loading...
Cuộc đua áo dài đến di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Kỳ 1): Vì sao Huế xứng đáng là 'Kinh đô áo dài'?
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo loạt bài 3 kỳ “Áo dài Việt Nam - một thế kỷ cách tân”, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã nhận được bài viết của nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường (Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống thuộc nhóm Đình Làng Việt). Bài viết đã đi sâu vào nghiên cứu sự hình thành và những lớp lang giá trị của trang phục áo ngũ thân truyền thống (cho cả nam và nữ) trong chiều dài lịch sử dân tộc. Anh cho rằng, tôn vinh áo dài nữ hiện nay không thể tách rời nguồn gốc đó, và do đó cũng rất cần phải tôn vinh cả trang phục áo ngũ thân nam truyền thống.
Được mời tham dự buổi hội thảo khoa học quốc gia về “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” diễn ra sáng ngày 26/6/2020 tại 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ VH,TT&DL đồng phối hợp tổ chức, và hội thảo khoa học: “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” được Sở VH,TT Thừa Thiên Huế tổ chức chiều ngày 8/7/2020 tại Khách sạn Saigon Morin (đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Huế) nên tôi cũng có cái nhìn khá tổng quát về thực trạng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có áo dài truyền thống Việt Nam.
1. Có lẽ cần nêu ra đây vài cảm nhận cá nhân để tiện hình dung về quy mô tổ chức của miền Bắc và miền Trung. Ban tổ chức ở Hà Nội tập hợp được 44 bài tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, các nghệ nhân, nhà thiết kế và các nhà quản lý chuyên môn, đóng thành cuốn kỷ yếu, phát cho các đại biểu đến tham dự hội thảo trong khi ở Huế chỉ có 6 bài tham luận. Một con số bất cân xứng. Nhưng nếu nói về chất lượng thì Huế đã làm rất đúng và rất trúng.
Nói là rất đúng, bởi trong 6 bài tham luận ấy, bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, với tựa đề: “Huế - Chiếc nôi của áo dài Việt Nam”, đã khái quát lại tiến trình lịch sử ra đời bộ thường phục áo ngũ thân, lập lĩnh, khuy cài, tay chẽn dùng cho cả nam, nữ và khẳng định, kinh đô Phú Xuân - Huế chính là cái nôi sinh ra chiếc “áo dài Việt Nam” như tên gọi ngày nay.
Để minh chứng cho sự hiện hữu đầy sức thuyết phục của bộ trang phục truyền thống trải dài suốt chặng đường vài thế kỷ, từ 1558 đến 1945, TS Lê Thị An Hòa đã viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử khả tín qua bài tham luận: “Nguồn thư tịch và một số nghiên cứu liên quan đến trang phục thời Nguyễn từ 1558 đến 1945”. Đây là các bằng chứng hùng hồn khẳng định bộ “Quốc phục - áo ngũ thân, lập lĩnh, khuy cài, tay chẽn” đã từng và đang hiện hữu trong dân gian mà thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm bảo tồn, phát triển, và tái khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc thông qua bộ trang phục này.
Trang phục không chỉ đơn giản là một thứ che đậy cơ thể mà nó còn phản ánh tâm tư, nguyện vọng, triết lý, thẩm mỹ, tri thức và bản sắc văn hóa riêng một thời được kết tinh lại. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã tìm thấy những hệ giá trị sâu xa ấy qua bài tham luận “Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng nghĩ đến tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa”, trong đó, ông đã khẳng định thêm, nếu như Võ vương có công lao lớn trong việc định hình, kiến tạo ra chiếc áo ngũ thân (ngũ thể) thì chính vua Minh Mạng lại có công ban hành nhiều sắc dụ thống nhất về cách “ăn mặc” ở cả 2 miền Nam - Bắc. Tiến sĩ Hải đã có một phát hiện vô cùng quan trọng: Cuộc cải cách trang phục này là để “khẳng định về một đất nước thống nhất, tự chủ về văn hóa”.
Sợ những dẫn chứng lịch sử trên vẫn còn thiếu tính thuyết phục, Phòng Quản lý Văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao đã có thêm bài tham luận “Tổng thuật nguồn gốc, công tác bảo vệ và phát huy giá trị áo dài Huế qua góc nhìn của nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, nhà thiết kế”. Họ là những nhân chứng sống, thế hệ tiếp nối cha ông được sinh ra và trưởng thành tại đất Huế, đang ngày đêm tham gia vào công tác gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa trang phục đậm chất Huế này.
Nhưng dĩ nhiên do phong hóa và những biến cải xã hội trong vài chục năm, nhất là từ 1954 đến 1975, khi đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, việc gìn giữ và thể nghiệm mặc áo ngũ thân đã có sự “lệch chuẩn”, mang xu hướng sân khấu hóa và thời trang. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình đã có bài tham luận phân tích khá lý thú và sống động về thực trạng dở khóc dở cười mang tên “Di sản áo dài của đàn ông Việt trong bối cảnh hiện nay và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị áo dài Huế”.
Nói là rất trúng, bởi ngay sau buổi hội thảo khoa học, rạng sáng ngày 9/7/2020, các lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành chức năng phối hợp với Hội động trị sự Nguyễn Phúc tộc long trọng tổ chức tri ân và lễ húy kỵ, kỷ niệm ngày mất của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (7/7/1765, nhằm 20/5 Âm lịch năm Ất Dậu) - người có công định chế cải tổ nền y phục, tiền thân của chiếc áo dài Việt Nam - tại lăng Trường Thái. Đoàn hành lễ đã diễu hành áo dài đến Triệu Tổ Miếu (Hoàng thành, TP Huế) theo nghi thức truyền thống.
2. Trở lại với hội thảo ở Hà Nội, trong số 44 bài tham luận thì chỉ có 7 bài viết đặc tả về hình hài áo ngũ thân nam, lập lĩnh (cổ đứng), khuy cài, tay chẽn, gồm:
1. “Nguồn gốc áo dài Việt Nam” của Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách.
2. “Nhận diện áo dài của đàn ông Việt, hướng đi cho lễ phục nhà nước” của họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình.
3. “Trang phục nam truyền thống, hướng tiếp cận từ giới trẻ” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình.
4. “Áo dài nam ngũ thân truyền thống (lược sử phát triển và trách nhiệm phục hưng của chúng ta) của Thạc sĩ Đinh Hồng Cường.
5. “Áo dài trong không gian văn hóa phủ đệ xứ Huế” của Thạc sĩ Trần Văn Dũng.
6. “Áo dài nam truyền thống Việt Nam: Sự tái nhận thức về một di sản văn hóa dân tộc” của Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm.
7. “Văn hóa mặc áo dài ở Bến Tre - Di sản văn hóa phi vật thể từ truyền thống đến hiện đại” của nghiên cứu sinh Phạm Văn Luân.
Khi đem so sánh với tổng số bài bài tham luận (44 bài) thì tỷ lệ bài viết dành cho bộ trang phục nam giới chỉ chiếm 15,9%, một con số “lép vế”, khiêm tốn trước sự lên ngôi của trang phục áo dài nữ, thể hiện ngay trong không khí tươi vui và đa sắc màu của “tà áo dài nữ” bên thềm hội thảo.
Khác với Hà Nội, trong số 5 vị lãnh đạo ngồi ở hàng ghế chủ tọa (3 nam, 2 nữ) thì có: Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải và Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ, Tiến sĩ Hồ Thắng đều mặc áo ngũ thân, quần ống sớ hay còn gọi là “quần chân, áo chít”. Trong khi Hà Nội chẳng có vị nam giới nào ở cương vị nhà tổ chức mặc đúng (chuẩn) bộ trang phục truyền thống cả.
Điều đó chứng tỏ, năm nay, Huế đã nhận thấy và ý thức sâu sắc rằng chính kinh đô Phú Xuân - Huế xưa mới là cái nôi sản sinh ra áo dài, nơi ban hành chỉ dụ và lệnh cho cả nước mặc thống nhất bộ thường phục ấy. Nay, các lãnh đạo của tỉnh diện áo ngũ thân vừa là để tôn vinh văn hóa trang phục truyền thống vừa là để tiếp nối sứ mệnh lịch sử còn đang dang dở.
Vậy là lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước 1975 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mặc bộ đồng phục áo ngũ thân nam truyền thống, khăn đóng tiếp bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam trong một nghi lễ ngoại giao trọng thể vào chiều 10/7/2020 tại UBND tỉnh.
Đó cũng chính là tinh thần mà ông đã nói đại ý tại buổi hội thảo chiều ngày 8/7/2020: “Đã đến lúc chúng ta phải hành động và hành động quyết liệt. Trong mấy ngày diễn ra festival về áo dài vào cuối tháng 8/2020 sắp tới, tôi sẽ khích lệ toàn dân (cả nam và nữ) Huế mặc trang phục áo dài nghênh đón quý khách trong nước và quốc tế và tạo ra một hình ảnh đậm chất Huế. Tôi xin hứa từ nay về sau, trong các nghi lễ đón tiếp ngoại giao, tôi sẽ là người đầu tiên mặc trang phục truyền thống. Chúng ta phải bước qua định kiến, vượt qua cái ngưỡng...”.
(Còn tiếp)
Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường
loading...