Vì sao tuyển Việt Nam liên tục đá giao hữu với U22?
(Thethaovanhoa.vn) - Trận giao hữu nội bộ cuối cùng của ĐT Việt Nam và U22 đã kết thúc với tỷ số 4-1 nghiêng về các đàn anh. Đây cũng là trận đấu thứ 5 ở lần tập trung này.
Chiều ngày thứ Tư (29/9), ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam đã có trận giao hữu nội bộ cuối cùng trước khi toàn đội chuẩn bị lên đường sang UAE tham dự 2 trận đấu gặp Trung Quốc (7/10) và Oman (12/10). Ngay sau đó khoảng 1 tuần, U22 Việt Nam cũng sang đất nước vùng Vịnh này để tập huấn.
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong gần 2 năm, một đội tuyển bóng đá quốc gia của Việt Nam có cơ hội đi nước ngoài tập huấn, giao hữu chuẩn bị trước giải. HLV Park Hang Seo và các học trò sẽ tham dự vòng loại giải U23 châu Á năm 2022 vào cuối tháng 10 tại Kyrgyzstan. Đối thủ của “những chiến binh sao vàng” là Myanmar và Đài Loan Trung Quốc.
Trở lại với sự chuẩn bị của ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam trong khoảng 15 ngày qua, vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã cho 2 đội thi đấu giao hữu tới 5 trận đấu (mật độ 3 ngày/ 1 trận). Sở dĩ ông cho các cầu thủ đá giao hữu liên tục có lẽ là bởi bản thân ông đã nhận ra điểm yếu của chính các cầu thủ.
Đó là việc tập luyện trong thời gian quá dài mà không được thi đấu, cọ xát khiến cảm giác bóng của các cầu thủ bị đi xuống một cách trầm trọng. Việc những cầu thủ vào sân như Văn Thanh (trận Saudi Arabia), Tấn Tài (trận Australia),… bị ngợp đã được ông thầy người Hàn Quốc nhìn ra sau 2 trận đấu đầu tiên.
Một chuyên gia bóng đá cho biết: “Việc cầu thủ tập luyện chay trong thời gian quá dài thường dẫn đến cảm giác bị chán bóng, mất đi cảm giác bóng, nhịp độ thi đấu. Điều này về lâu về dài khiến nhiều cầu thủ bị “cùn” đi, không còn duy trì được trạng thái tốt nhất, không giữ được phong độ cao.
Việc chỉ tập mà không đá giao hữu hay đối kháng với đối thủ khác còn khiến cầu thủ bị ì, nặng về tâm lý nếu vào giải gặp đối thủ mạnh hơn. Không được thi đấu còn khiến cầu thủ dễ bị chấn thương hơn nếu vào giải bởi họ không còn nhanh nhạy, không còn quen với việc thi đấu, tránh né, đối phó với các tình huống vào bóng từ đối phương”.
Chính vì vậy, HLV Park đã để U22 Việt Nam thi đấu giao hữu liên tục cùng ĐT Việt Nam nhằm giúp cả 2 đội bóng tìm được cảm giác bóng, duy trì sự linh hoạt trong thi đấu. Dù xét về góc cạnh nào đó, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.
Bên cạnh đó, ở lần tập trung này, điểm khác biệt chính là ngày nghỉ của các tuyển thủ Việt Nam nhiều hơn hẳn so với lần tập trung trước. Xen kẽ các ngày đá giao hữu là ngày nghỉ để hồi phục năng lượng, nghỉ ngơi, vui chơi. Trong các ngày tập, số buổi tập tại phòng gym cũng được giảm đi đáng kể và thay vào là nửa ngày nghỉ.
Thậm chí, ở giữa lần tập trung này, ĐT Việt Nam còn được xả trại 1 ngày giúp các tuyển thủ có thể về nhà thăm gia đình, gặp gỡ bạn bè. Rõ ràng, ở lần chuẩn bị này, HLV Park Hang Seo đã chú ý hơn về mặt tinh thần để cởi gánh nặng áp lực, tập luyện trong thời gian dài cho các tuyển thủ.
Hiệu quả của những trận giao hữu và ngày nghỉ sẽ chỉ thực sự đo đếm được trong 2 cuộc đối đầu với Trung Quốc và Oman tới đây. Áp lực phải có điểm trên vai vị chiến lược gia người xứ sở Kim chi là nặng nề hơn bao giờ hết, và ông Park đang bị so sánh rất nhiều với Thái Lan của 4 năm về trước.
Việc tạo ra nhiều quãng nghỉ, trận giao hữu còn là thời gian để ông Park tự cân bằng bản thân, chọn ra những cầu thủ phù hợp nhất với chiến thuật ông sẽ áp dụng. Dự kiến, ĐT Việt Nam sẽ lên đường sang UAE vào tối ngày 1/10 để làm quen với thời tiết, khí hậu, giờ sinh học tại vùng Vịnh.
Thanh Nhã