loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chọn ngày thứ Hai đầu tiên hàng tháng sẽ là ngày toàn thể cán bộ (khối văn phòng) mặc áo dài truyền thống đi làm, trong đó nam giới sẽ mang áo dài ngũ thân. Đây là hành động “tiên phong” trong công tác bảo tồn, quảng bá cho áo dài truyền thống xứ Huế, hướng đến xây dựng một “Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Thế nhưng, không ít người lại “ném đá” và có những bình luận đến mức phản cảm về vụ việc này.
Ngày 7.9, toàn thể cán bộ khối văn phòng Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã “diện” áo dài truyền thống đến cơ quan làm việc.
Ngày 7.9 vừa qua là ngày thứ Hai đầu tiên mà cán bộ Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế mang áo dài truyền thống đi làm. Họ đã cùng chụp ảnh lưu niệm trong buổi chào cờ đầu tuần, với trang phục áo dài, lịch lãm, trang nhã. Sự kiện này đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ cộng đồng dư luận, mạng xã hội và báo chí nhưng cũng có một số người đã bày tỏ các ý kiến trái chiều trên facebook. Nhiều người không rõ vụ việc cũng chia sẻ hình ảnh đội ngũ cán bộ Sở VHTT mặc áo dài rồi có những bình luận phản cảm.
Có người cho rằng, áo dài đã là quá khứ, lạc hậu, lỗi thời nên mang đi làm sẽ không hợp và bất tiện. Có người lại vin vào cái cớ may bộ áo dài ngũ thân sẽ rất tốn kém, gây lãng phí. Cũng có ý kiến cho rằng, trang phục công sở đã được nhà nước quy định từ lâu, việc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên “đẻ” thêm quy định mới này là không phù hợp. Rồi có người đánh giá mặc áo dài ngũ thân sẽ kềnh càng, nặng nề, không thoải mái… Những ý kiến cá nhân là quan điểm, nhìn nhận của từng người, đó là điều bình thường trong xã hội. Nhưng cũng có một số người lại phản biện theo kiểu cực đoan, xỉa xói, và thậm chí còn xúc phạm ngành VHTT của địa phương một cách hả hê trên mạng xã hội.
Nếu xét theo các nội dung về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước (theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), việc mặc áo dài đến công sở cho cả nam và nữ cán bộ đều không sai. Hơn nữa, trước khi thống nhất chọn ngày mặc áo dài, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp bàn, lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, chứ không phải kiểu tự đặt ra “luật”.
Việc mặc áo dài cả nam và nữ chỉ thực hiện đồng loạt vào một ngày trong tháng (vào thứ Hai đầu tiên của tháng); và chỉ thực hiện đối với cán bộ khối văn phòng, tức là làm việc tại trụ sở Sở VHTT (không bao gồm các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở) thì lo ngại gì “vướng víu”, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn như một số ý kiến của dư luận đặt ra.
Năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã viết thư ngỏ kêu gọi, vận động nữ giới là các nữ cán bộ công nhân viên chức, giáo viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh THPT trên địa bàn… mặc áo dài đến công sở, đến trường học. Ngay sau đó, hầu hết nữ cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh đều thực hiện, với ít nhất 2 lần mặc áo dài/tuần. Nét đẹp về hình ảnh áo dài truyền thống của nữ giới lan tỏa ở Huế, tạo ra hiệu ứng và quảng bá văn hóa cho vùng đất Cố đô. Chưa dừng lại ở đó, mỗi kỳ Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ) đều có chương trình Lễ hội Áo dài, và đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham dự. Trong kế hoạch của Festival Huế 2020, sẽ có nhiều hoạt động về Ngày hội Áo dài Huế, có cả trình diễn áo dài trên sân khấu, áo dài trong cộng đồng, trường học, áo dài với di sản… Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Festival Huế 2020 đành tạm hoãn, những hoạt động về Ngày hội Áo dài cũng tạm dừng lại.
Sự lan tỏa về áo dài nữ giới như vậy, thì tại sao nam giới lại không thể mặc áo dài ngũ thân đến cơ quan? Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: bảo vệ, phục hồi áo dài ngũ thân là phục hồi một di sản quý, và cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam khi hội nhập. Cả nam và nữ mặc áo dài truyền thống không chỉ để phục hồi một loại trang phục, mà còn phục hồi một di sản văn hóa. Áo dài ngũ thân (5 thân) của nam giới luôn có 5 cúc cài thể hiện Nhân- Nghĩa- Lễ- Trí- Tín, có ý nghĩ người mặc áo phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử; mang áo dài ngũ thân cũng có góp phần chuẩn chỉnh tác phong của đàn ông Việt.
Tại Hội thảo khoa học “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam” được tổ chức tháng 7.2020 vừa qua, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu cũng cho rằng Thừa Thiên Huế có thể đi “tiên phong” vận động khôi phục lại quốc phục áo dài Việt Nam cho cả nam và nữ.
Trong kế hoạch xây dựng đề án “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam” của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng sẽ xây dựng và phát triển thành thương hiệu áo dài Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng riêng có. Tỉnh này cũng đã có kế hoạch xây dựng Không gian trưng bày, giới thiệu và trình diễn áo dài Huế với quy mô và chất lượng cao cấp để phục vụ du khách.
Theo Báo Văn hóa
loading...