Sloane Stephens: Niềm hy vọng cuối cùng của người Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Sloane Stephens đã dễ dàng đáp trả gần như mọi pha tấn công của Ekaterina Makarova ở trận đấu vòng 3 Roland Garros hôm thứ Bảy để thắng 6-3, 6-4. Sau khi chị em nhà Williams đều bị loại sớm, người Mỹ chỉ biết trông đợi vào cô.
Stephens thi đấu ở Grand Slam thành công hơn rất nhiều ở những giải đấu khác. Trong 6 giải Grand Slam gần nhất, cô đều lọt vào vòng 4, điều mà không có tay vợt nữ nào ở thời điểm này làm được. Stephens chưa bao giờ bị loại trước vòng 3 trong 9 Grand Slam đã qua. Tuy nhiên, cô lại chưa lọt vào trận chung kết nào ở 5 giải đấu vừa qua.
Halep: Thách thức đầu tiên
Sự kỳ lạ đó đã khiến Stephens phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi về thực lực của cô trong mỗi cuộc họp báo. Người ta đặt ra rất nhiều câu hỏi. Điều gì tạo nên sự khác biệt trong phong độ của Stephens ở các giải đấu lớn? Tại sao cô lại thi đấu tốt hơn hẳn ở Grand Slam? Có phải việc thi đấu ở môi trường nhiều cạnh tranh hơn kích thích hưng phấn? Có những chuyên gia đất nện, chuyên gia đất cứng, cô có phải chuyên gia Grand Slam hay không?
Nhưng Stephens chưa bao giờ trả lời, giải thích được những câu hỏi dạng đó. Sau trận đấu với Makarova, không dưới 6 lần cô trả lời phỏng vấn cùng một kiểu trước các câu hỏi khác nhau. “Tôi không biết. Như tôi đã nói, nếu tôi có câu trả lời riêng cho mình, tôi đã tiết lộ từ lâu rồi”, Stephens cho biết.
Đối thủ tiếp theo của Stephens là Simona Halep (4) và đây sẽ được coi là thách thức lớn đầu tiên mà tay vợt người Mỹ phải đối mặt tại Roland Garros lần này. Halep đã vượt qua vòng 3 vô cùng dễ dàng với chiến thắng 6-3, 6-0 trước Maria-Teresa Torro-Flor. Halep đã vươn lên vị trí số 4 thế giới bằng cách giành nhiều chiến thắng ở các giải nhỏ. Halep đang cho thấy sự tiến bộ vượt bậc ở các giải Grand Slam kể từ US Open năm ngoái khi cô lọt vào vòng 4. Tại Australian Open hồi đầu năm, Halep lọt vào vòng 4. Ở Roland Garros năm nay, cô lọt tới vòng 4 mà chưa để thua set nào. Trong khi trước đó, Halep đã từng bị loại ngay từ vòng 1 ở các giải Grand Slam tới 5 lần. Trong 9 giải đấu lớn trước US Open 2013, cô đều không thể vượt qua vòng 2.
Người Mỹ và khoảng trống thế hệ
Nói về đối thủ sắp phải chạm trán, Stephens phát biểu: “Cô ấy chơi rất tốt ở những giải đấu nhỏ, điều mà tôi không làm được. Trong khi tôi lại có kinh nghiệm ở các giải Grand Slam. Giữa chúng tôi là những sự khác biệt đối nghịch nhau.”
Hai tay vợt đã từng gặp nhau 2 lần trước đây, lần gần nhất là tại Australian Open 2013, nơi mà Stephens đã đánh bại Halep rất dễ dàng sau 2 set với cùng tỷ số 6-1. Halep vẫn nhớ về trận thua ấy cho đến tận bây giờ. “Tôi nhớ rằng cô ấy đã rất mạnh mẽ. Cô ấy di chuyển tốt và là một tay vợt tuyệt vời. Sẽ là một trận đấu khó khăn với cô ấy nhưng tôi có đủ sự tự tin để đáp trả lần này”, Halep chia sẻ.
Halep tiến bộ hơn Stephens mùa này. Hai năm trước, Stephens đứng hạng 38 còn Halep thứ 47. Đến cuối năm ngoái, Stephens đứng thứ 12, Halep thứ 11. Bây giờ, Halep đã lọt vào tốp 4 còn Stephens lại rơi xuống vị trí thứ 19. Ở Roland Garros năm ngoái, Stephens phải rời Paris ở vòng 4 sau khi bị đánh bại bởi Maria Sharapova – lúc đó đang đứng thứ 2 thế giới với tỷ số 2 set là 4-6, 3-6. Năm nay, đối thủ chỉ là một Halep mà phong độ và tài năng thực sự tại đấu trường lớn vẫn ở trong những dấu hỏi lớn, liệu Stephens có thể đặt chân vào tứ kết?
Sau thất bại của chị em nhà Williams, quần vợt nữ Mỹ chỉ còn Stephens là niềm hy vọng duy nhất ở French Open năm nay. Trong tương lai, khi đế chế Serena Williams không còn, người Mỹ sẽ chỉ còn trông chờ vào tài năng của Stephens.
Quần vợt nam Mỹ sạch bóng Hạt giống số 10 của giải John Isner đã thất bại trong việc trở thành tay vợt nam người Mỹ đầu tiên lọt vào tứ kết Roland Garros kể từ năm 2003. Anh đã chịu gác vợt với cùng tỷ số 3 set là 4-6 trước tay vợt số 6 thế giới Tomas Berdych. Isner là tay vợt cuối cùng trong 8 tay vợt nam người Mỹ ở nhánh đấu còn trụ lại đến vòng 4. Trước đó, Bradley Klahn, Robby Ginepri và Michael Russell bị loại từ vòng một, Steve Johnson, Sam Querrey dừng bước ở vòng hai. Đến vòng ba, Jack Sock, Donald Young. Và đến hôm qua, tay vợt nam cuối cùng Isner cũng không tài nào gây bất ngờ trước Berdych. Điều đáng nói là không một tay vợt nam người Mỹ nào từng lọt vào vòng bán kết tại các giải Grand Slam kể từ năm 2011 đến nay. Một thành tích quá tệ hại của quốc gia từng sản sinh ra những nhà vô địch Grand Slam như John McEnroe, Pete Sampras, Andrea Agassi, và Andy Roddick. “Tôi là tay vợt nam số 1 nước Mỹ thời điểm hiện nay. Thế nhưng giờ điều đó chẳng còn nhiều ý nghĩa như những năm 90 hay 2000. Bởi vậy việc tôi là số 1 cũng chẳng có gì đáng tự hào. Tôi còn thiếu quá nhiều thứ”, Isner chia sẻ. Thất bại vừa rồi cũng là trận thua thứ 7 liên tiếp của Isner trước các đối thủ nằm trong tốp 10. Một biểu hiện rõ rệt của sự thiếu đẳng cấp. |
Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa