Novak Djokovic: Sẽ giành Golden Slam ở Olympic 2024?
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi tan mộng giành tấm huy chương vàng ở Olympic Tokyo 2020, Novak Djokovic chắc chắn không ngừng nghĩ về việc hoàn tất bộ sưu tập Golden Slam ở kỳ Olympic tiếp theo diễn ra ở Paris sau đây ba năm nữa.
Đó có thể coi là một bất ngờ ở kỳ Olympic năm nay, bởi Djokovic được kỳ vọng sẽ thống trị nội dung đơn nam, trong khi phía nội dung đơn nữ mới là nơi khó đoán hơn cả và chẳng dễ tìm ra một tay vợt đủ sức thống trị.
Viễn tưởng đã tan tành của Djokovic ở Olympic Tokyo
Không hề suy diễn chút nào, bởi Djokovic được hưởng lợi từ sự rút lui của hàng loạt tay vợt tên tuổi trước Olympic Tokyo, từ Rafael Nadal, Roger Federer, Dominic Thiem cùng một số tay vợt trong Top 20 khác trong đó có Denis Shapovalov. Không còn phải đối đầu với những tay vợt hàng đầu như ở các giải Grand Slam trong năm, Djokovic thênh thang cánh cửa để giành nốt tấm huy chương vàng Olympic quần vợt, qua đó hoàn thành trọn vẹn bộ sưu tập các danh hiệu quần vợt.
Niềm tin về một tấm huy chương vàng càng được củng cố sau chiến thắng tay vợt chủ nhà Kei Nishikori ở trận tứ kết chỉ sau hai séc đấu. Anh không thua một séc đấu nào trong suốt bốn trận từ vòng đầu tiên đến tứ kết. Sự tự tin của Nole được thể hiện trong những phát biểu của mình: “Các trận đấu không hề dễ dàng, nhưng trình độ chuyên môn của tôi ngày càng tốt hơn. Tôi biết mình là một dạng tay vợt càng chơi càng hay khi giải đấu bước vào giai đoạn quyết định”.
Đánh bại Nishikori, thách thức có thể là cuối cùng cho Djokovic để hướng đến tấm huy chương vàng mong ước nằm ở trận bán kết gặp tay vợt người Đức Alexander Zverev, người được xếp hạng hạt giống số 4. Người thắng trong cặp đấu ấy sẽ chỉ phải gặp đối thủ dễ chơi hơn nhiều: Karen Khachankov, hạt giống số 12 đến từ đoàn Olympic Nga sau khi đánh bại Pablo Carreno Busta, hạt giống số 15 ở trận bán kết còn lại.
Những so sánh giữa Djokovic và ba tay vợt còn lại ở vòng bán kết xem chừng thật khập khiễng. Zverev, Khachankov và Busta chưa một ai từng giành bất cứ danh hiệu Grand Slam hay tấm huy chương Olympic nào. Còn Djokovic? Bộ sưu tập của anh đã chất đầy đến 20 chức vô địch ở các giải Grand Slam, chưa kể tấm huy chương đồng ở Olympic Bắc Kinh 2008. Mục tiêu của Nole không gì khác ngoài việc đổi màu tấm huy chương ấy, và nó phải thành huy chương vàng, không thể khác. Ngoại trừ tấm huy chương vàng Olympic còn dang dở, Djokovic đã là một thế lực trong nhóm Big Three. Tính từ đầu năm 2017 đến giờ, Nole giành đến 8 trong 18 danh hiệu Grand Slam, còn lại 6 cho Nadal và 3 cho Federer. Dominic Thiem là trường hợp duy nhất không nằm trong nhóm Big Three đăng quang một giải Grand Slam trong 4 năm qua khi giành chức vô địch US Open năm ngoái, một phần nhờ việc Djokovic bất ngờ bị loại khỏi giải đấu sau tình huống vô tình đập quả bóng hướng về phía trọng tài.
Djokovic chắc hẳn đã từng nghĩ về chiến tích giành Golden Slam ngay trong năm nay, cụ thể là bốn chức vô địch Grand Slam kèm tấm huy chương vàng nội dung đơn nam Olympic Tokyo. Giả định kịch bản đó xảy ra, tay vợt người Serbia xứng đáng là tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt. Có điều, vinh quang ở Olympic Tokyo năm nay chắc chắn sẽ kém lung linh hơn nhiều, khi kỳ Olympic này không phải giải đấu đủ sức hấp dẫn những tay vợt hàng đầu vốn tỏ ra lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có chiều hướng khó kiểm soát ở Nhật Bản. Đó không phải là điều chỉ diễn ra ở môn quần vợt, mà đã lan ra những môn thể thao khác. Môn golf ở Olympic 2020 không có những tay golf hàng đầu như Dustin Johnson, Brooks Koepka, Sergio Garcia hay Louie Oosthuizen. Các siêu sao hàng đầu ở giải nhà nghề mỹ NBA chẳng hề hứng thú với môn bóng rổ tại Olympic, trong khi tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở môn bóng đá nam khi những Neymar, Mohamed Salah hay Kylian Mbappe đều chấp nhận việc các CLB từ chối cho họ về thi đấu ở các đội tuyển để tập trung cho mùa giải mới.
Djokovic tính sao cho tương lai?
Bây giờ, Djokovic sẽ phải nhanh chóng gác ký ức buồn ở Olympic Tokyo qua một bên, tập trung cho những giải đấu còn lại trong năm, bao gồm US Open. Mặt khác, chắc chắn tay vợt người Serbia sẽ chưa từ bỏ ý tưởng chinh phục Golden Slam. Cơ hội gần nhất để anh hiện thực hóa điều đó diễn ra sau 3 năm nữa. Olympic 2024 ở Paris, Pháp. Vào thời điểm đó, nhiều khả năng tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, đem đến cơ hội lý tưởng để các tay vợt hàng đầu tụ hội, thay vì chứng kiến làn sóng rút lui như đã thấy trên đất Nhật Bản. Vấn đề nằm ở chỗ từ giờ đến thời điểm mùa hè 2024, chưa ai dám chắc Djokovic còn giữ được phong độ như hiện tại hay không. Càng chẳng ai đoán định được liệu có thêm những tay vợt thách thức tiềm năng xuất hiện như cách Zverev khiến tất cả phải ngạc nhiên với tấm huy chương vàng nội dung đơn nam vừa qua.
Ít nhất, Nole chẳng phải quá lo lắng về sự đổi thay của quần vợt, bởi nội dung đơn nữ cũng chứng kiến câu chuyện tương tự diễn ra ở Olympic Tokyo vừa qua. Bức tranh về các tay vợt nữ ngày càng khó đoán định hơn khi kỷ nguyên thống trị của Serena Williams đã kết thúc từ năm 2017. Thật khó để tìm ra một nữ tay vợt đảm bảo giữ vững phong độ trong nhiều giải đấu lớn.
Nếu 18 giải Grand Slam gần nhất ở nội dung đơn nam là cuộc họp kín của nhóm Big Three, câu chuyện ở đơn nữ lại như một nhóm mở khi có đến 13 nhà vô địch khác nhau, bao gồm Bianca Andreescu, một tay vợt ít được biết tới cho đến chức vô địch US Open năm 2019. Chỉ có hai tay vợt giành nhiều hơn một danh hiệu Grand Slam là Naomi Osaka (4 lần) và Ashleigh Barty (3 lần). Đáng buồn thay, đây là hai tay vợt gây thất vọng nhất ở Olympic Tokyo khi lần lượt bị loại ngay từ những vòng đầu tiên. Với cá nhân Osaka, sức ép từ sự kỳ vọng của một tay vợt hàng đầu Nhật Bản đã khiến cô gặp vấn đề về tinh thần, một trong những nguyên nhân khiến tay vợt này chơi không đúng phong độ, chấp nhận tan vỡ giấc mơ giành huy chương vàng Olympic ngay trên sân nhà.
Trong khi trận chung kết đơn nam vẫn còn đó Zverev là một tay vợt có tên tuổi nhất định, nội dung đơn nữ chứng kiến hai gương mặt mới toanh hiện diện ở chung kết: Marketa Vondrousova của CH Czech, xếp hạng 42 thế giới đương đầu Belinda Bencic, hạng 12 thế giới.
Vẫn còn hơi sớm để đưa ra bất cứ dự báo nào về quần vợt ở kỳ Olympic tiếp theo trên đất Pháp. Ít nhất, tất cả hy vọng những tay vợt hàng đầu ở cả nội dung nam lẫn nữ sẽ còn đảm bảo phong độ và năng lực vốn có cho đến thời điểm ấy, bên cạnh những thách thức tiềm năng bắt đầu được nhận diện sau Olympic Tokyo 2020.
Đức Hùng