Sử Việt đọc chậm (kỳ 5): Những bí ẩn về Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
(Thethaovanhoa.vn) - Trần Khánh Dư là một danh tướng thời nhà Trần, hiệu là Nhân Huệ Vương. Ông từng lập nên những chiến công hiển hách, mà nổi bật là những chiến công trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần 2 và lần 3 khi giữ chức Phó đô tướng quân.
Tuy nhiên, chung quanh cuộc đời của danh tướng Trần Khánh Dư vẫn còn những bí ẩn…
Phó tướng Vân Đồn
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Hợi, Trùng Hưng năm thứ ba (1287)... Khi ấy, thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ vương Khánh Dư”.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Khánh Dư làm Phó tướng ở Vân Đồn, Hưng Đạo vương giao phó cho giữ hết công việc ngoài biên giới.”
- Sử Việt đọc chậm (kỳ 3): Quyền lực hậu cung
- Sử Việt đọc chậm (kỳ 2): Những điều ít biết về Thái úy Lý Thường Kiệt
- Sử Việt đọc chậm (kỳ 1): Hội thề & Lễ tuyên thệ nhậm chức của các vua đời Lý
Đọc sơ qua liền thấy ở Vân Đồn thì Trần Khánh Dư là Phó tướng, vậy thì ai là chủ tướng? Tại sao không thấy chủ tướng xuất hiện trong các trận đánh quan trọng năm Đinh Hợi này?
Phải chăng vì Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn giao phó trách nhiệm cho Khánh Dư, như vậy Quốc Tuấn chính là Chủ tướng Vân Đồn.
Tuyệt đối không phải vậy. Phó tướng ở đây là viết tắt của “Phó đô tướng quân” hoặc “Phó đô tướng”.
Lịch triều hiến chương loại chí viết về quan chế nhà Trần như sau: “Về võ giai thì có các chức Phiêu kỵ Thượng tướng quân (chỉ Hoàng tử mới được chức ấy), Cấm vệ Thượng tướng quân, Kim ngô vệ Đại tướng quân, Võ vệ Đại tướng quân, Phủ quân Phó đô tướng quân, Thân vệ tướng quân, Điện súy Đô áp nha, Quản quân Tiết độ sứ, Đô thống chế. Các chức trên đều là quan coi việc binh...”.
Rõ ràng Phủ quân Phó đô tướng quân là chức võ quan rất lớn, chỉ dưới hàm Thượng tướng quân (như Trần Quang Khải) và Đại tướng quân (Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão).
Đại Việt sử ký toàn thư lại chép rằng: “Nhâm Ngọ năm thứ 4 (1282) Lấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân”.
Vậy là đã rõ, Trần Khánh Dư sau khi khởi phục, được cho làm chức Phó đô tướng quân (tức Phủ quân Phó đô tướng quân) là chức võ quan trong triều (nội quan), rồi sau lấy nguyên hàm đó mà ra trấn thủ Vân Đồn, nên sử chép giản lược là Phó tướng.
Tuyệt không có Chủ tướng, Chánh tướng nào ở Vân Đồn khi ấy cả.
Vị tướng trường thọ
Căn cứ vào những ghi chép trong quốc sử thì tuổi thọ của Trần Khánh Dư được xếp vào loại phi thường trong các danh nhân đất Việt. Đại Việt sử ký toàn thư không chép năm sinh của Trần Khánh Dư mà chỉ có năm mất: “Kỷ Mão (1339)... Nhân Huệ vương Khánh Dư chết”. Với những ghi chép tản mạn trong lịch sử thì ta có thể đoán chừng ông thọ xấp xỉ trăm tuổi hoặc hơn.
Đại Việt sử ký toàn thư chép về Trần Khánh Dư: “Nhâm Ngọ (1282)... Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam”.
Năm 1282 là đời vua Trần Nhân Tông, Thượng hoàng bấy giờ là Trần Thánh Tông. Nhiều người căn cứ vào câu này để cho rằng Trần Khánh Dư là con nuôi của Trần Thánh Tông, nghĩa là tuổi ông phải nhỏ hơn Thánh Tông không ít, chừng tuổi Nhân Tông. Vua Thánh Tông sinh năm 1240, Nhân Tông sinh năm 1258, nếu dựa theo thuyết này thì Trần Khánh Dư sinh khoảng năm 1250 trở về sau, thọ chừng 89 tuổi đổ lại.
Tuy nhiên, giả thuyết Trần Khánh Dư là con nuôi của Trần Thánh Tông là sai lầm hoàn toàn. Ông được chính vua Trần Thái Tông nhận làm Thiên tử nghĩa nam.
Việc được nhận làm con nuôi của vua này, Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ nguyên do là: “Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam”.
Lần quân Mông Cổ xâm lược trước đó là năm Đinh Tỵ (1257), khi ấy Trần Khánh Dư đã được cầm quân đánh giặc rồi. So sánh với hội nghị Bình Than năm 1282, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản khi ấy 16 tuổi còn không được dự hội nghị. Có thể thấy năm Đinh Tỵ đó, Trần Khánh Dư phải trên độ tuổi ấy rồi.
Lại xét Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Đến khi người Nguyên tắt đường vào cướp, kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang, giữ gìn Hoàng thái tử (tức Trần Thánh Tông sau này), cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp...”, so sánh để thấy Trần Khánh Dư bấy giờ có lẽ không thể trẻ hơn cái tuổi 17 của Trần Hoảng.
Sử ta còn chép một sự kiện nữa liên quan tới tuổi tác của Trần Khánh Dư. Đó là hội nghị Bình Than năm 1282, khi ấy Thượng hoàng Thánh Tông là 42 tuổi, vua Nhân Tông là 24 tuổi:
“Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần: “Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?”.
Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi: “Ông lái ơi, có lệnh vua triệu”.
Khánh Dư trả lời: “Lão (nguyên văn: 老翁 - lão ông) là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu”.
Qua cách nói chuyện trên, ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu một người còn trẻ, biết vua cho đòi thì có dám xưng “lão ông” với sứ giả chăng?
Cho nên lý giải theo cách nào đi nữa cũng không thể có chuyện Trần Khánh Dư là con nuôi của Trần Thánh Tông được. Mà nếu như vậy thì hai chữ “Thượng hoàng” trong ngữ cảnh “Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam” phải hiểu ra sao?
Tôi cho rằng tháng Chạp năm 1257, quân Mông Cổ rút về, sang tháng Giêng năm sau (1258), vua bắt đầu định công phong tước, nhưng sử chỉ chép mỗi trường hợp ban thưởng cho Lê Phụ Trần: “Định công phong tước: Cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem Công chúa Chiêu Thánh gả cho.”
Nhưng ngay tháng 2 năm đó, Thái Tông đã truyền ngôi cho con, tự mình làm Thái thượng hoàng. Không loại trừ khả năng Trần Khánh Dư được phong thưởng sau thời điểm nhường ngôi này. Và như vậy thì Thượng hoàng trong ngữ cảnh ấy hoàn toàn khớp với ngôi vị của Trần Thái Tông.
Rốt cuộc, Trần Khánh Dư chắc chắn là được Trần Thái Tông chứ không phải Trần Thánh Tông nhận làm nghĩa nam. Ở thời điểm cuộc xâm lược của người Mông Cổ lần thứ nhất, ông không dưới 18 tuổi, nghĩa là Trần Khánh Dư sinh trước năm 1240. Và như vậy ông thọ tới một trăm tuổi hoặc hơn.
Trận Vân Đồn và những lần mưu phạt tâm công trong lịch sử Sau chiến thắng Vân Đồn, phá hủy toàn bộ quân lương mà Trương Văn Hổ chở sang tiếp tế cho quân Nguyên, Trần Khánh Dư cho người phi báo tin với triều đình. Thượng hoàng nói: "Quân Nguyên chỉ nhờ lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được, nếu chúng chưa biết rõ việc ấy, hoặc còn hung hăng quấy nhiễu chăng?". Nói rồi bèn thả những người mà ta đã bắt được đến thẳng dinh quân Nguyên để nói rõ sự thể cho chúng biết. Quân Nguyên từ đấy thiếu lương ăn; mỗi ngày một quẫn bách thêm, quân sĩ ai cũng muốn về, không ai có lòng chiến đấu...” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Đây là một chiến lược mưu phạt tâm công - tấn công vào tâm lý của địch thủ, để không cần đánh cũng thắng, có ý nghĩa lớn không kém chiến thắng của Trần Khánh Dư. Quân Nguyên chinh chiến xa nhà, tất cả binh lương vũ khí đều chỉ trông chờ vào hai nguồn chính: Một là tự cướp đoạt của dân bản xứ - chiến thuật này không thành công bởi quân dân ta đã chủ trương vườn không nhà trống; và một là nguồn tiếp tế từ chính quốc - mà nguồn này cũng vừa bị Trần Khánh Dư trực tiếp cắt đứt. Sau khi biết binh lương đã tuyệt, binh tướng giặc Nguyên không còn lòng dạ nào mà bám trụ lại nước ta, chỉ mau mau chóng chóng tìm đường trở về Trung Quốc. Quân tâm nhiễu loạn, quan tướng nôn nóng, đó chính là tiền đề cho chiến thắng tiếp theo trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đúng như Nguyễn Trãi từng viết trong Bình Ngô đại cáo “Không đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”, chiến thuật tấn công vào tâm lý của giặc đã nhiều lần được quân dân ta vận dụng trong chiến tranh chống ngoại xâm. Ngoài chiến thắng Vân Đồn kể trên, có thể kể thêm những trận chiến sau: - Năm Ất Dậu (1285), trận Hàm Tử Quan, nhà Trần sử dụng đội quân người Tống của tướng Triệu Trung dưới trướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, khiến cho giặc Nguyên tưởng người Tống đã lấy lại được nước, lòng quân sớm loạn, danh tướng Toa Đô đại bại phải dẫn quân tháo chạy. - Năm Đinh Mùi (1427), sau khi chém tại trận Liễu Thăng, đánh bại 10 vạn quân tiếp viện của giặc Minh, vua Lê Thái Tổ “sai lấy 1 tên chỉ huy và 3 tên thiên hộ của giặc mà ta bắt được, cùng những sắc thư, phù ấn của Liễu Thăng đưa đến chỗ quân Mộc Thạnh”. Quả nhiên Mộc Thạnh hoảng sợ, cả đạo quân 5 vạn người nhanh chóng tan vỡ tháo chạy. Ta tung quân truy kích, giành được toàn thắng. Tuy 3 lần “mưu phạt tâm công” này chưa tới mức “không đánh mà thắng”, nhưng một khi quân tâm đã loạn, binh bại như núi đổ, ta nhân giặc tháo chạy mà đánh thì vừa chiến thắng dễ dàng vừa giảm thiểu được thương vong binh sĩ. Ấy cũng là việc người làm tướng nên làm. |
(Còn tiếp)
Tô Như