Quản trị số thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
Ngày 15/5, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị liên ngành tổ chức Chương trình du lịch và doanh nhân lần đầu tiên, các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ về ứng dụng thực tế trí tuệ nhân tạo (AI), Tiktok và quản trị số trong ngành Du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối văn hóa, nguồn cảm hứng và chất keo gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, những doanh nhân, doanh nghiệp trong ngành du lịch đang từng ngày viết nên hành trình phát triển ấy bằng tâm huyết, sáng tạo và sự đồng hành.
Để lan tỏa giá trị tích cực, kết nối sức mạnh tập thể, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác thiết thực, hiệu quả và lâu dài. Bối cảnh hiện nay chia sẻ về ứng dụng thực tế trí tuệ nhân tạo (AI), Tiktok và quản trị số là vấn đề thiết thức để bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường trong và ngoài nước.

Khu du lịch dưới rừng dương trên bãi biển Cần Giờ. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Văng Thị Mỹ Nàng, Giám đốc Công ty Nhanh Travel chỉ ra rằng, so với các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc… thì doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ số hóa một phần, còn thiếu sự tích hợp tổng thể. Trong khi đó, quản trị số là quá trình doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tự động hóa, đồng bộ hóa và tối ưu toàn bộ hệ thống vận hành từ nhân sự, khách hàng, tài chính… cho đến dữ liệu, ra quyết định...
Bên cạnh đó, quản trị số không chỉ là thay sổ sách bằng phần mềm, mà là đổi cách nghĩ, cách làm, cách kiểm soát doanh nghiệp bằng dữ liệu số. Do đó, những thách thức trong quản trí số có thể kể đến là doanh nghiệp du lịch không biết bắt đầu từ đâu, ngại thay đổi thói quen cũ và thiếu quyết tâm từ người lãnh đạo. Tuy vậy, đây là chìa khóa giúp tăng hiệu suất, giảm chi phí vận hành, xây dựng nền tảng để nhân bản mô hình kinh doanh hoặc gọi vốn dễ hơn, nếu doanh nghiệp du lịch nên cũng là cơ hội để phát triển bền vững nếu đi đúng hướng.

Du khách có thể ngắm toàn cảnh chợ Bình Tây (Chợ Lớn) từ xe buýt hai tầng. Chợ Lớn có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, từ lâu đã trở thành điểm đến thu hút du khách bởi bản sắc riêng biệt của cộng đồng người Hoa ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Tin Tức
Một số doanh nghiệp du lịch cũng cho hay, đã bắt đầu ứng dụng AI trong các dịch vụ, gồm: Dự báo lượng khách, quản lý đặt phòng, điều chỉnh giá phòng khách sạn theo thời gian thực… hệ thống quản lý thông minh dựa trên AI giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực nhờ việc sử dụng chatbot và trợ lý ảo, những công nghệ này duy trì tương tác với khách hàng 24/7, trả lời các câu hỏi thường gặp, giải quyết các vấn đề phát sinh…
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không chỉ riêng ngành Du lịch mà tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 366 tài nguyên du lịch đã được cập nhật lên nền tảng Google Earth và Google Map, đồng thời các sản phẩm này còn được lên sàn thương mại điện tử (shopee, traveloka) để du khách, người dân tìm hiểu, tham khảo.
Thành phố có nhiều dư địa phát triển du lịch, nhưng đòi hỏi đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số mới có thể gia tăng hiệu quả hoạt động, khả năng chia sẻ và kết nối giữa các đơn vị, cộng đồng để mở ra nhiều cơ hội mới hơn cho ngành du lịch. Chính vì vậy, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ đầu tư hệ thống dùng chung, để các đơn vị triển khai trong cộng đồng du lịch, chia sẻ dữ liệu, ông Lê Trương Hiền Hòa thông tin.
Ngoài ra, Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh hướng tới các mục tiêu chính như tiện ích cho du khách, điểm đến thông minh, hệ sinh thái kinh doanh thông minh; chủ động phân tích và dự báo nhu cầu, xu hướng, sở thích nhằm hoạch định phát triển tốt hơn.