Novak Djokovic: Sau ATP Finals là Davis Cup!
Không có nhiều thời gian để Novak Djokovic nuốt trôi thất bại ở ATP Finals. Tay vợt người Serbia phải tiếp tục chuẩn bị cho một thử thách mới: Cuộc chiến với các tay vợt đàn em ở giải quần vợt đồng đội Davis Cup.
Vòng chung kết Davis Cup chính thức bắt đầu từ ngày hôm qua và sẽ kéo dài đến hết tuần tới. Đó sẽ là giải đấu các ngôi sao quần vợt như Djokovic hay Daniil Medvedev không chỉ chiến đấu cho cá nhân mà còn hướng tới thành tích chung cuộc của đội tuyển quê hương mình phục vụ. Cùng điểm qua những đội tuyển hàng đầu góp mặt tại Davis Cup lần này.
Djokovic-Serbia
Việc thi đấu cho đội tuyển quần vợt không phải lúc nào cũng là niềm vinh hạnh của tay vợt, nhưng với Djokovic đấy lại là lòng tự hào. Tay vợt đứng đầu thế giới từng chia sẻ một trong những ưu tiên hàng đầu của anh trong tương lai là giành vinh quang cho đội tuyển quần vợt Serbia, bên cạnh việc bổ sung thêm những danh hiệu Grand Slam.
Thật ra Nole đã góp công vào chức vô địch Davis Cup duy nhất của quần vợt Serbia năm 2010. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để thỏa mãn mong muốn của anh hướng đến thêm những danh hiệu tập thể nữa. Việc Djokovic lỡ hẹn với tấm huy chương vàng Olympic Tokyo mùa hè vừa qua càng thôi thúc động lực để anh thêm một lần nữa giành vinh quang cùng Serbia ở kỳ Davis Cup năm nay: “Tôi thích cơ hội đến với mình ở Davis Cup. Tất nhiên, đó là một giải quần vợt đồng đội, vì thế thành tích không chỉ phụ thuộc vào cá nhân tôi. Đó là nỗ lực của toàn đội, thể hiện qua việc phải thắng ít nhất 2 trận đánh đơn hoặc một trận đánh đơn, một trận đánh đôi. Tôi có động lực để chiến đấu cho quần vợt quê hương mình”.
Thành phần tuyển Serbia: Djokovic, Dusan Lajovic, Filip Krajinovic, Nikola Cacic, Miomir Kecmanovic.
Medvedev-Nga
Khi nhắc đến giải quần vợt Davis Cup năm nay, đội tuyển Nga chắc chắn là một cái tên không thể bỏ qua, khi tập hợp những tay vợt trong Top 20 thế giới. Đó là tay vợt xếp thứ hai Daniil Medvedev, cùng người xếp thứ năm Andrey Rublev và một thành viên khác trong Top 20 là Aslan Karatsev (hạng 18). Karen Khachanov, tay vợt trẻ đứng hạng 29 thế giới, đem đến thêm chiều sâu và sức mạnh cho quần vợt Nga. Có điều, Rublev đang không đạt phong độ tốt, Karatsev chẳng còn giữ được thành tích ấn tượng như giai đoạn đầu năm, còn Khachanov đang thiếu đi cảm giác của một kẻ đi săn những chiến thắng ở các trận đấu gần đây. Điều này khiến mọi kỳ vọng đổ dồn lên Medvedev, người vừa thất bại ở trận chung kết ATP Finals trước Alexander Zverev. Điều may mắn cho Medvedev là đối thủ Zverev sẽ không tham dự Davis Cup trong màu áo đội tuyển Đức. Những gì tay vợt 25 tuổi này cần làm là thể hiện phong độ tốt nhất ở các trận cầu quan trọng nếu muốn góp một tay vào chức vô địch Davis Cup cho quần vợt Nga
Thành phần tuyển Nga: Medvedev, Andrey Rublev, Aslan Karatsev, Karen Khachanov, Evgeny Donskoy.
- Alexander Zverev vô địch ATP Finals 2021: Phần thưởng cho người dũng cảm
- Casper Ruud: Từ bại tướng của Lý Hoàng Nam đến hiện tượng ở ATP Finals
Cilic-Croatia
Liệu Croatia, nhà vô địch Davis Cup 2018, có phải là chú ngựa ô đủ sức thêm một lần nữa giành chức vô địch Davis Cup? Sự vắng mặt của tay vợt Borna Coric, người vẫn đang trong quá trình hồi phục chấn thương, khiến gánh nặng dồn lên vai Marin Cilic. Cựu tay vợt số 3 thế giới này không còn giữ được phong độ đỉnh cao trong vài năm qua nhưng anh vẫn cho thấy những tín hiệu lạc quan với chức vô địch giải Saint Petersburg Open, danh hiệu thứ 20 trong sự nghiệp đánh đơn của mình. Cilic tự tin khẳng định mình hoàn toàn có thể nâng tầm năng lực của mình lên một ngưỡng cao hơn. Điều anh cần chứng minh chính là màn trình diễn tốt ở kỳ Davis Cup năm nay. Một trong những yếu tố ủng hộ Cilic là thành phần quần vợt Croatia khá đồng đều về năng lực. Cả Nikola Mektic và Mate Pavic đều đạt phong độ cao ở các giải đánh đôi gần đây. Họ cùng nhau giành tổng cộng 9 danh hiệu, bao gồm những chức vô địch quan trọng như giải Wimbledon hay tấm huy chương vàng Olympic Tokyo. Hoàn toàn có khả năng sự hỗ trợ của bộ đôi Mektic-Pavic sẽ giúp ích cho Cilic nếu Croatia phải trải qua những trận đấu căng thẳng ở Davis Cup năm nay.
Thành phần tuyển Croatia: Marin Cilic, Nino Serdarusic, Borna Gojo, Nikola Mektic, Mate Pavic.
Alcaraz-Tây Ban Nha
Quá trình chuẩn bị của đội tuyển Tây Ban Nha, nhà ĐKVĐ Davis Cup, gặp trở ngại đáng kể khi tay vợt chủ lực Roberto Bautista Agut buộc phải rút lui vì chấn thương. Tay vợt số 19 thế giới này từng được kỳ vọng sẽ là niềm hy vọng số một của Tây Ban Nha ở Davis Cup năm nay, sau khi quá trình hồi phục chấn thương của Rafael Nadal diễn ra chậm hơn dự kiến. Giờ sẽ là cơ hội để tài năng trẻ Carlos Alcaraz chứng tỏ mình. Tay vợt trẻ 18 tuổi này đã trải qua một năm thi đấu tương đối thành công khi giành chức vô địch ATP Tour đầu tiên trong sự nghiệp, hai lần giành chiến thắng trước những tay vợt Top 10 thế giới, vươn lên hạng 32 thế giới và mới nhất là vô địch giải trẻ Next Gen Finals ở Milan. Đây sẽ là kỳ Davis Cup đầu tiên trong sự nghiệp của Alcaraz và khả năng tạo ra sự bùng nổ của anh hứa hẹn mang đến những phấn khích cho các khán đài hiện diện ở Madrid, một trong những địa điểm tổ chức Davis Cup năm nay. Đội tuyển Tây Ban Nha sẽ khởi đầu chiến dịch Davis Cup bằng trận gặp Ecuador trước khi trải qua trận cầu được dự báo đầy khó khăn trước Nga.
Norrie-Anh
Tuy được đánh giá thấp hơn các đội tuyển quần vợt đã nói ở trên, đội tuyển quần vợt Anh vẫn không thể bị xem thường ở Davis Cup năm nay. Cameron Norrie, tay vợt xếp hạng 12 thế giới, sẽ là niềm hy vọng mới của quần vợt Anh sau khi Andy Murray đã đưa Anh lên ngôi vô địch Davis Cup năm 2015. Năm nay, Norrie đã thu về danh hiệu ATP Masters 1000 ở Indian Wells và anh hoàn toàn có thể làm nên chuyện ở Davis Cup. Kinh nghiệm ở giải đấu này của anh không hề ít ỏi chút nào, bằng chứng là chiến thắng Roberto Bautista Agut ở trận đánh đơn trong lần tham dự Davis Cup đầu tiên năm 2018.
Thành phần tuyển Anh: Cameron Norrie, Daniel Evans, Joe Salisbury, Neal Skupski, Liam Broady.
Davis Cup năm nay diễn ra như thế nào? Kỳ Davis Cup năm nay đã khởi tranh từ hôm qua và sẽ kéo dài đến ngày 5/12, tức Chủ nhật tuần sau. Sẽ có ba địa điểm tổ chức giải đấu gồm các thành phố Madrid (Tây Ban Nha), Innsbruck (Áo) và Turin (Italy). Mỗi địa điểm sẽ tổ chức các trận đấu ở hai trong sáu bảng Davis Cup. Innsbruck và Turin tổ chức thêm ít nhất một trận tứ kết, còn Madrid sẽ đăng cai thêm hai trận tứ kết còn lại, cùng các trận bán kết và chung kết Davis Cup năm nay. Sẽ có 18 đội tuyển tham dự Davis Cup, gồm 12 đội tuyển vượt qua vòng loại, 4 đội tuyển góp mặt ở bán kết kỳ Davis Cup trước và thêm 2 đội nhận suất đặc cách. Các đội được chia vào 6 bảng thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt. Mỗi trận đấu Davis Cup giữa hai đội tuyển sẽ diễn ra theo thể thức là 2 trận đánh đơn và 1 trận đánh đôi, đều theo thể thức 3 séc thắng 2. Các đội tuyển giành được điểm số tốt nhất ở bảng đấu của mình sau khi kết thúc tất cả các trận đấu, cùng 2 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền vào tứ kết. Cụ thể các bảng đấu Madrid Arena, Tây Ban Nha Bảng A: Tây Ban Nha, Nga, Ecuador Bảng B: Canada, Kazakhstan, Thụy Điển Olympia-Halle, Áo Bảng C: Pháp, Anh, CH Czech Bảng F: Serbia, Đức, Áo Pala Alpitour, Italy Bảng D: Croatia, Australia, Hungary Bảng E: Mỹ, Italy, Colombia |
Đức Hùng