Sự vĩ đại trên sân đất nện vô tình khiến những phẩm chất thiên tài của Nadal bị lãng quên
Nếu có thể đúc kết sự nghiệp của Rafael Nadal một cách ngắn gọn, thì đây có thể là đáp án chính xác nhất: Sự vĩ đại trên sân đất nện đã vô tình che mờ những phẩm chất thiên tài khác của anh.
Trong suốt 23 năm sự nghiệp, Rafael Nadal đã giành được 22 danh hiệu Grand Slam trên ba mặt sân khác nhau, cùng một huy chương vàng Olympic và 92 danh hiệu ATP. Anh mạnh mẽ nhất trên mặt sân đất nện, giành được 63% số danh hiệu của mình trên sân này và thiết lập chuỗi 81 trận thắng liên tiếp từ tháng 4/2005 đến tháng 5/2007. Đây vẫn là kỷ lục về chuỗi trận bất bại dài nhất trên một mặt sân trong Kỷ nguyên Mở.
Ngoài vinh quang, Nadal cũng đã phải chiến đấu với cơ thể của chính mình suốt sự nghiệp, với những chấn thương cả cấp tính lẫn mãn tính, vốn đã ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo sự nghiệp và cả cách anh chơi quần vợt.
Vị vua đất nện. Chiến binh. Con bò tót Tây Ban Nha. Tất cả những biệt danh này đếu đúng với Nadal. Tuy nhiên, nếu chỉ mô tả Nadal bằng những từ ngữ này thì sẽ là một sự thiếu sót nghiêm trọng đối với một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt.
Là một tay vợt không ngừng phát triển, Nadal, cùng với các cuộc đối đầu của anh với Roger Federer và Novak Djokovic, đã tạo nên kỷ nguyên "Big Three", qua đó tái định nghĩa môn thể thao này. Trong lớp bụi đất đỏ, kỹ năng ra quyết định, tư duy thi đấu, sự tinh tế và phong cách độc nhất của Nadal đã vô tình bị lãng quên.
Thế giới có xu hướng định nghĩa các vận động viên và đôi khi là con người nói chung bằng những thuật ngữ tuyệt đối. Đây là cách để "tóm tắt" những người có tính cách và phẩm chất phức tạp thành một đặc tính nổi trội nhất, giống như một siêu năng lực của một siêu anh hùng nào đó. Nó cũng tạo ra những hình mẫu để dễ dàng so sánh: trong trường hợp của Nadal là sự mạnh mẽ, so với vẻ đẹp nhẹ nhàng của Federer và sự linh hoạt như cao su của Djokovic.
Nhưng cả ba người đều phải trả giá cho sự "siêu anh hùng" của mình. Federer đánh đẹp đến nỗi thể lực tuyệt vời và khả năng phòng thủ xuất sắc của anh đã bị bỏ qua. Với Djokovic, sự linh hoạt của anh đã làm lu mờ khả năng vượt lên trong những thời điểm căng thẳng (ví dụ, cú forehand chéo sân trong trận bán kết US Open 2011 trước Federer).
Video những cú đánh làm nên thương hiệu Nadal:
Ba danh hiệu Pháp Mở rộng của Djokovic hầu như không được nhắc đến vì 10 danh hiệu ở Melbourne, và ai quan tâm đến một cú hat-trick khi đối thủ lớn nhất của bạn đã nhiều hơn 11 lần? Tuy nhiên, như nhiều tay vợt đã nói với The Athletic vào tháng 6 vừa qua, Djokovic có thể là tay vợt nam xuất sắc thứ hai trên mặt sân đất nện trong lịch sử.
Nhưng xét ở khía cạnh này, Nadal chính là người chịu thiệt thòi nhất vì sự vĩ đại của anh trên một mặt sân. Anh có thể là tay vợt nam có lối chơi toàn diện thứ hai trong lịch sử, chỉ sau Djokovic, với một phong cách chơi quần vợt đủ tốt để giành được bốn danh hiệu US Open (bằng với Djokovic và chỉ kém một so với kỷ lục của Federer, Pete Sampras và Jimmy Connors ở kỷ nguyên Mở), và hai Wimbledon trong năm lần vào chung kết tại All England Club. Khi anh điều chỉnh lối chơi của mình để thích nghi với những giới hạn của cơ thể bằng cách rút ngắn tình huống bóng, Nadal đã trở thành một trong những tay vợt chơi trên lưới tốt nhất tại ATP Tour.
Nếu trừ đi 14 danh hiệu Roland Garros của Nadal, 8 danh hiệu còn lại giúp cũng anh có số danh hiệu lớn hơn nhiều tay vợt huyền thoại như John McEnroe và Boris Becker, ngang bằng Andre Agassi, Connors và Ivan Lendl. Đúng là sự vĩ đại trên một mặt sân trong đầu những năm 2000 đã giúp Nadal làm được nhiều hơn so với những tay vợt chuyên sân đất nện như Sergi Bruguera, Carlos Moya, Albert Costa và Juan Carlos Ferrero – những người đều đã vô địch Pháp Mở rộng nhưng không giành được thêm danh hiệu lớn nào nữa – nhưng sự thành thạo của Nadal trên mọi mặt sân đến từ cách anh tái cấu trúc quần vợt cùng với Djokovic và phần nào đó là Federer.
Khả năng tạo ra những cú đánh, đặc biệt là trong khi trượt hay chạy, cùng với độ xoáy và độ bật của cú forehand đã giúp tái định nghĩa cơ học của môn quần vợt (cũng như sự thay đổi của các mặt sân và trang thiết bị). Nhưng cú đánh này của Nadal thường được nhìn nhận qua lăng kính của sức mạnh đơn thuần, thay vì được mô tả là ngọn "roi lỏng" như David Foster Wallace nói về cú đánh mạnh mẽ của Federer.
Một sự điều chỉnh quan trọng trong lối chơi của Nadal là anh đã bắt đầu chọn vị trí trả bóng sâu, điều này đã giúp anh hóa giải những đối thủ có cú giao bóng mạnh mẽ. Từ đó, anh có thể bắt đầu những pha bóng mà mình có lợi thế, đồng thời biết rằng đối thủ sẽ không thể phản công hiệu quả. Vị trí này, mà Dominic Thiem cũng đã áp dụng, giờ đây đã trở thành một phần quan trọng trong quần vợt nam.
Nadal không có tài năng tự nhiên như Federer hay linh hoạt bẩm sinh như Djokovic. Chính Nadal cũng cảm thấy Federer có phần được ưu đãi hơn. Đội ngũ của anh cũng đồng ý: chú của anh và huấn luyện viên đầu tiên, Toni, đã nói rằng Nadal "bắt volley rất hay, nhưng không đẹp như Federer".
Nadal là vị vua của mặt sân đất nện. Sức mạnh và ý chí chiến thắng của anh là điều khó có thể phủ nhận. Nhưng khi nhìn Nadal tìm ra những góc độ tưởng chừng không thể để cứu thua hay ghi điểm, ta thấy một bậc thầy thực sự của môn quần vợt đang thi đấu. Một chiến binh, đúng, nhưng cũng là một thiên tài.