loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Với trách nhiệm xã hội của mình, tiếp theo Giải Âm nhạc Cống hiến, Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) quyết định thành lập một giải thưởng thường niên cho thiếu nhi, mang tên “Dế Mèn”.
Chiều nay (27/5), tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn
1. Chiều 27/5, Lễ phát động giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đã được tổ chức tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Đây là giải thưởng phi lợi nhuận thường niên được trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ).
Ở mùa giải đầu tiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tác phẩm tham dự giải thưởng được sáng tác, công bố trong thời gian từ đầu năm 2019 đến ngày 7/9/2020.
Tại lễ phát động, nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng, nhấn mạnh: "Trong thời đại bùng nổ công nghệ giải trí, việc tìm kiếm những sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí giàu giá trị Chân - Thiện - Mỹ để nuôi dưỡng tâm hồn các em thiếu nhi đang là nỗi trăn trở lớn của toàn xã hội”.
Như lời nhà báo Lê Xuân Thành, việc đầu tư sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí thiếu nhi là đầu tư cho những chủ nhân tương lai của đất nước, là đầu tư từ gốc để xây dựng “văn hóa đọc” và phát triển các hình thức sinh hoạt giải trí lành mạnh khác. Và đó cũng là cơ hội để phát triển một thị trường văn học nghệ thuật và giải trí có sức tiêu thụ rất lớn trong nhóm đối tượng thiếu nhi, mà lâu nay hầu như vẫn để cho văn hóa phẩm nước ngoài lấn át.
Bởi thế, giải thưởng Dế Mèn không chỉ bó hẹp trong văn chương hay trong 7 môn nghệ thuật mà mở rộng tới các bộ môn nghệ thuật mới - kể cả các tác phẩm khoa học phổ thông - với mục tiêu hết sức rõ ràng: Truyền bá kiến thức, vẻ đẹp của khoa học, để làm phong phú thêm cho tâm hồn thiếu nhi, cũng như tâm hồn của tất cả những ai từng là thiếu nhi.
2. Chia sẻ tại lễ phát động, rất nhiều đại biểu có mặt đã dành những đánh giá tích cực về giải Dế Mèn, cũng như những nỗ lực của TT&VH để tổ chức giải thưởng này.
“Tôi cho rằng, giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn là một giải thưởng mới mẻ, đầy tính sáng tạo của Thể thao và Văn hóa. Chúng tôi hy vọng rằng, giải thưởng sẽ phát triển dài lâu, mang lại đời sống tinh thần bổ ích, nhân văn cho trẻ em!" – ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cho biết.
Có mặt tại lễ phát động, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Nhà đấu giá Chọn cũng khẳng định: Tên giải thưởng Dế Mèn rất hay và ý nghĩa, kích thích và động viên những tác giả, tác phẩm của trẻ em, đồng thời cổ vũ đội ngũ sáng tác cho trẻ em.
Ông Cường cho rằng, trẻ em, luôn cần tới những “không gian văn hóa” đặc biệt mà ở đó có thể nghe, xem nghe, đọc chơi. Thời gian tới, với việc đáp ứng nhu cầu ấy, giải thưởng Dế Mèn chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm tốt, và cần phải đưa những tác phẩm tốt lên môi trường số.
"Xã hội thực thế nào thì xã hội số tương tự như vậy. Ta cần làm sao có nhiều nội dung phong phú, để khi đưa lên môi trường số các em có nhiều lựa chọn hơn, từ đó giảm thiểu những thông tin không có lợi cho các em" - ông Cường nói - "Tôi hy vọng giải thưởng sẽ tìm được những tác phẩm tốt, để từ đó chúng tôi sẽ chọn đưa vào giải thưởng "Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards", cùng với các lĩnh vực khác góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn".
Không những vậy, ông Cường còn hé mở một "tín hiệu vui" hậu Dế Mèn đó là "tới đây Nhà đấu giá Chọn ngoài tranh sẽ còn đấu giá các tác phẩm âm nhạc. Và chúng tôi cũng hy vọng sẽ chọn được những tác phẩm tốt của giải Dế Mèn để mang ra bán đấu giá".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), thành viên Hội đồng giám khảo đánh giá cao việc TT&VH mở ra "sân chơi Dế Mèn". Tôi tin rằng qua giải thưởng này, sẽ tạo ra phong trào rộng khắp trong xã hội, mở đầu cho một mỹ tục kéo các tác giả, các độc giả đến với thiếu nhi, vì thiếu nhi..."
3. Cũng cần nói thêm, từ rất lâu, vấn đề đẩy mạnh sáng tác cho thiếu nhi đã là một trăn trở lớn của những người làm nghề. Bởi vậy, tại lễ phát động, nhiều chuyên gia cũng đã chia sẻ những quan điểm của mình về vấn đề này.
Điển hình, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng cho rằng, trẻ em hiện nay có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ở nhiều lĩnh vực. Ông hoan nghênh và vui mừng khi biết tin giải thưởng Dế Mèn ra đời, kỳ vọng giải sẽ thúc đẩy đời sống tinh thần cho các em. Nhưng bên cạnh những giải thưởng như thế này, người đứng đầu NXB lớn nhất chuyên về sách cho trẻ em cũng khẳng định: Người lớn cũng cần chung tay có những thông điệp thiết thực hơn vì trẻ em, cho trẻ em. Và thêm một tín hiệu vui khi ông Vinh cho biết: "NXB Kim Đồng sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với giải thưởng Dế Mèn trong việc tìm kiếm những cuốn sách, những tác giả xứng đáng".
Còn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đưa ra ý kiến: Văn học thiếu nhi quốc tế phát triển cao hơn rất nhiều, lực lượng sáng tác cũng rất nhiều, đông đảo, còn ở ta thì đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi ngày càng teo tóp. Ông nói: "Tôi cho rằng vấn đề nằm ở độ chênh về tư duy nhân loại. Nhân cuộc thi này chúng ta cần nhắc nhở, khuyến khích đội ngũ sáng tác trong nước quay trở lại với việc sáng tác cho trẻ em, nhưng phải ở tư duy nhân loại chứ không chỉ là những minh họa, giáo điều".
Tại sao là Dế Mèn?
Hai chữ “Dế Mèn” mang biết bao ký ức đẹp về tuổi thơ gắn với ruộng đồng rơm rạ. Đó có thể là chú Dế Mèn can trường mang giấc mơ về thế giới đại đồng trong Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, nhưng cũng có thể là chú Dế Mèn nghệ sĩ vô tư hát trong đêm khuya trong Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương (Các con dế mèn suốt trong đêm khuya/ Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ/ Đền công cho dế nỉ non/ Trời cho sao chiếu ngàn muôn). Hoặc trong “Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ ao vẫn chú Dế Mèn vuốt râu” (Thư gửi bạn Chile - thơ Trần Đăng Khoa), đó là chú Dế Mèn bản lĩnh, hiên ngang như người dân đất Việt trong chiến tranh khốc liệt.
Mang tên Dế Mèn, Giải thưởng nhằm khích lệ các sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi. Đây là những lĩnh vực còn thiếu vắng các giải thưởng uy tín, đáp ứng nhu cầu phát triển thế hệ tương lai của đất nước.
|
Phạm Huy
loading...