Văn hóa Huế: Nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/10, tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo "Văn hóa Huế: Nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển".
Hội thảo đã nhận được 40 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế. Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến nhận diện bản sắc văn hóa Huế; định hướng phát triển đô thị di sản; vai trò của con người Huế hiện nay trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Huế.
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: suốt hành trình hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế là vùng đất đảm đương sứ mệnh bàn đạp mở cõi, trọng trấn biên viễn phương Nam, rồi kinh đô cả nước thời Tây Sơn, thời Nguyễn, cố đô bao chứa nhiều giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo, đặc trưng của cả quốc gia dân tộc.
- Huế không dùng ngân sách cho việc may áo dài của cán bộ Sở
- Huế: Bệnh nhân mắc Covid-19 cuối cùng được công bố khỏi bệnh
- Thừa Thiên Huế: Cán bộ Sở VHTT sẽ mặc áo dài truyền thống đi làm vào thứ Hai đầu tháng
Với tinh thần hội tụ và lan tỏa suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Huế đã được định hình rõ nét với nhiều giá trị bản sắc cốt lõi, đặc trưng, đặc biệt đã được gìn giữ trao truyền hàng trăm năm qua. Các cuộc tiếp biến văn hóa từ Ô Lý đến Thủ phủ Đàng Trong, đến giao thoa văn hóa Việt Pháp đã để lại cho Huế một gia tài khổng lồ các giá trị văn hóa; việc nhận diện bản sắc văn hóa từ đó xác định các vần đề then chốt trong định hướng chiến lược của tỉnh Thừa Thiên - - Huế trong tiến trình xây dựng đô thị di sản trực thuộc Trung ương là hết sức cần thiết.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cho biết: Huế là thành phố di sản còn lưu giữ khá đậm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa tinh thần. Huế đã có thành tích và kinh nghiệm trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như kiến trúc cung đình Huế, Nhã nhạc cung đình, văn thơ chữ nho trên các công trình kiến trúc.., tuy nhiên phần "di sản tinh thần" được nuôi dưỡng và bảo lưu trong mỗi con người Huế chưa được đánh giá, bảo vệ và phát huy đầy đủ. "Di sản tinh thần" có thể kể đến bản sắc ngôn ngữ, giọng nói, nếp sống, truyền thống văn hóa của Huế; lòng yêu nước...
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế cần có quan niệm hợp lý về vai trò của chính trị đối với văn hóa văn nghệ; coi trọng trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo; cần có một trung tâm nho học do nhà nước bảo trợ; coi trọng diện mạo đạo đức tinh thần và tố chất văn hóa của hàng ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Khai thác sức mạnh của thông tin điện tử và thị trường văn hóa để quảng diễn, phát hành sản phẩm thông tin, văn hóa văn nghệ. Phát triển các ngành nghề truyền thống có thương hiệu của Huế như thêu ren, đúc đồng, may áo dài, chế biến món ăn...
Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế: Thừa Thiên - Huế luôn ý thức sâu sắc di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thể hệ hôm nay và mai sau. Để bảo tồn và phát triển bền vững di sản văn hóa Huế, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục Luật Di sản văn hóa và Nghị định của Chính phủ về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh; tập trung nguồn lực để trùng tu, bảo tồn một số công trình kiến trúc trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế; kiểm kê, sưu tầm số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu; phát huy giá trị các lễ hội để xây dựng thành sản phẩm du lịch có tính đặc trừng của vùng đất; mở rộng mô hình xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tường Vi/TTXVN