, hồ sơ kinh doanh, chứng từ tài chính, các hợp đồng; những hành vi che đậy của cơ quan, tổ chức để xác định những chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng...
Bà Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, qua gần 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, với vai trò là cơ quan Trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận được sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật trong nước và nước ngoài trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự.
Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của các nước, trong đó có Nhật Bản, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự trong nước có yếu tố nước ngoài; qua đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia của Cục Hình sự, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã thông tin về pháp luật tương trợ điều tra Nhật Bản, nội dung Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký kết tháng 11/2021 và có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2022, những điều cần lưu ý đối với các cơ quan tố tụng Việt Nam khi lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi Nhật Bản. Hội thảo lần này nhằm đánh giá thực tiễn 14 năm thực hiện công tác tương trợ tư pháp hình sự theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; đồng thời học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.
Hiện nay có 25 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các quốc gia đang có hiệu lực thi hành.