Tản văn cuối tuần: Nhà gianh vách đất
Bốn chữ “nhà gianh vách đất” nói về cái nghèo một thời ở nông thôn đã gần như là một thành ngữ về cuộc sống dung dị của 90% dân mình. Ấy là không gian ở của người nông dân vùng châu thổ và trung du phía Bắc nước ta từ ngàn năm lại đây.
“Nhà tranh gốc mít”cũng là một ước vọng vượt lên bần hàn của người thôn quê.
“Một mái nhà gianh, hai trái tim vàng”, lại là một ước mong lãng mạn khác thật là đẹp của tình yêu đôi lứa vượt qua gốc mít, thật yêu đời. Nhưng chắc chắn ý đó xuất phát của người từ quê ra phố chứ người nhà quê xịn chẳng có mấy thời giờ để mà lãng mạn. Nhưng nó cho ta nhận ra về sự nhớ nguồn. Ai mà chẳng có nguồn gốc từ nông thôn, từ nhà tranh mái rạ mà ra.
Mãi sau này qua vùng trung du tôi mới thấy thêm mái nhà lợp cỏ gianh, vì chỉ vùng trung du mới có những đồi cỏ gianh bạt ngàn, còn về đến đồng bằng, mái nhà chỉ lợp rạ. Rạ là phần thân lúa còn lại sau vụ gặt. Dùng lá cọ lợp mái thì chỉ vùng Phú Thọ, trung du và một số vùng núi đất. Bây giờ cây cọ cũng ít dần vì lá cọ không còn cần như trước nữa. Lợp nhà, ngoài mái ngói từ xa xưa, nay có thêm mái tôn và Fibro xi măng thay thế. Vùng đồng bằng trước dùng rạ lợp nhà, còn thì để đun bếp thì bây giờ cũng không cần nữa. Cuối vụ, rạ được đốt để làm phân bón ruộng.
Nhà đất giờ cũng ít nơi còn. Xi măng lên núi, vùng cao người ta cũng xây tường gạch, nền xi măng hoặc lát gạch hoa. Ngôi nhà bây giờ ấm cúng an toàn hơn xưa rất nhiều.
***
Trở lại với nhà tranh vách đất xưa.
Bây giờ, lứa tuổi 7x trở đi hầu như chả mấy người biết nhà tranh vách đất, vì từ lâu nhiều nơi những ngôi nhà như thế không còn. Thuở nhà tranh tre nứa lá ấy, nông thôn thường làm nhà một gian hai chái. Nhà khá giả thì ba gian hai chái, khung nhà gỗ xoan. Nhưng tường nhà chỉ thưng nứa tép trát đất. Rơm rạ được ngâm nước cho mềm nhũn, rồi nhào với đất bùn làm nguyên liệu vắt lên khung nứa tép dựng dọc dàn ngang buộc bằng lạt giang. Trát xong vài tuần đất khô dần thế là thành bức vách nhà.
Nhà tranh vách đất là vậy. Vách nhà chỉ dày chừng năm bảy phân nên khó ngăn cái lạnh mùa Đông. Chỉ đến thời nhà ngói sân gạch thì ngôi nhà mới kín đáo ấm áp hẳn.
Nhà mái rạ hay mái gianh, mái gồi, mái nứa chống nắng tốt, không hấp nóng như mái tôn và mái Fibro xi măng, nhưng độ bền vững thì kém nhiều. Ngày trước mái rạ được ba bốn năm phải lợp lại. Nếu lợp bằng gianh nứa hay lá cọ thì bền hơn nhưng cũng chỉ khoảng dăm bảy năm.
Sau thời nứa tép có vôi cát sẵn thì vách nhà được thay bằng vách tooc-xi (torchis) . Vách tooc-xi không có nứa tép thưng mà ghép bằng cốt tre đan, rồi trát bằng vữa vôi cát, có cứng hơn nhưng mỏng hơn, không đủ sức chống trộm. Hậu vách đất, có hơn chút về khoa học kĩ thuật, nhưng cũng chỉ là bưng be cho kín đáo. Cho đến khi có gạch xây thì khái niệm tường nhà mới xuất hiện. Có tường nhà thì căn nhà vững chãi hẳn lên.
- Tản văn cuối tuần: Giần sàng Thúng mủng nong nia
- Tản văn cuối tuần: Nhớ ông phó cối
- Tản văn cuối tuần: Cái quạt thóc một thời
Bây giờ nhà gianh vách đất cơ bản đã đi vào quá khứ. Thay thế vách đất là thời của tường gạch xi măng. Xưa tường ngăn cách trong làng, có chỗ làm đất thay rào cây ô rô, cúc tần, vách nhà cũng vậy, cũng dùng đất trộn rơm rạ, nhưng tất cả đã dần thay đổi.
Cuộc sống là một dòng chảy không cùng nhưng vẫn trong vòng “luân hồi” khép kín. Vẫn là nơi ở trên mặt đất, nhưng qua thời chui hang “ăn lông ở lỗ”, sau đến túp lều rồi đến nhà tranh vách đất. Còn bây giờ là nhà tường gạch, xi măng, mái ngói. Biết đâu mai đây lại có những vật liệu siêu nhẹ, siêu bền, siêu vững chắc và kín đáo thay thế, rồi kiểu cách cũng thay đổi … Ai mà biết được!
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức