Chữ và nghĩa: 'Bầu ơi thương lấy bí cùng', 'cùng' là gì vậy?
(Thethaovanhoa.vn) - “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Đây là câu ca dao được nhắc đến nhiều trong những ngày cả nước ta đang chung tay chống dịch Covid-19.
Có lẽ không cần giải thích nhiều, đa số người Việt đều hiểu được nội dung ngữ nghĩa mà câu ca dao (có giá trị như một tục ngữ) “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” này. Mượn hình ảnh 2 cây quen thuộc trong vườn nhà là “bầu” (cây leo bằng tua cuốn, lá mềm rộng và có lông mịn, quả tròn dài, có loại thắt eo ở giữa, dùng làm rau ăn) và “bí” (cây cùng họ với bầu, mọc leo hay mọc bò, có nhiều loại, quả dùng làm thức ăn) dân gian muốn chuyển tải một thông điệp, một lời khuyên đầy tính nhân văn. Rằng, tất cả chúng ta, cùng chung quốc gia, cùng chung cộng đồng dân tộc Việt Nam, cùng chung nòi giống “con Lạc cháu Hồng”. Vì lẽ đó, chúng ta phải biết thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau theo tinh thần tương thân tương ái. Lúc bình thường đã thế và những lúc “không bình thường” khó khăn, hoạn nạn lại càng hơn thế.
Ngữ nghĩa như thế cứ tưởng là rõ ràng, tường minh lắm lắm (mọi người vẫn đọc và hiểu bao đời nay, không có thắc mắc gì). Nhưng trong một buổi học online, một số sinh viên có hỏi tôi: “Thưa thầy, chúng em đang lúng túng khi đem phân tích câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Đa số mọi người đều thống nhất cho “bầu” là chủ ngữ, “thương” là vị ngữ và “bí” là bổ ngữ (trực tiếp). Nhưng từ “cùng” thì không biết xếp vào vị trí nào? Có bạn cho rằng đây chỉ là “từ chêm xen”, đệm vào cho đủ 6 tiếng trong câu lục và hiệp vần với tiếng thứ 6 trong câu bát (“cùng” hiệp vần với “chung”).
Lập luận như vậy, vô hình trung coi từ “cùng” trở nên “vô thưởng vô phạt”, một cách ứng xử tình thế “gỡ thế bí” trong cách gieo vần của thơ ca. Như thế thì “cùng” trở nên thừa. Thật vô duyên quá! Nó có khác gì từ “lại” và “càng” trong 2 câu thơ (nhại theo phong cách Bút Tre): “Tàu xe đi lại rộn ràng/ Thái Nguyên, Yên Bái lại càng Lào Cai”.
“Cùng” trong tiếng Việt (vừa Hán Việt 窮, vừa thuần Việt) có nhiều chức năng từ loại và kéo theo có nhiều ngữ nghĩa khác nhau. “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) phân chia thành danh từ, tính từ, kết từ. Nhưng có lẽ, “cùng” trong câu ca dao trên (từ thuần Việt) là một kết từ với nghĩa như sau (chỉ trích một đoạn trong mục từ này):
II k. 1 từ biểu thị người hay sự vật nêu ra sau đó có mối quan hệ đồng nhất [về hoạt động, tính chất hoặc chức năng] với người hay sự vật vừa được nói đến. (VD: Nó đến cùng với bạn; “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng” - ca dao).
Nếu thế, ta có thể diễn giải mở rộng câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” là “bầu và bí là 2 cây cùng loài, cùng cảnh (cùng là cây dây leo, chung một giàn). Vậy bầu hãy có lòng thương yêu bí, đừng bỏ rơi bí trong mọi hoàn cảnh”. Và để giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên (về phân tích câu), tôi nghĩ, vế 1 câu thơ trên (Bầu ơi thương lấy bí cùng) có thể viết lại là “Bầu và bí hãy cùng thương yêu nhau” (“cùng” sẽ là phó từ đi với động từ “thương/yêu”). Vì đảm bảo nguyên tắc hiệp vần của thơ, mà “cùng” được hoán vị và đứng ở cuối câu.
PGS-TS Phạm Văn Tình