Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 3): Hợp tác công tư để tạo đột phá
Hợp tác công tư (Tiếng Anh là Public-Private Partnership, viết tắt là PPP) là các thỏa thuận hợp tác lâu dài được thiết lập giữa các đối tác công và tư nhằm mục đích lập kế hoạch, thiết kế, cấp vốn, xây dựng và quản lý các dự án thường do khu vực công thực hiện và phân phối.
Trong nhiều lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế, hợp tác công tư là một phương thức thực hiện các dự án có tính hiện đại và phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay trên phạm vi toàn cầu, và vì thế, đang nhanh chóng trở thành một phương thức đầu tư được áp dụng phổ biến ở nhiều lĩnh vực.
Văn hóa, vốn luôn là lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của khu vực công, cũng dần chịu ảnh hưởng bởi hình thức hợp tác này.
Từ kinh nghiệm trên thế giới
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) trong tham luận tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 20 và 21/11 tại Đà Nẵng, chỉ ra rằng, vai trò của đầu tư tư nhân cho lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ngày càng quan trọng bất kể ở các quốc gia có cam kết đầu tư công lớn cho văn hóa như châu Âu hay ở các quốc gia đầu tư công tối thiểu cho văn hóa như các nước Bắc Mỹ hoặc các quốc gia có nguồn lực hạn chế như Việt Nam và một số nước châu Á (dao động từ 1,5-1,8% ngân sách công/năm).
Đầu tư tư nhân cho văn hóa và sáng tạo được thực hiện thông thường nhằm vào các nhóm mục đích gồm: đạt được lợi nhuận, đạt được sự nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp cũng như lợi ích cho tổ chức văn hóa, cam kết chủ yếu với việc truyền bá các giá trị xã hội, giá trị có tính biểu tượng và giá trị phi kinh tế tương tự có thể mang lại lợi ích cho văn hóa dưới mọi hình thức.
Trong số các cơ chế để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực văn hóa và sáng tạo hiện đang được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới như ưu đãi về thuế cho các nhà tài trợ, người tiêu dùng và nhà tài trợ; kích thích gây quỹ thông qua các khoản tài trợ phù hợp; cơ chế trung gian; phiếu thưởng được tài trợ công và các chương trình ngân hàng cho vay,.. quan hệ đối tác công - tư là một trong những cơ chế tài chính cho ngành văn hóa quan trọng, đã đang chứng minh được những hiệu quả lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội ở nhiều quốc gia.
"Có thể hiểu rằng hợp tác công tư trong các ngành văn hóa và sáng tạo là các mô hình tổ chức, pháp lý và tài chính được cố định trong các văn bản chính thức (hợp đồng, thỏa thuận) đảm bảo sự tương tác cùng có lợi giữa khu vực công và tư nhân về cả phương diện kinh tế và văn hóa" - tham luận của TS Hà nêu rõ - "Việc cân nhắc áp dụng quan hệ đối tác như vậy trong các ngành văn hóa và sáng tạo trước hết xuất phát từ hiệu quả của một cơ chế cùng đầu tư nguồn lực để thực hiện các dự án văn hóa, chia sẻ rủi ro, chi phí và trách nhiệm trong quá trình thực hiện các dự án đó trên cơ sở hợp đồng… Hợp tác công tư đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở mọi cấp độ, từ phạm vi quốc gia, vùng, tỉnh/thành phố và cộng đồng dân cư ở nhiều nơi trên thế giới".
Việc phát triển các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo thực sự là điều kiện tiên quyết để đa dạng hóa nguồn lực qua tăng đầu tư tư nhân, từ đó tạo ra các cơ sở hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng, tăng sức hút xã hội đối với các ngành này và và sức hấp dẫn xã hội của ngành công nghiệp văn hóa và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia dựa vào văn hóa và sáng tạo.
… đến thực tế hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam
Tại Việt Nam, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được xác định là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành, tạo khung pháp lý đủ mạnh và ổn định làm cơ sở triển khai hiệu quả mô hình hợp tác công tư, khắc phục những thách thức của giai đoạn vừa qua cho hoạt động đầu tư theo cơ chế PPP tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 4 quy định các nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, lĩnh vực văn hóa không được quy định áp dụng.
Với khuôn khổ pháp lý hiện hành (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các văn bản dưới luật hướng dẫn thực thi), có thể thấy rằng trong thời gian trung hạn tới, lĩnh vực văn hóa vẫn sẽ nằm ngoài danh mục các lĩnh vực được áp dụng cơ chế đầu tư PPP do quy trình điều chỉnh và sửa đổi luật sẽ cần nhiều thời gian. Trong khi đó, thực tiễn phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam đang góp phần khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào kinh doanh trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, bước đầu đã có những thành công nhất định.
Số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam cung cấp năm 2023 cho thấy vào năm 2022, số lượng cơ sở kinh doanh trong các ngành công nghiệp ước đạt 70.321 cơ sở, thu hút lực lượng lao động trung bình khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người trong giai đoạn 2018 - 2022. Số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo đồng nghĩa với việc nhiều việc làm thỏa đáng và nhiều cơ hội thực hành cho thế hệ sáng tạo trẻ của quốc gia trong nhiều lĩnh vực nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân vào nhiều dự án, sự kiện, công trình ở quy mô quốc gia, quy mô địa phương và quy mô ngành/lĩnh vực đã mang lại những giá trị cả kinh tế và xã hội. Tại TP.HCM: Dự án Xây dựng cụm rạp chiếu phim tại Trung tâm văn hóa Quận 12 theo hình thức hợp đồng BOT; Liên hoan phim quốc tế TP.HCM - HIFF 2024; Liên hoan Âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hozo; Trung tâm văn hóa TP.HCM (thực hiện từ năm 2017, theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT); 23 dự án văn hóa đang chuẩn bị đưa vào kêu gọi xã hội hóa theo phương thức PPP và thu hút vốn FDI...
Tại Hà Nội: Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023; Dự án Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử giám; Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…
Tại Hội An: Dự án "Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An" (Công ty Gami Hội An), Trung tâm biểu diễn Lune Hội An,...
Tại Đà Lạt: Festival Hoa Đà Lạt; Hệ thống màn chiếu tại quảng trường Lâm Viên; Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hoa Sen Sound Fest 2023; Dalat Music Run; Rạp chiếu phim Cinestar Đà Lạt nằm trong Quảng trường Lâm Viên,...
Tại Huế: Dự án trùng tu, tu sửa di tích Huế Nam Điện (Hòn Chén); Hoạt động bảo tồn Quần thể di tích Cố đô Huế; Festival Huế,...
Tại Đà Nẵng: Festival Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Vườn ươm doanh nghiệp DNES; Bà Nà Hills; Cầu Vàng,...
Theo TS Nguyễn Thị Thu Hà, ở phạm vi cả nước, có thể thấy rằng hiện nay chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý, cơ chế cụ thể đối với việc hợp tác công tư trong ngành văn hoá. Sự tham gia, đóng góp của khu vực tư nhân cho các hoạt động, dự án chủ trì bởi khu vực công hiện nay chủ yếu được thể hiện qua các hoạt động có tính liên kết công tư, trong đó, các đơn vị tư nhân đóng góp, tài trợ hoặc cộng tác cùng thực hiện một hợp phần hoặc một giai đoạn của một dự án văn hóa của Nhà nước như có thể thấy ở một số thành phố lớn hiện nay gồm TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng…., chưa áp dụng hoàn toàn các mô hình hợp tác công tư hiện có (trừ trường hợp TP.HCM có cơ chế đặc thù áp đụng đối với 23 dự án văn hóa được phê duyệt tại Kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM vào 12/2023).
Các hoạt động liên kết công tư này thường tập trung vào đầu tư xây dựng, tái tạo các cơ sở hạ tầng về văn hóa (như nhà văn hoá, trung tâm văn hóa - thể thao…) và di sản (như các công trình kiến trúc, di tích lịch sử…), đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ (ví dụ như hệ thống trang thiết bị công nghệ số cho các bảo tàng, trung tâm, tổ chức văn hoá…), tài trợ cho các sự kiện văn hóa (lễ hội…),...
Thực tiễn phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam đang góp phần khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào kinh doanh trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, bước đầu đã có những thành công nhất định.
(Còn nữa)