Ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục tại thành phố Hải Dương
Ngành giáo dục thành phố Hải Dương đã ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Từ năm học 2023 - 2024 việc quản lý, sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy được thành phố Hải Dương đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở cả 3 cấp học. Các trường mầm non trong thành phố đều sử dụng phần mềm quản lý dinh dưỡng, ở cấp tiểu học thực hiện học bạ điện tử; 21 trường số hóa thư viện; 11 trường số hóa hồ sơ sổ sách; hơn 40% cán bộ quản lý và 100% giáo viên chủ nhiệm sử dụng chữ ký số và 100% giáo viên cấp THCS ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý và giảng dạy. Ngành GDĐT thành phố Hải Dương là đơn vị đi đầu trong toàn tỉnh về ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như Montessori, STEAM, STEM, Regio Emila, Stenner…
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và dạy học, ngành giáo dục thành phố được xem là một trong những đơn vị chuyển đổi số mạnh mẽ nhất trong tỉnh Hải Dương.
Mô hình tiêu biểu phải kể đến trường Tiểu học Tô Hiệu. Với phương châm "Thư viện không chỉ là nơi các em đọc sách, Thư viện còn là nơi các em thể hiện khả năng, niềm đam mê của mình". Thư viện Tô Hiệu có riêng các chuyên mục cho giáo viên, học sinh. Bên cạnh các hoạt động truyền thống như: Hát/ biểu diễn một số bài hát được phổ nhạc từ các tác phẩm thơ; Đọc song ngữ một tác phẩm; Sân khấu hóa câu chuyện; Vẽ tranh theo bìa sách hoặc nhân vật mà em yêu thích (Vẽ truyền thống); …
Trường đã chuyển thể sách giấy sang sách điện tử, số hóa thành công 2 cuốn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 3. Tài liệu học của trường rất sinh động, cuốn hút với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Video minh họa, video tương tác, bản đồ 360, mini game, fipgrid - báo cáo bài thực hành trên không gian mạng…Chuyển thể truyện tranh thành video có sự trợ giúp của AI; Vẽ tranh theo bìa sách hoặc minh hoạ nội dung truyện bằng AI; Thiết kế tạp chí/ tạp san.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiệu, chia sẻ về việc ứng dụng CNTT trong bài giảng
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng - chia sẻ: Việc ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy đã mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả tích cực cho GV: Giảm bớt thời gian dành cho những công việc lặp đi lặp lại, không cần đến tính sáng tạo; xây dựng được kho học liệu số đáp ứng nhu cầu dạy của GV, học của HS; hỗ trợ GV trong việc phát triển chuyên môn: soạn bài, xây dựng kế hoạch… tạo ra các bài giảng sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn HS. HS có nhiều nguồn tư liệu để tự học, tự ôn tập góp phần hình thành và phát triển năng lực tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Hiện trường Tiểu học Tô Hiệu đang xây dựng kế hoạch "Trường học điển hình tiên tiến Microsoft".
Thành phố Hải Dương cũng rất chú trọng xây dựng văn hóa đọc đối với các cấp học như củng cố trang thiết bị, bổ sung sách, tài liệu; sử dụng phần mềm quản lý thư viện... Cấp Tiểu học đăng cai tổ chức Hội thảo cấp tỉnh: "Xây dựng và tổ chức hoạt động thư viện trường tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018". Điển hình là Trường THCS Lê Quý Đôn, dẫn đầu chất lượng giáo dục của tỉnh về tỷ lệ học sinh giỏi, quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống...
Câu lạc bộ yêu thích môn Lịch sử của trường THCS Lê Quý Đôn
Trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng 220 năm khởi lập Thành Đông và 70 năm giải phóng thành phố Hải Dương, các em học sinh yêu thích môn Lịch sử đã tham gia cuộc thi tìm hiểu lịch sử "Tự hào trang sử Thành Đông" do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Em Nguyễn Bảo An (Chi đội 6A) tham gia cuộc thi "Tìm kiếm đại sứ tuyên truyền về lịch sử, văn hóa Thành Đông". Trong cả hai cuộc thi trên, các em học sinh đểu đạt giải Nhất cấp Thành phố, em Nguyễn Bảo An còn đạt giải "Thí sinh được nhiều người yêu mến nhất".
Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn giành giải cao tại cuộc thi: Tự hào trang sử Thành Đông