loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định không có chuyện lấy kinh phí từ nguồn ngân sách để “trang bị” áo dài cho cán bộ. Việc may đo áo dài được các nhà thiết kế và các cơ sở may đo hỗ trợ, và lãnh đạo Sở bỏ tiền túi để góp thêm cho chi phí mua vải.
Sau một thời gian ngắn thử nghiệm, “dạo chơi” với áo dài ngũ thân cùng với sự động viên, khích lệ từ lãnh đạo tỉnh đến giới chuyên môn, đầu tháng 9 vừa qua, cán bộ, nhân viên Sở VHTT Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài làm lễ chào cờ, sau đó làm việc.
Những ngày qua, xung quanh những “tranh cãi” về việc cán bộ khối văn phòng Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống đi làm vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng, có một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, việc trang bị áo dài (cả nam và nữ) của Sở này gây tốn kém, lãng phí ngân sách.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: không có chuyện chi ngân sách để may đo áo dài.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: mỗi bộ áo dài ngũ thân của nam giới có chi phí khoảng 800.000 đồng, áo dài của nữ giới thì chi phí thấp hơn. Nhưng cơ sở may đo đã hỗ trợ thiết kế và công may, nên chỉ tốn chi phí cho mua vải. Và tôi đã chủ động bỏ tiền cá nhân để hỗ trợ anh em chi phí này. Hoàn toàn không sử dụng một đồng nào của ngân sách như các thông tin nghi ngại của dư luận.
“Việc mặc áo dài vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng, Sở không có quy định bằng văn bản và ép buộc cán bộ phải thực hiện. Chúng tôi đã thăm dò, lấy ý kiến của cán bộ khối văn phòng Sở và sau đó cùng nhau thảo luận, thống nhất về việc thực hiện này”- ông Hải chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng khẳng định rằng, theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì việc Sở VHTT khuyến khích cán bộ nam giới mặc áo dài ngũ thân đến công sở là không sai.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, đã giành nhiều thời gian nghiên cứu và tâm huyết về áo dài truyền thống. Trao đổi với Báo Văn hóa, ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, việc cán bộ Sở VHTT mặc áo dài truyền thống, nam mặc áo dài ngũ thân đi làm vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng là đáng khuyến khích. Hiện chỉ mới vận động áp dụng đối với cán bộ khối văn phòng, sau này tùy theo tính chất công việc có thể xem xét để mở rộng ra đối với các đơn vị khác của Sở.
Thừa Thiên Huế đang thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng Đô thị di sản trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa và bản sắc văn hóa Huế. Tỉnh cũng đang xây dựng đề án “Kinh đô Áo dài Việt Nam”, mà thời gian qua đã có nhiều sự kiện, hoạt động để phục hồi áo dài truyền thống, như: hành hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng- những người được xem là sáng tạo và phát triển áo dài Việt như “quốc phục”; vận động các cán bộ viên chức, giáo viên, học sinh sinh viên (nữ giới)… mang áo dài truyền thống đến cơ quan công sở, trường học.
Áo dài nữ được khôi phục, lan tỏa rộng khắp nhưng áo dài truyền thống nam giới (áo ngũ thân) lại chưa được quan tâm đúng mực. Trong việc xây dựng đề án này, chuỗi hành động đề phục hồi, quảng bá nét đẹp áo dài ngũ thân cũng là một nội dung quan trọng. Mà Sở VHTT đã “tiên phong” thì đáng hoan nghênh, khuyến khích.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, thiết kế và màu sắc của bộ áo dài ngũ thân của nam cán bộ Sở VHTT khá chuẩn, rất lịch sự, nhã nhặn, sang trọng và phù hợp với công việc của ngành. Đã có một thời, người ta chê áo dài nam màu đen là cổ hũ, và những năm 1930 xuất hiện trào lưu phê phán phục trang này.
Sau năm 1945, thì áo dài lại bị cho là “tàn dư” của phong kiến nên càng bị “đánh sụp”, và áo dài dần mất đi trong đời sống xã hội. Thời gian sau này, áo dài nam bị “sâu khấu hóa” theo nhu cầu của sân khấu, nhìn vào thì thấy diêm dúa, lộn xộn gây phản cảm. Nhưng áo dài ngũ thân xuất phát ở Huế không chỉ có áo dài đen mà áo dài với các màu rất đẹp (như: cổ đồng, tím tía, thiên thanh…), và kiểu thiết kế được nâng chuẩn từ áo dài cung đình xưa, rất lịch lãm, trang nhã.
Riêng về việc dư luận đang quan tâm hình ảnh tấm thẻ bài đeo trên áo dài ngũ thân của cán bộ Sở VHTT, ông Phan Thanh Hải cho biết: thẻ bài với mục đích chính là để trang trí. Tất cả các thẻ bài trên áo dài dài cán bộ nam đều có có nội dung như nhau, chứ không phải để phân biệt “chức vụ”. Dòng chữ ghi trên thẻ này là “Nguyên Phong Chấp Sự”, có nghĩa là nắm chắc sự việc có từ gốc rễ phong tục, dịch sát là giữ gìn nếp cũ. Dòng chữ này rất phù hợp với những người làm công tác văn hóa, bảo tồn di sản.
Vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói rằng, do nhiều người chưa rõ ý nghĩa của dòng chữ và lại thấy dòng chữ Hán nên “thắc mắc” là chuyện bình thường. Thẻ bài để trang trí nên không nhất thiết phải ghi dòng chữ, mà có thể đổi thành hình ảnh logo của ngành văn hóa địa phương.
Sơn Thuỳ/Báo Văn hóa
loading...