Tản văn cuối tuần: Cái quạt thóc một thời
Thăm Việt phủ Thành Chương, bất ngờ gặp cái quạt giấy dùng quạt thóc, cái quạt mà đã dần mờ trong kí ức tôi, nếu nó không được nhắc lại trên bức vách.
Loại quạt này không phải quạt giấy trong thơ Hồ Xuân Hương. Quạt vuông to, có hai tay cầm khi quạt. Quạt được phất giấy và keo dán là nhựa cây sắn thuyền. Nhựa cây sắn thuyền là loại keo dùng quét thuyền nan chống ngấm nước. Ngày trước khi chưa có quạt thì đợi hôm có gió to, người ta kê ghế đứng cao đón gió,rê thúng thóc. Gió sẽ phẩy những hạt lép ra phía ngoài, còn hạt chắc thì rơi thẳng. Nhưng như thế hạt lửng vẫn lẫn lại. Khi có sáng kiến phất chiếc quạt giấy, đó là bước tiến mới trong xử lý lọc hạt lép ra khỏi thúng thóc. Đó là công nghệ sàng lọc mới của người nhà quê.
Tôi đã ngồi xem bố làm chiếc quạt giấy quạt thóc. Nó cũng thật đơn giản. Những nan quạt được lột ra từ nứa hoặc tre thật mỏng thật dẻo rồi chuốt cho nhẵn, cốt cho đàn hồi tốt, khi quạt sẽ tạo nhiều gió. Khung quạt hình thành, nan tre được ghép vào rồi mới phất giấy dính keo nhựa sắn thuyền lên đó.
Người quạt đứng thấp, người bê thúng thóc đứng trên ghế cao, nghiêng thúng đổ dần. Quạt phải liền tay, hợp lực với gió trời để đẩy hạt lép hạt lửng rạt hẳn ra phía trước. Sau này phát kiến ra quạt hòm thì việc lọc thóc lép giữ hạt mẩy, tốt và nhanh hơn nhiều. Quạt hòm đóng bằng gỗ là một sáng tạo khá hoàn hảo, hoạt động như một cỗ máy, quạt thóc nhanh gấp vài chục lần.
- Tản văn cuối tuần: Cái ấm tích
- Tản văn cuối tuần: Chuyện cái cày
- Tản văn cuối tuần: Con cóc & tai voi
Nhắc lại để biết, có miếng ăn, nông thôn xưacũng trải qua nhiều vất vả trong cải tiến đồ dùng vật dụng để xử lý hạt thóc sang hạt gạo và nấu thành cơm. Cái cối xay cũng là thứ máy móc thô sơ để chế biến thóc thành gạo. Sau này có máy xay xát dùng điện thì nghề đóng cối cũng dần thất truyền.
Để có bát cơm, hạt thóc trồng được cũng phải sàng lọc xay giã tam tứ bận mới thành miếng ăn!
Họa sĩ Đỗ Đức