Sống chậm cuối tuần: Sống chung với... khỉ
(Thethaovanhoa.vn) - Chi tiết các vụ "giết khỉ" ở Sơn La, Hà Tĩnh còn đang được điều tra xác minh. Nhưng ngần ấy cũng đủ khiến ta phải đặt câu hỏi thay cho loài khỉ: "sống chung với loài người khó thế chăng"?
Xem chuyên mục "Sống chậm Cuối tuần tại đây"
1. Liên tiếp trong mấy ngày qua, chuyện giết khỉ (hay voọc) để làm mồi nhậu hay để khoe chiến tích trên Facbook đã làm "kinh động" nhân tâm. Trong khi có biết bao nhiêu người đã dành cả cuộc đời mình để nâng niu, bảo vệ các loài linh trưởng quý, được xem là "họ hàng" với con người, thì lại có những kẻ sẵn sàng giết khỉ, ăn óc sống, hay hòa tiết rượu để uống.
Bốn chục năm trước, ra trường với tấm bằng cử nhân “sinh học người”, tuyệt đối phục tùng sự phân công của tổ chức, tôi nhận lệnh về công tác tại Viện Khảo cổ học.
Thời ấy, tốt nghiệp xong, tổ chức phân công đi đâu, làm gì là ai nấy phục tùng răm rắp. Việc tôi được phân công chính là “nghiên cứu lịch sử tiến hóa của loài vật” và đặc biệt là quá trình từ loài khỉ, loài vượn tiến hóa lên thành người. Phải chứng minh cái quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng là con người được sinh ra từ một loài vượn người cao cấp mà “Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người”. Như một định mệnh, tôi phải sống chung với khỉ, với vượn, với các loại "bú dù" (một từ chỉ loài khỉ).
Nói phải sống chung với khỉ ngót 40 chục năm, chẳng ai tin nhưng đó là sự thật. Trong công việc của mình, tôi phải sống chung với không những khỉ sống mà cả khỉ chết. Có những con khỉ đang sống nhăn răng nhưng cũng có những bộ xương khỉ đã hóa đá ngót nửa triệu năm.
Hễ công trường khảo cổ nào khai quật, thấy xương động vật là người ta gọi đến tôi. Không biết bao nhiêu xương thú, xương khỉ đã qua tay tôi giám định. Chúng tôi còn lặn lội vào tận hang sâu mò ra biết bao hóa thạch hàng mấy chục vạn năm. Tìm ra nhưng chiếc răng vượn khổng lồ, những bộ xương đười ươi với nguyên sọ nhe răng nhọn hoắt trông thật khủng khiếp.
Cũng vì nghiên cứu khỉ vượn mà tôi hay phải lăn lội vào tận rừng sâu, rình từ sáng đến tối trước cửa hang để quan sát, chụp ảnh các đàn khỉ, bầy vượn nhảy nhót trên cây cao, vách núi cheo leo khắp các cánh rừng già từ Bắc vào Nam .
Nhờ nghiên cứu khỉ vượn mà tôi có dịp đi nhiều bảo tàng, sở thú trên thế giới. Có lần nằm lì trong Bảo tàng Tự nhiên, Vườn thú Berlin, Viện nghiên cứu khỉ học ở Inuyama, Nhật Bản, Viện Con người ở Paris… để nghiên cứu các mẫu xương, sọ của khỉ, vượn, đười ươi, tìm hiểu những lũ khỉ, vượn, đười ươi chúng sinh sống ra sao, yêu đương ra sao hàng năm trời. Có dịp sang tận Myanmar, Ấn Độ để quay phim chụp ảnh những đàn khỉ quấn quýt cùng các tu sỹ Phật giáo trong vườn chùa…
Vì nghiên cứu "bú dù", sống chung với "bú dù" mà tôi được chu du thiên hạ, viết được khối bài báo trong nước, ngoài nước và cũng kiếm được cái bằng tiến sỹ về Khảo cổ động vật học, về khỉ học.
Mãn nhiệm về hưu, tôi dự định từ nay sẽ từ giã khỉ để làm những gì mình thích. Tôi sẽ chu du đi thăm bè bạn, sẽ tìm hiểu về ẩm thực là một cái khoái mà bấy lâu nay tôi vẫn đeo đuổi và nghiên cứu. Vĩnh biệt loài khỉ!
2. Thế rồi cách đây cũng dăm bảy năm, trời Hà Nội đang nóng như đổ lửa, học trò lo thi cử vật vã toát mồ hôi, bỗng trời đổ mưa tầm tã. Không ngủ được, từ trong phòng ngủ đi ra (nhà tôi ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội), mắt nhắm mắt mở tôi thấy một chú khỉ ở đang ung dung vét cơm trong cái nồi cơm điện để trên bàn ăn. Không tin ở mắt mình, tôi định thần và tiến lại gần. Con vật nhe răng dọa rồi nhảy ra cửa sổ phóng từ trên tầng hai xuống lan can và biến sang nhà hàng xóm.
Hồi nhỏ, tôi nghe bố kể chuyện, có bọn trộm ở Hà Nội huấn luyện khỉ chui qua chấn song lẻn vào nhà ăn trộm đồng hồ, bút máy, ví tiền mang về cho chủ, tôi không tin. Hà Nội đông đúc như thế làm sao mà khỉ dám vào nhà? Hồi đó, tôi chỉ thấy có mấy con khỉ làm xiếc gánh nước với đôi thùng làm bằng ống bơ sữa bò hay thoăn thoắt đỡ thanh đao từ tay ông chủ bán thuốc cao biểu diễn bên bờ hồ Thiền Quang mà tôi hay nán lại xem mỗi khi tan trường.
Cũng dạo đó, báo chí phản ánh có ba chú khỉ đang cư trú bất hợp phát trong phường Tràng Tiền. Tôi đâm nghi ngờ. Thủ đô ta đông đúc như thế làm thế nào mà khỉ sống được? Hay nó trên Hòa Bình, Ba Vì, Hương Tích mò vào theo những chuyến xe chạy từ ngoại thành? Khỉ sống ở trung tâm Thủ đô? Lạ thật! Hôm nay, mục sở thị rồi, chẳng nghi ngờ vào đâu được nữa.
Cách đây 2 năm, báo chí lại đưa tin, tại Khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai) đã bất ngờ xuất hiện 1 con khỉ đực mặt đỏ, nặng khoảng 20kg leo trèo qua các ban công chung cư cao tầng, gây náo loạn cả khu dân cư. Cơ quan chức năng phải dùng ống bắn thuốc mê mới bắt được nó. Rồi hồi đầu năm nay, giữa lòng Hà Nội lại xuất hiện 2 con khỉ vô chủ, liên tục quậy phá khiến nhiều người lo lắng cho gia đình và trẻ nhỏ. Lỡ ai đó đang nằm một mình mà bị khỉ đột nhập vào sờ mó cào cấu hay cắn cho một miếng thì lại phải xuống Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ) làm 21 phát vào rốn thì gay.
3. Đêm, nằm thao thức không ngủ. Không ngủ bởi tiếng loa thùm thùm làm thót tim phát ra từ cái câu lạc bộ bên đường, bởi tiếng búa máy nện thình thình của công trường xây dựng sát vách ầm ầm hối hả suốt cả năm. Khuya về, lại có tiếng con tắc kè lạc loài sống trong ngõ hẻm này mấy chục năm nay. Thật não nề như kẻ nhớ rừng.
Mệt quá, ngủ thiếp đi, tỉnh dậy mới ngẫm. Khỉ thật! Thì ra cái số của mình sinh ra là để sống chung với "bú dù", sống chung với khỉ. Thế nhưng còn số phận những con khỉ, chỗ của chúng là trong rừng, sao chúng lại phải lạc loài sống chung với mình giữa đô thị ồn ào này?
TS Vũ Thế Long