Trách nhiệm với tương lai
Hàng loạt cuộc khủng hoảng từ xung đột, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… đến sự phát triển thiếu kiểm soát của công nghệ đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với cả thế giới.
Xu hướng phát triển nhanh khiến nhiều cấu trúc quản trị toàn cầu không còn bắt kịp với sự thay đổi để giải quyết hiệu quả các thách thức. Trong bối cảnh đó, các nguyên thủ quốc gia, đại diện các chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã tập trung thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc (LHQ) tại New York (Mỹ) nhằm tìm ra cách thức ứng phó với những thách thức đương đại.
Ngay trước thềm hội nghị, LHQ đã mô tả tình hình toàn cầu hiện nay là "vô cùng nguy hiểm", với khả năng chiến tranh hạt nhân bùng nổ cao hơn nhiều so với nhiều thập niên trước và cuộc khủng hoảng khí hậu thúc đẩy làn sóng di cư và làm trầm trọng thêm căng thẳng. Xung đột, bạo lực, nhu cầu nhân đạo và di dời đã lên đến mức cao chưa từng có. Ước tính 25% dân số thế giới, trong đó có 20% trẻ em, đang sống ở những khu vực xảy ra xung đột. Năm 2023 đã chứng kiến số người chết liên quan đến xung đột cao nhất trong gần 3 thập niên.
Mối nguy hiểm của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với con người và Trái Đất rõ nét hơn bao giờ hết, khi nhiệt độ cao kỷ lục, lượng mưa thất thường và mực nước biển dâng cao làm giảm năng suất mùa màng, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng và buộc nhiều cộng đồng phải rời bỏ nhà cửa. Mặc dù đây không phải là những vấn đề mới, với nhiều thỏa thuận đột phá nhằm giải quyết dứt điểm như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), song không thể phủ nhận hoạt động của các thể chế của LHQ, với đa phần trong số đó đã được thành lập cách đây nhiều thập niên, không còn như mong đợi.
Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ, sự phát triển nhanh chóng cũng đi kèm với những mối đe dọa mới, khi các công nghệ bị vũ khí hóa để gây ra tác hại tối đa trong một thế giới có sự kết nối cao. Các chuyên gia cho biết các sự cố liên quan đến ứng dụng công nghệ kỹ thuật số cho mục đích xấu đang gia tăng về phạm vi và mức độ nghiêm trọng. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử có nguy cơ bị lợi dụng. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng chỉ ra việc các công ty truyền thông xã hội buông lỏng quản lý, dẫn tới phát tán thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thiếu các quy định rõ ràng về quyền con người và chống lại tác hại trực tuyến cũng góp phần khiến nhiều nền tảng truyền thông xã hội phát triển các mô hình kinh doanh ưu tiên lợi nhuận, mà không quan tâm đến phúc lợi và sự an toàn của người dùng và xã hội.
Sự kết nối giữa các nước khiến đây trở thành những vấn đề chung của toàn nhân loại, thay vì bó hẹp trong phạm vi biên giới của một vài quốc gia. Nhu cầu cải cách càng trở nên cấp thiết khi thời hạn đạt được các SDG, với mục đích xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn vào cuối thập niên này, đang đến gần. Theo kế hoạch, đến năm 2023, đang lẽ thế giới đã đi được nửa chặng đường, song thống kê chính thức của LHQ cho thấy mới chỉ có 15% các mục tiêu đã đạt được.
Trước những thách thức này, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai với chủ đề "Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn", diễn ra trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79, được kỳ vọng là cơ hội giúp củng cố chủ nghĩa đa phương, giải quyết các lỗ hổng trong quản trị toàn cầu và tái khẳng định các cam kết hiện có, hướng đến tương lai hòa bình, an toàn và bền vững. Tại hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ, toàn diện các thể chế đa phương, tăng cường vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trong các thể chế tài chính toàn cầu, góp phần huy động đủ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các SDG, sớm xây dựng nền móng cho một khuôn khổ quản trị toàn cầu mới đối với các công nghệ mới nổi, trong đó có AI.
Là thành viên trách nhiệm, tích cực của LHQ, Việt Nam nêu 3 đề xuất, giải pháp lớn có tính chuyển đổi để thúc đẩy kết quả của hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay, gồm Chuyển đổi về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó LHQ giữ vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các quốc gia phát triển công nghệ mới; Chuyển đổi xanh, đặc biệt là công nghệ xanh, năng lượng xanh và tài chính xanh; Chuyển đổi quản trị toàn cầu để có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức hiện tại và tương lai.
Tại phiên toàn thể đầu tiên của hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, cần tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; tăng cường đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu trong các lĩnh vực phục vụ con người như y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Các thành viên LHQ đã thông qua Hiệp ước Tương lai nhằm giải quyết hàng loạt cuộc xung đột, các mối đe dọa về môi trường, cũng như những thách thức công nghệ mà nhân loại đang phải đối mặt. Đây được xem là bản kế hoạch tương lai "mang tính đột phá", khi đề ra 56 hành động bao trùm nhiều vấn đề trong đó có hòa bình và an ninh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, hợp tác số, quyền con người, thế hệ trẻ và tương lai, chuyển đổi quản trị toàn cầu. Hiệp ước nêu bật cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương LHQ và gìn giữ hòa bình; kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an LHQ, với kế hoạch cải thiện hiệu quả và tính đại diện của hội đồng, bao gồm cả việc khắc phục tình trạng thiếu hụt đại diện từ châu Phi; nhấn mạnh việc thực hiện những nỗ lực mới để ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy giải trừ vũ khí và nêu định hướng phát triển AI. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philemon Yang tin tưởng đây sẽ là "nền móng cho một trật tự toàn cầu bền vững, công bằng và hòa bình – cho tất cả mọi người và mọi quốc gia".
Đặc biệt, nội dung văn kiện có 2 phụ lục chính là Hiệp ước Số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai. Hiệp ước Số toàn cầu đánh dấu thỏa thuận đầu tiên về quy định quốc tế liên quan AI, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo các công nghệ AI được sử dụng một cách có trách nhiệm. Trong khi đó, Tuyên bố về các thế hệ tương lai tập trung vào việc đảm bảo phúc lợi cho các thế hệ tương lai, với các bước cụ thể để đưa các thế hệ tương lai vào quá trình ra quyết định, thúc đẩy công bằng giữa các thế hệ. Những văn kiện mang tính toàn diện này được kỳ vọng mở ra "con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại".
Trước loạt thách thức đan xen, khủng hoảng diễn biến nhanh như hiện nay, hợp tác và đoàn kết quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách xã hội, đáp ứng nhu cầu người dân và ứng phó hiệu quả hơn với các vấn đề cấp bách. Đó là cách để mỗi quốc gia thể hiện trách nhiệm trong việc kiến tạo tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau.