Tản văn cuối tuần: Giần sàng Thúng mủng nong nia
Thời nào cũng có cái riêng. Chuyện về những dụng cụ gia đình ở nông thôn liên quan đến song mây tre nứa đã thấy đủ thứ: Thúng, mủng, giần, sàng, rổ, rá, nong, nia, mẹt, dậu, xảo, thạ, giỏ, sọt... Đấy là chỉ kể vật dụng chính trong mỗi nhà ở thôn quê... Đó là cái riêng của thời vừa qua.
Mỗi loại đều có tính năng sử dụng vào nhiều việc.
Thúng dùng đựng thóc và dùng vận chuyển. Thúng đan lóng đôi, nan dày dặn, ken khít. Đó là đồ dùng thiết yếu ở thôn quê, nhà nào cũng có vài cặp. Một thúng thóc có khối lượng là 20 đấu. Đấu là đơn vị đo lường trao đổi trên thị trường trước đây. Với 4 bơ sữa bò đong có ngọn, đấu thóc tương đương với 1,2 kg. Đấu gạo thì 4 bơ sữa bò gạt bằng, tương đương 1 kg. Cách nay 60 - 70 năm, đong gạo dùng đấu chứ chưa đâu dùng cân. Chưa ai biết đến cái cân. Đấu lúc đầu là đấu gỗ tiện.
Thúng còn có loại thúng cái, to hơn thúng thông thường. Thúng cái chủ yếu dùng để chứa thóc sắp đem xay giã. Còn thúng đi chợ là thúng nhỏ.
Mủng là đồ đan bằng tre hoặc giang nứa, cật lòng đều được. Cật thì bền hơn. Mủng đáy vuông, nan bẹt mỏng, đan lóng đôi. Mủng nói chung thường nhỏ dùng trong nhà đựng cái vặt vãnh hoặc thóc lép chăn gà, cầm một tay được.
Giần, đường kính sáu bảy mươi phân, cũng đan nan giang chuốt kĩ, lóng mốt, mắt vuông, chỉ có thể cho hạt tấm nhỏ đi qua. Giần dùng vào lần cuối sau khi sàng, chắt lấy hạt gạo sạch cất hũ nấu ăn dần.
Sàng đan lóng mốt như giần, to bằng giần. Sàng dùng để tách nhanh cám sau khi gạo vừa giã xong, vì thế mắt sàng phải thoáng. Sàng xẩy là việc lọc cám ra khỏi gạo và “chắt” sạch những hạt thóc còn lọt lưới khi xay là việc của phụ nữ trong nhà, những bà mẹ khéo tay. Khi sàng, nhịp tay xoay cho gạo nảy trên sàng theo một chiều xoáy đẩy những hạt thóc sót chụm vào giữa sàng rồi bốc ra.
Rổ để đựng rau cỏ và các đồ ăn. Miệng rổ hẹp, đường kính hai ba mươi phân tùy loại dùng rửa rau, xúc tép, bắt cá. Rổ bưng trên tay, cắp nách nhẹ nhàng. Rổ đan nóng mốt bằng nan giang chuốt nhẵn, dẻo bền, mắt thưa để nước thoát nhanh. Thưa ở mức chỉ lọt được hạt thóc hạt gạo hạt đỗ xanh. Vành rá nứt (buộc) bằng dây mây. Phần lớn những đồ dùng trong nhà, cạp buộc đều dùng dây mây dai bền, chịu nước và sau khi thít thì chặt thì ít bị thôi ra...
Rá cũng đan nan giang (hoặc tre) nan tròn như tăm ken khít. Rá dùng vo gạo, hạt tấm cũng không thể lọt vì rá không có mắt như rổ.
Nong to đường kính hai ba mét, dùng phơi thóc, đặt ngay trên mặt sân hoặc mặt sàn. Còn nia thì nhỏ. Đường kính chừng non mét, dùng khi sàng sẩy gạo. Nia đan khó hơn nong. Nia mềm mỏng và hình thức đẹp. Nan đan nia phải chuốt trơn chứ không thô ráp như nan đan nong. Vừa đan vừa dồn bằng nêm cho thật khít, nên cả hai đồ dùng này thường đan lóng đôi hoặc lóng ba. Đan nia thường bắt nan từ giữa tỏa ra. Thợ đan giần sàng nia đều phải là những tay thợ khéo từ vót nan bổ nứa pha tre.
Còn cái mẹt thì cũng chỉ to bằng giần sàng, nan bẹt chuốt mỏng, đan lóng đôi chắc chắn. Mẹt dùng vào việc phơi những thứ lặt vặt trong nhà như bột, vừng, nấm, ớt, măng mộc, nhĩ. Có khi mẹt còn được dùng làm mâm trong bữa ăn.
Xảo đan nan tre dầy chắc, đan lóng mốt, mắt xảo to và thoáng, gọi là đan mắt cáo. Xảo dùng để gánh phân hoặc dùng khi thu hoạch khoai sắn. Còn thạ, giỏ là những dụng cụ nhỏ hơn dùng khi mò trai, xúc tôm bắt cua, cá là việc thường ngày.
Dậu đan nan tre hoặc giang nứa. Nhưng thường là tre, cật lột mỏng dùng rất bền. Đáy dậu vuông nhưng đan bắt khum lên hình tròn, cao khoảng 30 phân. Dậu có hai quai để xâu đòn gánh. Người vùng trung du và miền núi hay dùng dậu gánh để khỏi vướng vấp khi đi trên đường gập ghềnh khỏi lo vướng cây cỏ ven đường. Gánh bằng đôi dậu dễ đi hơn đôi quang gánh của người miền xuôi.
Bên cạnh rổ, rá, nong, nia, mẹt, xảo, dậu,... dụng cụ thô sơ dễ làm nhất trong đồ đan là cái sọt. Nó dường như sinh ra cho người tập đan lần đầu. Hình thức sọt đơn giản, nan to thô ráp cứng cáp. Sọt xưa dùng gắp phân trâu phân bò, nhặt phân bắc. Các cụ xưa nhắc con cháu lười học, ngu dốt chỉ làm nghề hót phân. Ấy là cay nghiệt lắm.
Có một vùng quê Kinh Bắc nổi tiếng nghề đan giần sàng là làng Chờ trên Bắc Giang. Nơi ấy giần sàng nong nia làm ra được coi như hàng mẫu. Nhưng tôi chưa lần được đến chợ Chờ. Không biết bây giờ làng còn giữ được nghề đan không.
- Tản văn cuối tuần: Nghề 'đánh giậm' xưa và nay
- Tản văn cuối tuần: Nhớ ông phó cối
- Tản văn cuối tuần: Cái quạt thóc một thời
Nông thôn xưa còn có nghề đan cót, đan bồ chứa thóc. Đan bồ dồn nan nứa cứng phải dùng dùi đục! Miền núi thì đan đệm to để phơi thóc trên sàn ngoài trời to bằng bốn tấm chiếu cói, nan bằng cây mây, cây mai, hi hữu cũng dùng tre. Tất cả đều là những đồ dùng thiết yếu cả.
Kể tạm vài thứ đồ đựng trong nhà trước đây thấy toàn những vật dụng có tên cùng nghề đan có ở khắp nơi. Đấy, từng ấy đồ dùng từ giang, tre, nứa, song, mây với bao nhiêu tính năng sử dụng tưởng chẳng bao giờ phải thay thế... Vậy mà bây giờ đồ nhựa, đồ inox lên ngôi, giần, sàng thúng, mủng không cần vì gạo có máy xát... Miền núi đến cái quẩy tấu đi nương bây giờ cũngdần thay bằng đồ nhựa Trung Quốc! Nghề đan đang dần thất truyền.
Nhớ quê hương đôi khi chỉ là những đồ dùng thường nhật đó. Đồ đan lát dùng trong truyền thống cũng đã góp phần làm nên văn hiến đất nước đấy. Ai bảo đồ đan mây, tre, giang, nứa là chuyện nhỏ?
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức