Tuyển Việt Nam không cần ngoại binh nhập tịch?
(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa vấn đề gọi hay không gọi cầu thủ nước ngoài có quốc tịch Việt Nam lên ĐTQG lại được xới lên, với suy nghĩ “yếu trâu hơn khoẻ bò” để giải quyết thành tích trước mắt. Về bản chất, nó khác biệt hoàn toàn với cuộc so găng giữa võ sư karatedo – Đoàn Bảo Châu và võ sư Vịnh Xuân – Pierre Francois Flores. Ông Châu bị hạ “knock-out” sau chừng 2 phút thượng đài. Ở góc nhìn với môn thể thao nặng tính đối kháng – vị thành tích, rõ ràng điểm mạnh về sức vóc của võ sư Pierre Flores còn có thể là yếu tố quyết định.
- HLV Lê Thụy Hải: ‘Gọi cầu thủ nhập tịch chỉ là ăn xổi’
- Bầu Đức phản đối cầu thủ nhập tịch lên tuyển, Xuân Trường tiếp tục dự bị ở Gangwon
- Ngoại binh nhập tịch giúp SHB Đà Nẵng đại thắng Than Quảng Ninh
Bóng đá và võ thuật có những mối tương đồng, bởi cùng là môn thể thao đối kháng. Lấy ví dụ hình ảnh trong những năm đầu bóng đá Việt Nam lên chuyên, V-League ra đời và làn sóng cầu thủ người nước ngoài đổ bộ lên dải đất hình chữ S, các cầu thủ người bản địa khi va với đồng nghiệp ngoại quốc, thì nắm đến 9 phần thiệt.
Ở những pha tranh chấp tay đôi đầu tiên, có thể chưa thấy sự khác biệt lớn, nhưng trong một trận đấu cầu thủ phải va liên tục, đối đầu và đua sức liên tục, tất yếu thể lực của cầu thủ Việt Nam sẽ bị bào mòn. “Tây” cũng có nhiều dạng đẳng cấp, nhưng có một giai đoạn, chỉ cần ngoại binh cứ chạy nhanh, giỏi húc là đạt yêu cầu đề ra.
Trở lại với vấn đề mà chúng ta nêu ở đầu bài viết, trên thực tế, việc gọi tập trung các cầu thủ người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam (vắn tắt là cầu thủ nhập tịch) lên ĐTQG, đã có tiền lệ từ năm 2008, khi đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Henrique Calisto. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, tại AFF Suzuki Cup 2008 – giải đấu mà bóng đá Việt Nam lần đầu bá chủ Đông Nam Á, không còn bóng dáng bất cứ một cầu thủ nhập tịch nào trong đội hình. 10 năm qua, người trong cuộc mặc định luôn là “vấn đề tế nhị”.
Các ngoại binh giỏi từng đến Việt Nam không những giúp chúng ta nâng tầm, quảng bá giải đấu hàng đầu như V-League, mà các cầu thủ nội cũng được nâng cấp năng lực, với thời gian và cơ hội đối đầu cùng ngoại binh.
Đẳng cấp chơi bóng được cải thiện đáng kể, sức vóc cũng được nâng lên và kinh nghiệm thực chiến là yếu tố quan trọng, giúp bóng đá Việt Nam không còn cảm giác “tim đập chân run” khi đối đầu với các đối thủ hàng đầu châu lục nữa. Nếu các ngoại binh chỉ dừng lại với thiên chức ấy, kiếm tiền mang về nhà, thì chẳng đáng bàn.
Một bộ phận đáng kể, nếu không muốn nói là tất cả, các cầu thủ nhập tịch đều vì tiền và ở giai đoạn hoàng hôn sự nghiệp. Tình yêu hay khát vọng khoác áo đội tuyển Việt Nam là điều xa xỉ với họ. Người làm chuyên môn, tức các HLV, cần những cầu thủ giỏi, đấy là đương nhiên, nhưng ở góc độ quản lý hay gần hơn là người hâm mộ, bạn có muốn đội bóng của mình ra sân với 11 cầu thủ có cái tên ghép, không sõi tiếng Việt ?!
Chắc chắn là không rồi, chưa kể đến hệ lụy về mặt phát triển cho cả nền bóng đá quốc gia nếu chỉ chăm chăm trông vào nguồn “ngoại lực”.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa