'Cơn bão' khủng hoảng lương thực đe dọa thế giới
Theo nhận định của Liên hợp quốc (LHQ), xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực. Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến người dân, quốc gia và những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất, đồng thời cũng giống như "một cơn bão" đe dọa phá hủy nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển.
Mất an ninh lương thực nghiêm trọng
Các số liệu của LHQ cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do tình trạng Trái Đất nóng lên và đại dịch COVID-19. Chỉ trong 2 năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi - từ 135 triệu người hồi trước đại dịch lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay.
Hơn 500.000 người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016. Hiện những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ngày càng "khuếch đại" và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và bất bình đẳng. Điều này đồng nghĩa hàng chục triệu người sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, kéo theo là tình trạng suy dinh dưỡng và nạn đói hàng loạt trong một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm.
Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cảnh báo thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trước những tác động tổng hợp của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột ở Ukraine. Ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu cũng trong tình trạng đáng báo động. Vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu càng trở nên đáng chú ý khi có tới 400 triệu người ở 43 quốc gia trên thế giới đối mặt với nạn đói. Theo ước tính, nạn đói cứ tăng 1% thì có thể phải chứng kiến 2% lượng di dân. WEF khẳng định cần phải có những hành động ngay bây giờ tránh viễn cảnh an ninh lương thực càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc đó nạn đói có thể ở khắp thế giới chứ không chỉ những nước nghèo như trước kia.
Tính riêng trong năm 2021, gần 700 triệu người, tương đương 9% dân số thế giới - với gần 2/3 trong số đó sống ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi - sống dưới mức 1,90 USD mỗi ngày - mức đặc biệt đói nghèo theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB). Giá lương thực gia tăng đáng kể có thể khiến hàng triệu người quay trở lại cuộc sống đặc biệt đói nghèo. Một báo cáo của Standard & Poor’s dự báo cuộc khủng hoảng lương thực sẽ kéo dài đến năm 2024 và có thể lâu hơn nữa. Báo cáo này cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế và xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cũng cảnh báo thế giới về một "nạn đói" sắp xảy ra, trong đó thêm 47 triệu người - chủ yếu ở vùng Sừng châu Phi, Sahel, Afghanistan và Yemen - có thể bị đẩy vào tình trạng đói nghiêm trọng.
Cần hành động toàn cầu
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Tại Ukraine, nơi được coi là "vựa" lúa mỳ của châu Âu, xung đột đã khiến lúa mỳ chưa thu hoạch được, trong khi các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách. Ước tính sản lượng ngũ cốc của Ukraine vụ mùa này có thể giảm hơn 50%. Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng trên thế giới. Việc hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu. Nông dân ở Brazil, Mỹ và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón và điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa sau này.
Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine làm gián đoạn thị trường lương thực toàn cầu, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hồi đầu tháng 6/2022 đã kêu gọi hành động nhanh chóng và kiên quyết để đảm bảo lưu thông lương thực thông suốt. Ông Guterres nhấn mạnh cuộc khủng hoảng lương thực không thể được giải quyết một cách hiệu quả khi các loại phân bón và lương thực của Nga cũng như của Ukraine không thể tiếp cận thị trường thế giới.
- Đức cảnh báo giá lương thực tăng cao nhất từ trước tới nay
- Giá lương thực có thể đẩy 10 triệu người Mỹ vào cảnh nghèo đói
- FAO cảnh báo những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực do xung đột ở Ukraine
Tổng thư ký LHQ khẳng định, cần có những hành động nhanh chóng và kiên quyết để đảm bảo nguồn cung ổn định các loại lương thực cho toàn thế giới, thông qua những biện pháp như dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu, phân bổ nguồn cung dư thừa và nguồn dự trữ cho những nhóm dân số dễ chịu tổn thương, khắc phục tình trạng tăng giá lương thực để ổn định thị trường. Trên thực tế, không có giải pháp hiệu quả giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng lương thực nếu không đưa ngành sản xuất lương thực của Ukraine hay ngành sản xuất thực phẩm và phân bón Nga trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu bởi Nga và Ukraine là các quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, đảm đương khoảng 30% nguồn cung lúa mỳ toàn cầu.
Tổng thư ký Guterres đã từng cảnh báo các cuộc xung đột hiện vẫn là yếu tố lớn nhất dẫn tới tình trạng gia tăng đói nghèo trên toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến "một cơn bão hoàn chỉnh" gồm xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, làm gia tăng đói nghèo và giá lương thực tăng cao. Việc đảm bảo nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong năm tới nếu không chú trọng đến việc tăng sản lượng, ổn định thị trường và tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Đại hội đồng LHQ hồi cuối tháng 5 đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay. Nghị quyết này kêu gọi cộng đồng quốc tế coi an ninh lương thực toàn cầu là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự và hỗ trợ các nỗ lực đa phương tìm kiếm các giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng…
Minh Trà/TTXVN (Tổng hợp)