Sống chậm Cuối tuần: Đi tìm lời giải về ý nghĩa của cuộc sống
(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Lễ phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức chiều 27/5 vừa qua đã trở thành thành cuộc tọa đàm sôi nổi không chỉ về chủ đề nghệ thuật “của” thiếu nhi hay nghệ thuật “cho” thiếu nhi, mà còn cả câu hỏi “thiếu nhi là gì”: cần phải quan niệm về các em như thế nào, có phải chỉ là một “người lớn thu nhỏ” hay một thành viên phụ thuộc của gia đình hay không? Đại biểu Quốc hội - nhà sử học, Dương Trung Quốc đề nghị nên có các em thiếu nhi tham gia vào một khâu “chấm giải” nào đó để kết quả Giải thưởng hằng năm phản ánh được sự lựa chọn của các em.
Để hiểu rõ hơn về cách đọc sách của thiếu nhi hôm nay, nhà phê bình Nguyễn Hòa đã chọn lọc và gửi cho Thể thao và Văn hóa một bài viết của một em thiếu nhi lớp 8, khi đọc cuốn The Fault In Our Stars (Khi lỗi thuộc về những vì sao) - tiểu thuyết của nhà văn Mỹ John Green (ra mắt năm 2012).
Nhờ tình yêu, nhờ những khát vọng tuổi trẻ thẳm sâu trong tâm hồn của một cô gái 17 tuổi mà một bệnh nhân ung thư trẻ tuổi đã may mắn tìm lại được chân lý sống, tìm lại được niềm vui thích, đam mê đối với cuộc sống của mình. Qua lối hành văn đầy cuốn hút và hài hước của John Green, The Fault In Our Stars chắc hẳn đã chạm tới trái tim của bao người đọc trên thế giới. Nên quả không quá lời khi tôn vinh John Green là một nhà văn tài danh trong những sáng tác dành cho thanh thiếu niên. Với 25 chương, cuốn sách dẫn dắt người đọc đi qua những cung bậc thật khác nhau của cảm xúc, để rồi níu chân họ đến tận dòng chữ cuối cùng.
- Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn: Kỳ vọng ở một 'sân chơi' đặc biệt
- Toàn cảnh buổi Lễ phát động 'giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn'
“Tôi muốn chia sẻ với mọi người về nỗi sợ của mình - nỗi sợ bị lãng quên” - câu chuyện của The Fault In Our Stars được bắt đầu một tâm sự chân thật, dung dị của cô gái 17 tuổi Hazel.
Nỗi sợ của cô, bị lãng quên, dường như luôn thường trực xuất hiện nếu chúng ta chấp nhận buông tay trước số phận. Vậy làm thể nào để bạn được tồn tại? Người đọc nín thở chờ đợi hành trình không mệt mỏi của 2 nhân vật chính - những người đều đang mang trong mình bệnh trọng, với quãng thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày.
Ẩn sâu trong những trang sách giấy trắng mực đen, người đọc bắt gặp hình ảnh sống động và giàu màu sắc về cuộc sống của cô gái 17 tuổi - vốn từng phải trải qua bao tháng ảm đạm, tiêu cực và buồn rầu. Hóa ra, để tìm kiếm được hạnh phúc, niềm vui, để thân thể tràn đầy thứ sức sống diệu kỳ không chỉ đến từ thể xác mà xuất phát từ tâm hồn thì Hazel Grace Lancaster - bệnh nhân ung thư tuyến giáp đã di căn tới phổi, phải dần học cách sống lạc quan hơn, cởi mở hơn để đón nhận những món quà bình dị mà cuộc sống ban tặng: Vòng tay yêu thương của gia đình, sự ân cần giúp đỡ của bạn bè...
Người đọc không thể bỏ qua một nhân vật khác của truyện - Augustus Waters - tình yêu của cuộc đời Hazel. Ở đây, hình ảnh chàng Augustus điển trai được tác giả sử dụng khéo léo làm hình ảnh ẩn dụ cho nghị lực, ý chí sống. Cũng giống với Hazel, Augustus đang phải chật vật níu kéo cuộc sống với căn bệnh u xương ác tính của mình. Nhưng trái ngược hoàn toàn với Hazel, sự lạc quan và rộng mở đối với cuộc sống của anh khiến nhiều người không khỏi tự cảm thấy xấu hổ về bản thân mình - những người vốn may mắn vì được sinh ra với sức khỏe và điều kiện vượt trội hơn, ấy thế lại luôn phàn nàn về những vấn đề nhỏ nhặt nhất.
Do đó người đọc, trong quá trình khám phá câu chuyện, khám phá về nhân vật bí ẩn Augustus Waters cũng đồng thời khám phá thêm về chính bản thân mình. Ta liên tục tự vấn bản thân: “Sống như thế nào mới được coi là xứng đáng?”.
Đối với bệnh nhân ung thư - những người như Hazel hay Augustus, niềm vui cuối đời của họ là những khoảnh khắc đẹp nhất ở những năm ngắn ngủi nhất của cuộc đời. Là dành trọn vẹn thời gian dành cho gia đình, bạn bè, cho những điều mà mình trân quý. Là không bỏ lỡ cơ hội, là không từ chối trước những thay đổi của cuộc đời. Điều này được tác giả thể hiện xuyên suốt tác phẩm qua những chuyến đi chơi, những lần khám phá du ngoạn xa xôi của hai nhân vật Augustus và Hazel.
Còn đối với chúng ta, thì điều gì mới là quan trọng? Thông qua tác phẩm, câu hỏi đã dần được giải đáp. Luôn tồn tại một cuộc đua không ngừng nghỉ giữa con người và thời gian, khi không chỉ người bệnh mà cả những cá nhân đơn côi nhất cũng cần phải nỗ lực cố gắng đánh bại thời gian, cố gắng tìm được lẽ sống của cuộc đời mình.
***
Đồng hành cùng cuốn sách, người đọc chia sẻ nhiều điểm tương đồng với không chỉ 2 nhân vật chính là Hazel và Augustus, mà còn với các nhân vật khác trong truyện. Từ cặp vợ chồng luôn cố gắng chiến đấu không mệt mỏi để cứu giúp cô con gái 17 tuổi khỏi căn bệnh ung thư tuyến giáp, và để đưa cô ấy ra khỏi một vũng bùn sâu thẳm của sự tiêu cực, chán nản thiếu hy vọng. Đối với họ, điều quan trọng chính là được ở bên và hỗ trợ cô con gái mình thương yêu nhất trong khoảng thời gian cuối cùng khi họ còn được bên con.
Đó còn là nhà văn Van Houten - người mà Hazel hết mực kính mến, người đã thất bại trong việc níu kéo sự sống của cô con gái Anna. Đối với ông, một kẻ nghiện rượu và điên rồ tưởng chừng đã mất đi lý trí sau sự mất mát không tưởng về tình thương ấy, xóa bỏ sự mặc cảm tội lỗi về cái chết của con gái mình và tiếp tục sống mới chính là điều quan trọng nhất.
***
Tác phẩm The Fault In Our Stars của nhà văn John Green là một câu chuyện, một lời giãi bày đầy hài hước nhưng cũng chất chứa đầy chua cay, khắc khổ của một cô gái tưởng chừng đã ở cuối chặng đường của mình. Sự xuất hiện của Augustus - sự xuất hiện của những luồng ánh sáng hy vọng mới đã giúp Hazel, và có lẽ là cả người đọc chúng ta trưởng thành hơn trong cách suy nghĩ và lối sống của mình.
Trải nghiệm khi đọc quyển sách này cũng tương đồng ít nhiều với những xúc cảm ta nhận thấy trên một chuyến tàu lượn: Hấp dẫn, thú vị, dù đáng sợ nhưng cũng đáng thử vô cùng. Để rồi khi khép cuốn sách lại, những câu hỏi lại thúc giục chúng ta trả lời: Mục đích mà chúng ta vẫn kiên trì theo đuổi sự sống mỏng manh của bản thân là gì? Điều gì khơi nguồn, thắp lên ngọn lửa tinh thần trong chúng ta cháy mãi?
Nhà phê bình Nguyễn Hòa: “Xuất hiện thế hệ với nhận thức mới, sáng tạo mới…” Tôi biết Vũ Phạm Bảo Anh đã khá lâu, và lặng lẽ dõi theo một cô bé vừa thông minh, học giỏi, vừa lanh lợi, hóm hỉnh, không ít lần làm tôi ngạc nhiên khi bác cháu nói chuyện. Đọc một số điều Bảo Anh viết, liên tưởng tới con trai mình lúc bằng tuổi Bảo Anh, tôi ngờ ngợ dường như đã xuất hiện một thế hệ người Việt với nhận thức mới, suy nghĩ mới, cảm xúc mới, tri thức mới, say mê sáng tạo mới… Riêng với văn học, nếu được trân trọng, động viên, chúng ta có thể hy vọng về một thế hệ tác giả mới. Tìm hiểu việc Bảo Anh viết Đi tìm lời giải về ý nghĩa của cuộc sống, tôi ngạc nhiên vì đọc trực tiếp từ bản tiếng Anh The Fault In Our Stars song cô bé vẫn tràn đầy cảm xúc, vẫn thâu nhận sâu sắc thông điệp nhân văn từ tác phẩm, trình bày với sự chững chạc của suy tư và kỹ năng viết… Hơn thế nữa, tôi bất ngờ khi thấy từ tác phẩm văn học, cô bé học sinh lớp 8 đã đặt ra các câu hỏi: “Đối với chúng ta, thì điều gì mới là quan trọng?”, “Điều gì khơi nguồn, thắp lên ngọn lửa tinh thần trong chúng ta cháy mãi?”, “Sống như thế nào mới được coi là xứng đáng?”. Đó là những câu hỏi mà nhiều người lớn trong chúng ta còn ít khi bận tâm. Đó cũng chính là lý do khiến tôi muốn giới thiệu bài viết này của Bảo Anh với bạn đọc. |
Vũ Phạm Bảo Anh
(Lớp 8K1 - THCS Trưng Vương, Hà Nội)