A+ A A- Kiểu đọc sách

TT Huế bảo tồn phố cổ Bao Vinh: Muộn còn hơn không

08:10 16/09/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Từ một khu phố cổ nổi tiếng với những ngôi nhà có kiến trúc truyền thống độc đáo, hiện Bao Vinh chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 15 công trình. Nhiều ngôi nhà mới, hiện đại mọc lên đã phá vỡ diện mạo cảnh quan của một không gian cổ kính.

Hà Nội đục thí điểm 5 vòm cầu đường sắt để mở rộng không gian văn hóa phố cổ

Hà Nội đục thí điểm 5 vòm cầu đường sắt để mở rộng không gian văn hóa phố cổ

Ngày 17/8, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã triển khai đục thông thí điểm 5 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên, làm cơ sở mở rộng không gian văn hóa phố cổ Hà Nội.

Dù đã được quy hoạch trong suốt hơn 20 năm qua, nhưng đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế mới bắt tay thực hiện kế hoạch chỉnh trang, bảo tồn công trình này. Tuy có muộn, nhưng vẫn còn hơn không làm gì.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Ngọc Trác, chủ nhân nhà cổ 55 Bao Vinh cho biết, nhiều cấu kiện gỗ của căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng

Chỉnh trang không gian phố cổ

Những công trình kiến trúc xưa ở Bao Vinh có nhiều nét tương đồng với nhà cổ Hội An. Đó là những nếp nhà kiểu phố chợ, sườn gỗ và lợp mái ngói thấp, phần lớn được xây dựng từ thời Nguyễn. Riêng dãy nhà dọc dòng Hương Giang có kiến trúc kiểu nhà tứ giác, mặt nhà quay ra hướng sông.

Đầu năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 10 tỉ đồng để triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhà cổ và đồ án thiết kế đô thị khu vực này. Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho biết, chính quyền địa phương và các ngành chức năng vừa tiến hành khảo sát để chuẩn bị cho công tác chỉnh trang, bảo tồn giai đoạn I. Dự kiến sẽ giải tỏa 48 nhà dân dọc sông Hương, chỉ giữ lại 7 nhà tứ giác; cùng với đó sẽ xây dựng, chỉnh trang các bến thuyền để đón du khách đến tham quan bằng đường thủy. Chính quyền địa phương cũng kiến nghị thêm việc thực hiện sửa chữa, chỉnh trang đình làng Bao Vinh là “cửa ngõ” lối vào phố cổ.

“Việc chỉnh trang cảnh quan là kế hoạch giai đoạn I, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn trong tương lai. Qua đó, sẽ góp phần phát huy giá trị của không gian phố cổ, xây dựng sản phẩm du lịch và tour tuyến đến với Bao Vinh”, ông Giàu chia sẻ. Theo đại diện xã Hương Vinh, việc chỉnh trang sẽ tính toán kế hoạch xây dựng các bãi đỗ xe, nhằm hướng đến việc xây dựng mạng lưới giao thông hài hòa, hạn chế các phương tiện đi vào khu vực phố cổ. Trong kế hoạch đề án “Ngày hội Áo dài Huế” của tỉnh Thừa Thiên Huế, khu phố cổ Bao Vinh được chọn là địa điểm để triển khai chương trình Áo dài trong sinh hoạt đời thường, với việc tái hiện các hoạt động sinh hoạt, mua bán, trao đổi hàng hóa, thưởng thức ẩm thực dân gian…

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian còn lại của năm 2020 không nhiều nên chính quyền địa phương và các ngành tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế về bảo tồn và phát huy giá trị đô thị phố cổ Bao Vinh. Đồng thời, lập dự án giải tỏa các hộ dân lấn chiếm dọc bờ sông Hương.

Chú thích ảnh
Một số căn nhà với kiến trúc truyền thống độc đáo trên phố cổ Bao Vinh

Xây dựng đề án bảo tồn nhà cổ

Thông qua chính sách của đề án “Phát huy giá trị nhà vườn Huế”, công tác bảo tồn nhà vườn tại TP Huế và bảo tồn, phát huy nhà rường ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) thời gian qua đã được thực hiện khá bài bản, thuận lợi và bước đầu có những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, những ngôi nhà cổ tại Bao Vinh lại không có trong danh mục được hỗ trợ của đề án này. Trong khi đó, số lượng nhà cổ có lối kiến trúc đặc trưng nơi đây hầu hết đã bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng; nhiều nhà buộc phải tháo dỡ để xây mới nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo thống kê của UBND xã Hương Vinh, tính đến nay Bao Vinh chỉ còn hơn chục ngôi nhà cổ, nhưng phần lớn đều trong tình trạng bị hư hại. Vào năm 2008, có nguồn quỹ của Thượng nghị viện Pháp hỗ trợ trùng tu 3 ngôi nhà, còn lại nhà nào hư hỏng thì chủ hộ tự sửa chữa theo từng hạng mục. Việc sửa chữa kiểu tạm thời, chắp vá này đã ít nhiều khiến cho cấu trúc các công trình nhà cổ không đồng nhất và làm mất đi giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc vốn có.

Ông Nguyễn Ngọc Trác (68 tuổi), chủ căn nhà cổ ở 55 Bao Vinh cho biết, căn nhà này có từ thời ông nội của ông, giờ đã qua 5 thế hệ, vì muốn gìn giữ “di sản” của tổ tiên nên ông không muốn tháo dỡ để xây mới. Thế nhưng do nhà có hệ sườn gỗ nên qua thời gian đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hư hại phần nào ông sửa chữa phần đó chứ không có đủ kinh phí thực hiện trùng tu toàn bộ. Nếu bây giờ mà tháo ra thì mức độ hư hỏng lên đến 50% cấu kiện của toàn bộ căn nhà. “Hai vợ chồng già chúng tôi sống ở đây cùng mấy đứa cháu ngoại, con cái thì đi làm ăn xa cả. Chúng tôi rất mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng có các chính sách để hỗ trợ người dân có nhà cổ ở Bao Vinh trùng tu, bảo tồn và giữ gìn di sản của ông cha”, ông Trác bày tỏ mong muốn.

Gia đình ông Lê Quang Chất, 73 tuổi, ngụ tại 105 Bao Vinh thì may mắn hơn khi là một trong những hộ dân được hỗ trợ tu bổ nhà cổ từ Thượng nghị viện Pháp vào năm 2008. Ông Chất cho rằng: Công trình nhà cổ ở Bao Vinh chính là “hồn cốt” của phố cổ đất Cố đô, nhưng suốt nhiều năm qua không được quan tâm nên cứ mai một dần. Bây giờ, tỉnh cần nhanh chóng xem xét hỗ trợ người dân trong công tác bảo tồn, dù có muộn nhưng còn hơn không làm gì.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp với UBND thị xã Hương Trà lập đề án về bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ ở Bao Vinh. Do các nhà cổ ở đây có thiết kế khác so với nhà vườn Huế, nên việc lập đề án có những nét riêng. Trong đó, ngoài việc xác định khối lượng công việc, cần nghiên cứu kỹ các chính sách để hỗ trợ, phát huy giá trị nhà cổ, hỗ trợ sinh kế cho người dân nơi đây. 

Theo Báo Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...