Sự thành công bất ngờ của "Tiếng Việt giàu đẹp"
Cho đến nay, bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của NXB Trẻ đã phát hành 11 tựa sách, đa số được độc giả đón nhận, có cuốn tái bản lần thứ 9 như Từ câu sai đến câu hay của Nguyễn Đức Dân. Khi bộ sách này mới ra mắt những cuốn đầu tiên, ít người nghĩ nó sẽ thành công, vì chủ đề có vẻ quen thuộc và hơi khô khan.
Cuối tuần qua tại Đường sách TP.HCM, bộ sách này đã có buổi ra mắt, với sự tham gia của các tác giả như GS-TS Nguyễn Đức Dân (góp 4 tựa sách), PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang, PGS-TS Trịnh Sâm, nhà báo Dương Thành Truyền, nhà báo Lê Minh Quốc. Cuốn sách Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm của Lê Minh Quốc là ấn phẩm mới nhất của bộ này. Cũng ra mắt trong năm 2024, cuốn Tình ca tiếng nước ta của Dương Thành Truyền đã tái bản chỉ sau 4 tháng phát hành.
Từ ăn uống và…
Với nhiều ngôn ngữ trên thế giới, những từ chỉ khái niệm/ hành vi ăn uống luôn giữ một vị trí quan trọng, phổ quát và đa dạng. Tiếng Việt càng đa dạng hơn, vì Việt Nam ở vị trí giao thoa của các nền ẩm thực/ văn hóa lớn, rừng biển có đủ, nhiệt đới gió mùa, thực phẩm phong phú, nên từ vựng hoặc ý niệm ẩm thực đa dạng theo, cũng là lẽ đương nhiên.
Đọc cuốn Ăn, uống, nói, cười và khóc của Trần Huiền Ân có thể thấy rõ điều này. Tác giả khảo sát các từ ngữ liên quan đến hoạt động của cái miệng, sau đó liên hệ đến thành ngữ, tục ngữ, ca dao và cả các văn bản viết có liên quan.
Hoặc đọc cuốn Tình ca tiếng nước ta của Dương Thành Truyền cũng có thể thấy phần nào về điều này. "Mà ăn uống không chỉ là ẩm thực, trong tiếng Việt có khi còn để chỉ sự cuốn hút, hoặc tư duy, như ăn ý, ăn ảnh, nhìn ngon cơm, đói ý tưởng, no thị giác, bội thực thông tin, đẹp phát ói, nghèo chất liệu…" - Dương Thành Truyền nêu ví dụ.
Hẳn nhiên rồi, khi bàn đến tiếng Việt thì khái niệm "vì sự trong sáng" luôn được đề cập, thậm chí ưu tiên. Cuốn Cuộc sống trong ngôn ngữ của Hoàng Tuệ nêu ra các văn bản của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu… cho đến một số tác giả sau này để ví dụ về cách viết sáng sủa, sâu sắc mà dễ tiếp nhận. Các cuốn Muôn màu lập luận, Từ câu sai đến câu hay của Nguyễn Đức Dân, Vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp văn chương của Lê Xuân Mậu càng góp phần củng cố cho quan niệm về sự trong sáng.
Thế nhưng, bộ sách không chỉ dừng lại ở khía cạnh khoa học ngôn ngữ, mà còn dấn sâu hơn vào văn ngôn dẫn chứng, vào bản sắc và cả triết lý của tiếng Việt. Cuốn Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm và Vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp văn chương có thể ví dụ cho khía cạnh văn ngôn dẫn chứng. Lê Minh Quốc còn đi xa hơn, không chỉ dừng lại ở nguồn gốc từ ngữ, mà còn tâm tình và vẻ đẹp của văn cảnh. Cuốn Đi tìm bản sắc tiếng Việt của Trịnh Sâm và Triết lý tiếng Việt của Nguyễn Đức Dân thì thể hiện đúng như tựa đề của nó.
Chỉ riêng khái niệm "nước" trong "đất nước" thôi, Nguyễn Đức Dân đã xâu chuỗi thành một hệ thống triết lý, cũng như so sánh với các quốc gia, lãnh thổ lấy đất làm ưu tiên. Những cụm từ như nước nhà, làng nước, nợ nước thù nhà… cũng được đưa ra cắt nghĩa dưới khía cạnh triết lý. Ông dẫn lại luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Thanh Phượng để chỉ ra vị trí trong tiếng Việt của từ "nước", nó là một trong 10 thực từ được dùng nhiều nhất. Nếu tính cả các hư từ, thì "nước" xếp hạng thứ 331 về độ phổ biến, rất thông dụng.
Cho đến cách viết gần gũi
Dù bộ sách được hầu hết các chuyên gia ngôn ngữ viết, nhưng may mắn thay, chúng không quá học thuật, khô cứng, mà hướng đến sự gần gũi, với những ví dụ cụ thể, sinh động. Không phải ngẫu nhiên mà Nỗi oan thì, là, mà và Từ câu sai đến câu hay của Nguyễn Đức Dân được tái bản rất nhiều lần, nó gần gũi và thực tế, nên độc giả yêu thích. Nói cách khác, đọc dễ hiểu và ứng dụng ngay được, đọc xong để viết tiếng Việt trôi chảy hơn, cuốn hút hơn.
Bộ sách sử dụng những ví dụ gần gũi trong kho tàng tiếng Việt xưa và cả ngôn ngữ hiện đại ngày nay, từ ca dao tục ngữ, báo chí, tác phẩm văn chương, lời bài hát, ngôn ngữ mạng, tiếng long...
Phương ngữ các vùng miền cũng là một nội dung quan trọng trong bộ sách này. Cuốn Tiếng Việt Phương Nam Trần Thị Ngọc Lang tái bản lần thứ 2, lý giải và giải thích sự khác biệt các hiện tượng từ vựng - ngữ nghĩa ở hai khu vực phía Nam và phía Bắc. Tác giả cũng khảo sát ngữ vựng trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư để thấy sự chuyển biến trong lời văn Nam bộ.
Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp còn có những bản thảo và chủ đề sẽ xuất bản, dự kiến có thể thành 20 quyển.
"Một người ất ơ về ngôn ngữ như tôi mà còn viết được, vậy thì bất kỳ ai yêu mến tiếng Việt hãy cứ mạnh dạn tìm hiểu và viết đi. Học và viết về tiếng Việt là chuyện không của riêng ai" - tác giả Lê Minh Quốc.