loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Trương Nguyên Ngã tức là Trương Bách Tường, một họa sĩ tự học, đã kể chuyện Hội An bằng tranh suốt 25 năm qua. Sáng 23 và 24/5/2020 tại phòng tranh riêng ở 57 Trần Phú, Hội An, Trương Nguyên Ngã đã có 2 buổi ra mắt cuốn biên khảo Hội An loanh quanh chuyện phố. Bắt đầu cầm bút viết về Hội An từ năm 2012, đã in nhiều bài trên các tạp chí, nhưng Trương Nguyên Ngã chỉ nói: “Tôi thử kể chuyện Hội An bằng trang viết”.
Từ ngày 8/9/2017 đến ngày 30/9/2017 tại bùng binh An Hội, Hội An, Quảng Nam sẽ diễn ra triển lãm tranh “Góc nhỏ Hội An 2” với chủ đề “Góc phố họa sĩ”.
Cuốn sách gồm 3 phần: Ẩm thực trên phố, loanh quanh chuyện phố và tìm về chuyện cũ. Bên cạnh các bài viết là hơn 80 bức ảnh về đất và người Hội An qua các thời kỳ, do tác giả chụp và sưu tầm từ nhiều nguồn. Ngoài tự học hội họa và viết văn, nhà văn Trương Nguyên Ngã (sinh 1966) còn là một cây guitar bass tự học có tiếng tại Hội An, chơi thường xuyên trong ban nhạc Quê nhà.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Trương Nguyên Ngã.
* Thưa anh, ý tưởng về cuốn sách này đến với anh như thế nào?
- Năm 2012, tôi có cơ duyên trò chuyện khá nhiều với một vị khách ngoại quốc, lúc chia tay, ông ta nói: “Bạn cố gắng viết đi, viết lại những gì mình được nghe, được thấy, viết ra những tìm tòi và suy nghĩ của bạn. Bởi nếu không viết, 10 năm nữa thôi bạn sẽ phải… hối hận”.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng tôi chọn cách sưu tầm lại những câu chuyện, những con người, những địa điểm ở Hội An trong vai trò là người kể chuyện.
Qua nhiều năm ở trong phố, tiếp xúc với đủ các giai tầng trong và ngoài nước, tôi nhận ra một điều là đa số thích nghe, thích đọc những câu chuyện về nơi mình đặt chân đến để thỏa mãn tò mò và sự ưa thích khám phá văn hóa chiều sâu của nơi đó, hơn là sách chuyên ngành. Vậy là… tôi thử kể chuyện Hội An bằng trang viết.
* Với một người Hội An yêu Hội An như anh, viết về Hội An hẳn có những thuận lợi. Nhưng những khó khăn là gì?
- Nhờ được sinh ra và suốt đời vẫn sống ở Hội An, trừ vài năm lăn lóc nơi đất khách, nên tôi có một thuận lợi là hầu như quen biết hầu hết những người dân trong phố. Họ chính là những người đang lưu giữ những thông tin, hình ảnh và những câu chuyện của Hội An vàng son một thuở.
Tuy nhiên, để tiếp cận được những cái họ đang lưu giữ là điều không phải dễ dàng, bởi người Hội An rất khó tính và cực kỳ dè dặt khi trao đổi thông tin, họ sợ chuyện họ cung cấp sẽ trở nên… vô bổ. Ban đầu vì nể và sợ mất lòng, họ chỉ cho vài thông tin nhỏ giọt và rồi họ quan sát những chuyện tôi làm. Mãi cho đến khi họ nhận ra được bản chất công việc của tôi chỉ đơn giản vì muốn giữ lại những ký ức cho thế hệ tương lai, thì họ chẳng còn tiếc gì hết, họ kể hết, cho hết các hình ảnh. Thậm chí họ còn cố công liên hệ, lục tìm thêm những tài liệu có liên quan để cung cấp cho mình. Cái đáng yêu của dân Hội An là vậy.
Vấn đề cực khó nữa là tôi chưa từng cầm bút, nên kể chuyện bằng miệng thì dễ, nhưng viết lại những câu chuyện đó là điều khác hẳn, không đơn giản chút nào. Sau 8 năm, những người bạn đã từng cầm bút dần dần hướng dẫn, góp ý, chia sẻ những kinh nghiệm nên tôi mới tập tành viết được. Cảm ơn những người bạn này rất nhiều.
* Anh nghĩ Hội An có những nét quyến rũ nào về văn hóa, nghệ thuật, đời sống mà những người ít gắn bó, hoặc du khách thường khó nhận ra?
- Hội An là một nền văn hóa tổng hợp, đa chiều kích, do được chắt lọc và kết tinh từ bản địa với các xu hướng du nhập qua nhiều thời kỳ. Chính vì vậy, nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” vài ngày thì sẽ khó nhận ra những nét chiều sâu trong quan hệ cộng đồng ở nơi đây. Thực sự từ những năm 2015 trở về sau, do sự phát triển “quá nóng và quá tải” của kinh doanh du lịch, nên vô hình trung có sự tách rời ngày một sâu rộng giữa văn hóa kinh doanh và văn hóa bản địa tại Hội An. Đây quả là điều đáng tiếc.
* Anh có khi nào thử cắt nghĩa là vì sao một đô thị đặc biệt như Hội An mà còn quá ít sách vở, công trình, bài viết nghiên cứu, giới thiệu?
- Thực ra thì những tác phẩm văn chương, bài viết, công trình nghiên cứu về Hội An nói chung cũng khá nhiều, rất chuyên nghiệp và đầy chất lượng. Rất tiếc là những tác phẩm, công trình đó chưa được tập hợp, ra mắt một cách khoa học, chuyên nghiệp. Đồng thời vì nhiều lý do khác nhau nên nó chưa tiếp cận được với công chúng. Mặt khác, do những tác phẩm, công trình đó thuộc về dạng nghiên cứu chuyên ngành như đã nói ở trên, nên cũng rất kén độc giả, vì vậy nên nhìn chung dễ gây nên cảm giác rằng sách và bài viết về Hội An thiếu và yếu.
* Sau khi “thử kể chuyện Hội An bằng trang viết”, anh có định viết tiếp không?
- Khi cuốn sách đầu tay này trình làng, qua những phản hồi của độc giả, tôi chợt nhận ra rằng tạm thời mình đang đi đúng hướng, nên chắc chắn sẽ đeo bám theo xu hướng này. Tôi vẫn luôn hy vọng rồi một ngày, những tài danh yêu mến Hội An sẽ lần lượt đóng góp bài vở, tác phẩm của họ để xây dựng một tủ sách chuyên đề về Hội An. Đây không phải là mong muốn của một cá nhân, mà chắc chắn là mong muốn của cộng đồng và của cả những người yêu mến Hội An.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Văn Bảy (thực hiện)
loading...