Viết chuyện cổ tích ở New York, Sloane Stephens xứng đáng là 'Tiểu Serena'
(Thethaovanhoa.vn) – Ở trận chung kết đơn nữ giải quần vợt US Open 2017 diễn ra giữa cặp đôi đến từ nước chủ nhà, Sloane Stephens đã xuất sắc vượt qua người bạn thân Madison Keys sau 2 set đấu chóng vánh, với tỷ số 6-3, 6-0.
- TENNIS ngày 9/9: Nadal có set thắng 6-0 khi hạ Del Potro để vào Chung kết US Open
- TENNIS ngày 8/9: Nadal gửi ‘tối hậu thư’ tới Del Potro. Venus dừng bước tại Bán kết US Open
- Chờ Venus Williams tái hiện lịch sử ở US Open
Sự trở lại của Stephens
Sinh năm 1993, nhảy 900 bậc trên BXH WTA trong vòng 1 tháng, Sloane Stephens giờ đã là nhà vô địch Grand Slam sau khi đánh bại tay vợt người đồng hương, người bạn thân và cũng là tay vợt đang xếp hạng thứ 16 là Madison Keys với tỷ số 6-3, 6-0.
Lần thứ 7 kể từ Kỷ nguyên Mở, và cũng là lần thứ 2 tại Mỹ Mở rộng, mới chứng kiến sự kiện hai tay vợt lần đầu tên góp mặt ở một trận Chung kết Grand Slam. Stephens cũng là tay vợt nữ người Mỹ đầu tiên không phải là người nhà Williams lên ngôi ở giải đấu diễn ra tại New York trong suốt 15 năm qua.
Hiện tại, Stephens đứng thứ 83 trên BXH của WTA, cũng vì thế, chức vô địch giúp cho cô trở thành tay vợt thứ 3 trong lịch sử giải US Open lên ngôi vô địch dù nằm ngoài Top 10. Trước đó, Kim Clijsters (2009) và Flavia Pennetta (2015) là những người làm được điều này.
“Thực ra, tôi chẳng muốn được đối mặt với bất cứ ai khác”, Stephens nói, sau khi rời khỏi vòng tay của người bạn thân. “Đối với chúng tôi, việc cả hai được cùng có mặt tại đây thực sự là một khoảnh khắc đặc biệt. Tôi nói đùa với cô ấy rằng chúng tôi có thể hòa, vì chúng tôi đều muốn có được hai chiến thắng. Tôi nghĩ, nếu có thể, cô ấy cũng sẽ làm điều tương tự thôi. Tôi sẽ ủng hộ cho cô ấy, dù có chuyện gì xảy ra. Giữa chúng tôi có một mối liên hệ đặc biệt. Đó là tình bạn”.
Chức vô địch không chỉ giúp cho Stephens bỏ túi 3,7 triệu USD, mà còn giúp cho tay vợt 24 tuổi này sẽ leo lên vị trí thứ 17, những 66 bậc trên BXH. Còn người bạn thân Madison Keys, với thành tích Á quân cũng sẽ leo lên hạng 12 .
Một cú nhảy vọt ngoạn mục
Stephens bắt đầu cầm vợt từ năm lên 9. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống thể thao. Mẹ cô, bà Smith, là một cựu VĐV của trường đại học Boston, còn người cha quá cố của cô, ông John Stephens, cũng là một VĐV bóng bầu dục từng thi đấu tại NFL trong màu áo The New England Patriots. Dòng máu thể thao đã khiến Stephens có những năng khiếu vượt trội so với những bạn bè cùng trang lứa.
Tiếng vang đầu tiên của Stephens phải kể tới lần cô đánh bại đàn chị Serena Williams khi mới chỉ 20 tuổi. Đó là tại Tứ kết Australian Open năm 2013, mốc thời gian không thể nào quên được của Nữ hoàng quần vợt người Mỹ, khi mà cô lần đầu tiên thất bại trước một tay vợt người đồng hương trẻ tuổi hơn mình. Trong 5 Grand Slam liền kề sau đó, Stephens đều vào đến vòng 4 (trong đó phải kể đến trận tứ kết tại Wimbledon). Nhưng phải đến mùa Hè năm 2015, tại Washington D.C, Stephens mới giành chức vô địch WTA đầu tiên. Cô đã thêm ba danh hiệu nữa vào năm 2016.
Tuy nhiên, sự xuất sắc của chị em nhà Williams, kèm theo những sự kỳ vọng đã khiến Stephens không thể thoát khỏi gánh nặng từ áp lực. Còn nhớ hồi đầu năm, Stephens đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật sau khi nghỉ thi đấu gần một năm trời vì chấn thương bàn chân, bao gồm cả 16 tuần mà cô chỉ có thể đi lại bằng nạng và xe lăn.
“Tôi đã phải phẫu thuật vào ngày 23/1. Nếu có ai đó nói với tôi rằng tôi sẽ là nhà vô địch US Open, tôi sẽ từ chối ngay. Làm sao có thể được. Nhưng điều đó đã trở thành sự thật”.
Chỉ hơn một tháng, Stephens đã nhảy vọt từ Top 1000 lên vị trí 83 thế giới. Và sau khi BXH được cập nhật trong ngày mai, cô sẽ leo lên hạng 17.
Cô cũng đã trở thành tay vợt thứ 2 không được xếp hạng hạt giống thứ 2 trong lịch sử môn banh nỉ lên ngôi tại một giải Grand Slam. Người đầu tiên làm được điều này là tay vợt Chris O'Neil. Bà từng đăng quang tại Australian Open vào năm 1978. Khi ấy, bà O’Neil chỉ xếp hạng 111 thế giới.
Stephens cũng là tay vợt thứ 4 không được xếp hạng hạt giống lọt vào chung kết US Open, và là tay vợt thứ 14 không được xếp hạng hạt giống lọt vào chung kết một giải Grand Slam kể từ Kỷ nguyên Mở.
Không chỉ Stephens, Keys cũng có sự trở lại ngoạn mục sau chấn thương. US Open mới chỉ là giải đấu thứ 10 mà cô tham dự trong mùa giải 2017. Cách đây ít lâu, Keys cũng đã phải trải qua phẫu thuật cổ tay trái, và đó là lý do khiến cô phải bỏ lỡ 2 tháng đầu tiên của mùa giải. Trước Wimbledon, cô phải trải qua lần phẫu thuật thứ 2, và đó cũng là lý do khiến cô vắng mặt tại Rogers Cup và Toronto.
Chia sẻ sau trận đấu, Keys cho biết: “Cách đây 2 tháng, nếu bạn cho là tôi sẽ trở thành Á quân tại US Open, tôi sẽ chẳng thể tin nổi đâu”.
Chưa từng có tay vợt hạt giống số 15 nào từng lên ngôi tại một giải Grand Slam, chỉ trừ duy nhất tay vợt người Pháp Marion Bartoli, với thành tích vô địch tại Wimbledon 2013.
Các nhà vô địch đang dần trẻ hóa
Năm nay, Serena Williams lên ngôi ở Australian Open, Jelena Ostapenko thắng Roland Garros, Garbine Muguruza là nữ hoàng tại Wimbledon, và Stephens thì vừa mới lên đỉnh tại quê nhà. Đây là lần thứ 12 trong Kỷ nguyên mở, 4 danh hiệu tại 4 giải Grand Slam thuộc về 4 tay vợt khác nhau. Ngoài trừ Serena, các tay vợt còn lại đều là những gương mặt 9x.
Ostapenko, 20 tuổi, đã trở thành tay vợt không được xếp hạng hạt giống đầu tiên lên ngôi tại French Open kể từ Kỷ nguyên Mở; Muguruza, 24 tuổi, trở thành tay vợt đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này đã từng hạ gục cả hai chị em nhà Williams tại chung kết Grand Slam (hạ Serena tại CK Roland Garros 2016, hạ Venus tại CK Wimbledon 2017). Vào thứ 2 tới, khi BXH được cập nhật, Muguruza cũng sẽ lên ngôi số 1 WTA.
T.Tú
Tổng hợp